Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

VIỆT BẮC – MỘT SỬ CA CÓ GIỌNG TÂM TÌNH



(Phan Huy Dũng, Tác phẩm văn học trong nhà trường – Một góc nhìn, một cách đọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.2009)
             Việt Bắc được in trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1954. Đây là một đỉnh cao nghệ thuật của Tố Hữu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đồng thời cũng là một tác phẩm lớn của nền thơ cách mạng Việt Nam.
            Bài thơ được viết vào tháng 10 năm 1954, giống như lời hát giã từ căn cứ địa cách mạng sau 15 năm gắn bó. Bài thơ cũng mang tính chất của một bản tổng kết lịch sử (dĩ nhiên là theo kiểu của nghệ thuật) nhằm khép lại một thời kỳ cách mạng và hướng về một chặng đường mới của lịch sử dân tộc.
            Cả bài thơ được bao bọc trong một nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết. Chỉ trong đoạn trích của sách giáo khoa, ta đã thấy có đến 35 lần từ nhớ được nhắc tới. Điều này chứng tỏ nội dung cảm xúc chính của bài thơ là nỗi nhớ - một nỗi nhớ hướng tới nhiều đối tượng cụ thể, khác biệt mà thống nhất với nhau. Nói cụ thể hơn, nỗi nhớ trong bài hướng về ba đối tượng chính: nhớ Việt Bắc - quê hương cách mạng; nhớ một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng; nhớ công ơn Bác và Đảng đã đưa dân tộc đi tới bến bờ thắng lợi. Tất nhiên, từ nhớ trong bài thơ không chỉ mang hàm nghĩa hồi tưởng về một cái gì đã qua. Trong nhớ còn hàm chứa sự đánh giá, ghi công, sự nhắc nhở những người Việt Nam yêu nước hãy đừng quên bao năm tháng đẹp đẽ đã tắm mình trong cuộc sống cách mạng. Vì vậy, nói nhớ cũng là để hướng ý thức xã hội nhìn về cái tương lai vốn đã được xây đắp nền móng vững chắc từ quá khứ. Do đề cập những vấn đề lớn, những tình cảm lớn, những lẽ sống lớn của cả cộng đồng, bài thơ Việt Bắc mang tính chất sử thi rất rõ.
            Bài thơ có nghệ thuật đậm đà tính dân tộc với mấy biểu hiện nổi bật:
           Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng rất thành công. Giọng điệu thơ có đoạn mộc mạc, giản dị như ca dao, có đoạn điêu luyện, trau chuốt như Truyện Kiều (đặc biệt là đoạn tả cảnh bốn mùa Việt Bắc). Điều đáng chú ý khác là tác giả đã đưa vào thể lục bát vốn có đặc trưng mềm mại cái hơi thở anh hùng ca, khiến khả năng biểu đạt của thể thơ này tăng lên đáng kể (đoạn miêu tả đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch là một ví dụ tiêu biểu).
            Bài thơ vận dụng rất sáng tạo lối kết cấu đối đáp quen thuộc của các bài ca trữ tình dân gian. Lời hỏi và lời đáp cứ luân phiên một cách đều đặn cho đến hết bài, thể hiện sâu sắc tâm tình của cả người đi (những cán bộ kháng chiến) lẫn kẻ ở (Việt Bắc). Nhờ hình thức đối đáp, giọng điệu bài thơ có được sự chuyển đổi linh hoạt và nhà thơ có cơ hội kể được nhiều về các kỷ niệm kháng chiến bằng những lời lẽ tràn đầy tình cảm gắn bó, yêu thương.
            Bài thơ dùng rất đắt các đại từ xưng hô mình, ta vốn xuất hiện nhiều trong ca dao tình yêu. Nhờ khéo lợi dụng khả năng thay thế và hoán đổi vị trí cho nhau của hai đại từ này, tác giả đã khẳng định được một điều rất có ý nghĩa: mình  ta, kẻ ở và người đi, Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến tuy hai nhưng là một. Với hai đại từ mình  ta, bài thơ Việt Bắc có dáng dấp của một khúc ca tình yêu dù tác phẩm chuyên chở nội dung chính trị và cách mạng.
            Việt Bắc chứa đựng rất nhiều thi liệu của thơ truyền thống, đặc biệt là thơ dân gian. Những hình ảnh như chiếc áo, vầng trăng, mái đình, cây đa,... những cách dùng từ, dùng ẩn dụ, tỉ dụ, hoán dụ đặc biệt Việt Nam đã thực sự đưa tới cho bài thơ một vẻ thân quen, gần gũi, rất dễ tiếp nhận đối với đại chúng.
*
*       *
            Như đã nói, bài thơ Việt Bắc được tổ chức dựa trên chuỗi lời đối đáp của hai nhân vật hư cấu, một bên đại diện cho Việt Bắc và một bên đại diện cho những người kháng chiến[1]. Tuy các đại từ mình, ta đã được dùng một cách đắc địa trong bài thơ, nhưng độc giả không thấy có nhu cầu phân định xem kẻ ở và người đi, ai là nam, ai là nữ, mà phân định cũng không được vì rất khiên cưỡng. Chính nội dung các lời đối đáp đã tạo nên quy ước ngầm đó. Phải nói rằng đây là điểm hết sức độc đáo trong nghệ thuật thơ Tố Hữu, trên phương diện tiếp nhận những kinh nghiệm nghệ thuật phong phú của nền thơ dân gian.
            Bước vào thế giới nghệ thuật của bài thơ, ta gặp ngay những câu hỏi dồn dập, thiết tha mà Việt Bắc nêu lên cho người ra đi. Những câu hỏi đó một mặt tạo nên áp lực tình cảm, mặt khác tạo cớ cho người ra đi biểu hiện bao nỗi nhớ đang trào dâng trong lòng mình. Nếu trong lời của kẻ ở xuất hiện liên tục hai từ có nhớ biểu thị sự băn khoăn, nhắc nhở, thì trong lời người đi, theo một quan hệ hô ứng nhịp nhàng, các cụm từ nhớ từng, nhớ sao đã có mặt để dứt khoát khẳng định tình cảm sâu nặng của những người kháng chiến đối với quê hương cách mạng.
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
            Dòng đầu tiên của đoạn thơ vừa trích có một so sánh đáng chú ý. Không phải nhân vật trữ tình đang biểu lộ nỗi nhớ người yêu mà biểu lộ nỗi nhớ đối với Việt Bắc. Như ta đã biết, thơ Tố Hữu hầu như không nói về tình yêu trai gái, nhưng điều đó không có nghĩa là cảm xúc trong thơ ông không đạt tới độ ngây ngất, mặn nồng. Chiếm trọn sự chú ý của ông là những vấn đề lớn, những tình cảm lớn hướng về đất nước, nhân dân. Khi thể hiện những vấn đề, những tình cảm ấy, ông đã nói bằng ngôn ngữ của một tình nhân say đắm nhất. Quả thực, đằng sau câu thơ, ta vẫn nhận ra được nỗi nhớ nhung dịu ngọt như nỗi nhớ nhung của những người yêu nhau. Nỗi nhớ nhung ấy cứ lửng lơ, ám ảnh hoài tâm trí của người đi, khiến người đi không nén được, phải thốt lên một câu nửa như cảm thán, nửa như nghi vấn chứa đựng một vẻ gợi cảm rất đặc biệt.
            Trong 5 dòng thơ tiếp đó, những cảnh sắc thân thuộc của quê hương Việt Bắc đã được tái hiện bằng bút pháp chấm phá. Quả thực, nhà thơ đã không tả cái gì thật chi tiết mà chỉ làm việc nhắc gợi. Đối với độc giả, nhất là những người trong cuộc, chừng ấy cũng đủ khiến họ bồi hồi. Hình ảnh trăng lên đầu núi có thể đánh động ký ức về một buổi gặp gỡ, hẹn hò; nắng chiều lưng nươngthì gợi nhớ về những khoảnh khắc cuối ngày đong đầy niềm xao xác; bếp lửa lại làm sống dậy trong tâm trí người đọc cảnh quần tụ ấm cúng; khói cùng sương khơi lên nỗi cảm thương đối với những bản làng chìm khuất sau mây mù... Cụm từ nhớ từng được lặp lại hai lần như muốn khẳng định rằng người đi không quên bất cứ một sự vật nào, một địa điểm nào. Từ ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê đến những bờ tre, rừng nứa, tất cả đều có chỗ đứng trong tình cảm của người từng có một thời sống gắn bó với nơi này. Suối Lê có thể khi đầy, khi vơi, nhưng nỗi nhớ về suối Lê, cũng như nỗi nhớ về Việt Bắc nói chung có lẽ lúc nào cũng cứ tràn bờ...
            Mặc dù chia xa, người ra đi không thể nào quên một thời gian khổ được sống giữa lòng dân Việt Bắc:
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
            Tình người sáng lên giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, cam go bao giờ cũng để lại những ấn tượng đậm đà. Việt Bắc đã chia sẻ với những người kháng chiến từ bát cơm, củ sắn rất cụ thể của đời sống vật chất đến những ngọt bùi, đắng cay khôn tả xiết của đời sống tinh thần. Chúng ta luôn bên nhau, lúc nào cũng mình đây, ta đó quấn quýt. Các chi tiết được nêu trong đoạn thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng. Tất cả chúng đều hướng người đọc tới chỗ nhận thức được cái giá trị to lớn của tinh thần “chung lưng đấu cật”, “đồng cam cộng khổ” mà Việt Bắc cùng những người kháng chiến từng nêu cao. Chi tiết đắp chung chăn rất gợi không khí, vốn đã được nói tới không ít lần trong thơ kháng chiến chống Pháp, giờ lại xuất hiện ở đây với những thông tin nghệ thuật mang tính khái quát. Chăn sui dĩ nhiên chưa thể chống lại được cái rét thấu xương nơi núi rừng, nhưng trên thực tế, nó đã sưởi ấm được hồn người, đã gắn kết được tình người, cũng như củ sắn dù chưa đủ no lòng nhưng vẫn có thể làm dịu đi những cơn đói rất thật bằng mùi hương tinh thần ngọt bùi của nó.
            Nhắc tới những khó khăn mà mình đã trải, người ra đi càng thương sự vất vả của đồng bào Việt Bắc. Có cái gì thật ám ảnh, thật day dứt trong hình ảnh tấm lưng trần của người mẹ vùng cao:
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô...
            Thơ ca lãng mạn trước cách mạng thường thích nói tới những tấm lưng ong, lưng eo thon thả, gợi tình của thiếu nữ (Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon – Vũ Hoàng Chương). Còn ở đây là tấm lưng sạm đen, cháy nắng của một người lao động. Chỉ với chi tiết ấy thôi – một chi tiết hết sức hiện thực – tác giả đã gợi lên được rất chính xác cảnh sống cay cực phải vật lộn thường xuyên với miếng cơm, manh áo của những người dân miền núi Việt Bắc.
            Vẫn tiếp tục nói về một thời gian khổ nhưng các câu thơ sau lại nghiêng về nhấn mạnh tinh thần lạc quan của những người kháng chiến:
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
            Các câu thơ đã đưa ra được những chi tiết khá điển hình về đời sống chiến khu : có cơ quan, có lớp học, có tiếng đọc bài, có tiếng hát “khai hội”, có ánh đuốc bập bùng cháy giữa đồng khuya... Tinh thần “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” quả đã thấm sâu vào nhận thức mỗi người, chi phối cách tổ chức cuộc sống cũng như trạng thái tinh thần phấn chấn của họ. Nhưng điều đáng nói hơn là ta đọc thấy đằng sau các câu thơ một tâm trạng nôn nao khó tả. Hai từ nhớ sao được dùng lặp đi lặp lại trong đoạn thơ cho thấy người đi đang thực sự sống trong nỗi nhớ chứ không phải chỉ làm cái việc kể chuyện khách quan đơn thuần. Ta có cảm tưởng người đi đang muốn kêu lên những nỗi niềm dồn chứa trong lòng.
            Thế rồi, đợt sóng thứ nhất của cảm xúc dần lắng xuống, theo âm ba của những thứ tiếng có tính đặc trưng của núi rừng Việt Bắc:
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...
            Ai đã từng sống ở miền núi hẳn đều thừa nhận rằng tiếng mõ trâu lúc chiều về và tiếng chày giã gạo thậm thình bên suối trong đêm khuya vắng là những tiếng động có một cái gì đó thật khó tả, khó quên. Chúng vừa thân thuộc lại vừa hoang dại, vừa gần gũi bên tai lại vừa như vọng về từ một cõi nào xa lơ, xa lắc. Câu cuối cùng có âm hưởng thật hay với sự luân phiên đều đặn của những thanh bổng, thanh trầm. Đọc nó lên, ta tưởng nghe được bên tai một dạ khúc tha thiết.
*
*       *
            Đã đến với bài thơ, độc giả khó mà quên được đoạn gợi lên phong vị bốn mùa rất riêng của Việt Bắc. Bút pháp tả cảnh, tả tình ở đây đã đạt tới mức tinh luyện, biểu thị độ viên mãn của một phong cách nghệ thuật luôn hướng tới sự hài hoà giữa tình cảm cách mạng và nhận thức cách mạng. Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
            Dòng đầu tiên là một câu hỏi hướng về người ở lại. Tất nhiên, câu hỏi này không cần phải trả lời. Đó là một câu hỏi tu từ có chức năng đưa đẩy hoặc gắn kết những lời đối thoại vào trong một mối thống nhất. Ảnh hưởng của thơ ca dân gian được thể hiện ở đây rất rõ. Thơ ca dân gian thường có lối thể hiện tình tứ và duyên dáng như vậy. Có thể nghĩ thêm rằng: chính câu hỏi này đã làm nổi bật tính chất hai chiều của nỗi nhớ cùng sự thiết tha của tình cảm mà người đi đã dành cho Việt Bắc, nhằm đáp lại ân tình sâu nặng mà quê hương cách mạng đã dành cho mình.
            Từ hoa được dùng trong dòng thơ thứ hai thật cô đọng mà gợi cảm. Đầu tiên, có lẽ nó muốn chỉ những loài hoa quen thuộc thường gặp ở núi rừng Việt Bắc. Trong nỗi nhớ nhung trìu mến của người đi, Việt Bắc như đã trở thành một xứ hoa. Có thể nói cảm xúc của người đi đã được lắng lọc trong suốt, để còn lại trong kí ức là những cái gì đẹp đẽ nhất, lung linh, tươi tắn nhất. Nhưng từhoa cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng. Hoa chính là thiên nhiên làm say đắm lòng người của Việt Bắc, không thể tách nó ra khỏi hình ảnh con người. Nhớ hoa cũng chính là nhớ người và ngược lại.
Trong tám dòng thơ tiếp theo, Tố Hữu đã tạo nên được một bộ tranh tứ bình độc đáo về Việt Bắc theo chủ đề Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi bức tranh thơ có giá trị độc lập của nó nhưng điều này không phá vỡ sự hài hoà chung của cả bộ tranh. Trái lại, vẻ đẹp của mỗi bức chỉ bộc lộ hết trong mối quan hệ chỉnh thể với những bức còn lại. Khi lần lượt vẽ các bức tranh này, Tố Hữu đã nhất quán sử dụng bút pháp cứ câu trên tả cảnh thì câu dưới tả người. Dụng ý của tác giả là khẳng định sự thống nhất giữa cảnh và người đã nói ở trên. Nhìn chung, bộ tứ bình thơ ở đây đậm đà màu sắc cổ điển với tính chất cân xứng hoàn mỹ của nó.
            Như là một sự ngẫu nhiên, bức tranh thứ nhất vẽ ra cảnh tạm quy ước là cảnh mùa đông[2]:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
            Tuy nói về rừng xanh – một đối tượng từng được nhắc tới trong thành ngữ rừng xanh núi đỏ  mà câu thơ - nét vẽ không hề gợi cảm giác buồn vắng, hiu hắt. Ta thấy hiện lên ở đây hình ảnh những bông hoa chuối đỏ tươi giống như những đốm lửa đang bập bùng cháy giữa nền xanh trầm tịch của rừng già. Nhà thơ đã khéo tạo nên sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm tăngcường lực thị giác của màu đỏ, tức là màu có thể gợi lên cảm giác ấm áp, hưng phấn. Tiếp sau, nhà thơ tạo hình một dáng người đi trên đèo cao. Trong tỉ lệ chung của bức tranh, cái chấm tả người ấy thật bé nhỏ, tuy vậy, ta không hề có ấn tượng hình ảnh con người bị lấn át. Tất cả là nhờ ở con dao được tác giả “gài” một cách tự nhiên, đầy “nghệ thuật” ngang thắt lưng người. Cái ánh nắng được phản chiếu trên lưỡi dao trần đã biến con người trở thành một điểm sáng di động thu hút cái nhìn của chúng ta. Phải chăng điều tác giả muốn nói ở đây là  thiên nhiên không che lấp mà thực sự đang tôn lên vẻ đẹp của con người?
            Trong bức tranh thứ hai - Xuân - gam màu chủ đạo là gam màu trắng:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
            Đó là một màu trắng trong trẻo rất phù hợp với việc diễn tả vẻ đẹp tinh khôi, trinh bạch, huyền hoặc đến khó tin của rừng hoa mơ lúc xuân về. Âm điệu mạnh của cụm từ trắng rừng cuối dòng lục đã thể hiện được cảm giác choáng ngợp vì hạnh phúc của nhà thơ khi tâm trí bị màu trắng hoa mơ cùng vẻ xuân dâng ngập đất trời nơi núi rừng Việt Bắc thôi miên, phong toả. Trên cái nền phong cảnh đẹp đẽ ấy, hình ảnh con người cũng không kém phần quyến rũ với động tác chuốt từng sợi giang thật khoan thai, thật uyển chuyển. Quả thực, giữa người và cảnh có sự hoà hợp tuyệt đối. Ta hiểu con người được nói tới ở đây chính là chủ nhân của mùa xuân, là kẻ đang tô điểm cho sắc xuân vốn có của đất trời thêm thơ mộng, lãng mạn.
            Hướng cái nhìn vào bức tranh thứ ba - Hạ - ta thấy lênh láng một sắc vàng rực rỡ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
            Câu lục xôn xao “tiếng nói” của cả màu sắc lẫn âm thanh. Trong tiếng ve kêu (hoặc có thể nghĩ là nghe tiếng ve kêu), ngàn lá phách hối hả thay màu[3]. Âm thanh đanh sắc của tiếng ve như làm cho màu vàng của rừng phách rung thành tiếng. Ngược lại, màu vàng của rừng phách như đã thị giác hoá tiếng ve, khiến nó chói chang trước mắt nhìn. Từ kêu, từ đổ đã thể hiện thật đắt cái không khí rộn rực rất đặc trưng của mùa hạ. Có thể hiểu đổ vàng là đồng loạt ngả vàng. Cũng có thể hiểu rừng phách đổ vàng là ào ào trút lá vàng theo một nhịp điệu dứt khoát và mạnh mẽ. Sau những nét tả đầy kích thích đối với giác quan ở dòng lục, sang dòng bát, một hình ảnh đằm dịu hơn được vẽ ra như để làm cân bằng lại trạng thái cảm xúc của độc giả. Cái vẻ lẻ loi của cô gái hái măng một mình đã khơi dậy trong ta những rung động ngọt ngào, sâu lắng. Bức tranh mùa hè thật hoành tráng mà cũng thật đậm tính trữ tình. Nó dung hợp được vừa những quệt bút mạnh mẽ đầy hứng khởi vừa những nét vẽ mảnh mai, tinh tế, có thể gợi ra cả một trường liên tưởng mênh mông.
            Trong câu lục bát cuối cùng của đoạn thơ, tác giả tái hiện một cảnh thu mang đặc tính “ý niệm” nhiều hơn là đặc tính cụ thể, cá biệt:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
            Cũng như nhiều nhà thơ khác, khi nói về mùa thu, tác giả không quên nhắc tới ánh trăng. Ánh trăng xanh mát đã toả lên cảnh vật một không khí thanh bình, yên ả. Từ hoà bình tuy có hơi chung chung, hơi “cứng”, nhưng không phải không có ý nghĩa. Nó vừa nói được cái dịu dàng của ánh trăng giữa rừng khuya, vừa phản ánh được ước vọng hoà bình của những người kháng chiến, lại vừa gợi cho người đọc nghĩ tới bối cảnh khá yên tĩnh của An toàn khu. Trên cái nền thiên nhiên rất mực nên thơ ấy, tiếng hát ân tình thuỷ chung cất lên nghe thật ấm lòng. Có cần gì phải phân định xem tiếng hát này là của ai. Trong âm điệu của nó ta nghe rung lên nỗi niềm của cả người đi lẫn kẻ ở. Từ ngày qua vọng về, tiếng hát đó đã khéo nói được những tâm tình đang dạt dào trong thì hiện tại...
*
*       * 
            Việt Bắc được viết ra sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã hoàn toàn thắng lợi. Có lẽ trong ý đồ sáng tạo, Tố Hữu muốn nó phải trở thành “bản tổng kết lịch sử” một thời kỳ (điều này đã được đề cập ở trên). Thật tự nhiên khi ta bắt gặp ở đây những đoạn miêu tả hết sức sống động về các giai đoạn khác nhau của cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng.
            Đoạn nằm gần cuối phần một của bài thơ, từ dòng Những đường Việt Bắc của ta... đến Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồngtập trung tái hiện không khí hào hùng của cuộc kháng chiến lúc “sức ta đã mạnh, người ta đã đông”. Giọng điệu dìu dặt, thiết tha ở những đoạn thơ trước đến đây đã đổi thành giọng điệu rắn rỏi, gân guốc, đầy hưng phấn. Tài năng tạo dựng những bối cảnh lớn của Tố Hữu cũng được bộc lộ một cách hết sức rõ nét tại điểm này.
            Trong tám dòng đầu, nhà thơ vẽ lại vô cùng linh hoạt hình ảnh những đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch:
Những đường Việt Bắc của ta
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ duốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nhìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
            Tại sao lại đêm? Cần nhớ lại hoàn cảnh cuộc kháng chiến khi đó : ban ngày máy bay địch hoành hành đánh phá nhưng ban đêm thì chúng đành bất lực, nhường lại ưu thế cho chúng ta. Màn đêm bao la đã trở thành bạn đồng minh tin cậy của những người kháng chiến. Không phải ngẫu nhiên mà thơ chống Pháp 1946-1954 nói nhiều về đêm: Những đêm dài hành quân nung nấu(Nguyễn Đình Thi), Đêm buông xuống dòng sông Đuống (Hoàng Cầm)... Trong cảnh sống bình thường, đêm là lúc vạn vật say chìm trong giấc ngủ, là thời điểm nghỉ ngơi yên tĩnh. Nhưng trong thời chiến tranh, đêm thường là điểm khởi đầu của những hoạt động chuẩn bị cho ngày mai thắng lợi.
            Hai từ của ta nằm cuối dòng đầu rất có ý nghĩa. Chúng thể hiện rõ ý thức làm chủ của người kháng chiến đối với đất nước mình cũng như niềm tự hào về sự bất khả xâm phạm của vùng căn cứ địa. Đây cũng là một ý thức và niềm tự hào từng được thể hiện khá sâu trong thơ ca kháng chiến nói chung.
            Như để minh họa thêm cho hai từ của ta, nhà thơ kể lại khí thế bừng bừng trên những con đường hướng về các nơi sẽ diễn ra các trận đánh lớn. Ở đó ta thấy những dòng người vô tận, có bộ đội, có dân công, có súng đạn, có gánh gồng, có đuốc sáng, có ánh đèn pha... Các từ tượng thanh và tượng hình như rầm rập, điệp điệp, trùng trùng được đưa vào rất đắt, diễn tả hết sức chính xác không khí tự tin, hồ hởi bao trùm cả dòng người và sức mạnh cuộn trào như thác lũ của quân ta. Sự so sánh tiếng chân đi rầm rậpnhư tiếng đất rung có tác dụng tô đậm qui mô và tầm vóc lớn lao của những sự kiện đang diễn ra. Ta tưởng như nơi đây đang xảy ra một cơn địa chấn mạnh. Cần nói thêm rằng nhờ so sánh này, tác giả còn diễn tả được rất hay về sự thống nhất, cộng hưởng giữa con người và thiên nhiên, trời đất trong một thời điểm lịch sử vô cùng oanh liệt.
            Bên cạnh những nét vẽ trải ra theo chiều rộng, trong bức tranh thơ này cũng có những nét vẽ phát triển theo chiều cao. Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan là một “nét vẽ” như thế. Ánh sao trước hết là một hình ảnh tả thực gợi bối cảnh đêm Việt Bắc ra trận, nhưng nó còn là hình ảnh thấm đẫm tính tượng trưng. Ta có thể hiểu ánh sao như ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của lý tưởng soi đường, dẫn lối cho ta hành động. Ba sự vật ánh sao, mũi súng, mũ nan hợp thành một hình tượng đẹp, khoẻ khoắn, vững chãi về mặt tạo hình, đã cho thấy tính chất cao cả của cuộc kháng chiến cũng như tinh thần lãng mạn chưa bao giờ thiếu trong đời sống chúng ta. Khi viết câu thơ này, hẳn Tố Hữu đã nhớ tới câu thơ Đầu súng trăng treo mà Chính Hữu viết trước đó vào năm 1948 trong bài Đồng chí.
            Tuy mô tả cảnh ban đêm nhưng bức tranh thơ của Tố Hữu vẫn đầy ắp các chi tiết nói về ánh sáng. Bên cạnh ánh sáng của sao trời là ánh sáng của lửa đuốc, của đèn pha, của muôn tàn lửa bay. Hai câu thơ Dân công đỏ đuốc từng đoàn - Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay vẽ ra một cảnh tượng rực rỡ và hừng hực khí thế bằng những nét bút gân guốc, mạnh mẽ. Lửa dưới đất và sao trên trời như hoà cùng giọng ca trong một dàn đại hợp xướng hùng tráng. Cách nói thậm xưng bước chân nát đá đã diễn tả rất có ấn tượng sức mạnh đạp bằng mọi gian khó của những đoàn người đi chiến dịch. Với bước chân ấy của họ, núi rừng như bừng thức. Màn sương dày thăm thẳm tưởng vùi sâu Việt Bắc trong sự lặng lẽ, u tịch bỗng bị xé rách bởi ánh đèn pha sáng quắc. Nhìn ánh đèn pha, những người kháng chiến tưởng như thấy chiến thắng đã gần kề trước mặt[4]. Sự so sánh trong câu Đèn pha bật sáng như ngày mai lên thoạt nhìn có vẻ cường điệu. Xét đến cùng, phải so sánh như thế nhà thơ mới nói hết được niềm phấn chấn tràn ngập lòng người trước sự lớn mạnh vượt bậc của quân ta lúc cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cuối cùng.
            Bốn dòng cuối của đoạn thơ nói tới những tin thắng trận dồn dập đổ về Việt Bắc từ khắp các chiến trường trong cả nước:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
            Những cụm từ vui về, vui từ, vui lên vừa tạo được không khí phấn chấn, rộn ràng, tíu tít lại vừa diễn tả được ý: Việt Bắc chính là đầu não của cuộc kháng chiến và niềm vui khắp nơi dồn tụ về đó để rồi từ đó lại toả đi trăm ngả.
            Rất đáng chú ý trong đoạn thơ này là sự xuất hiện của hàng loạt địa danh. Nền thơ kháng chiến của chúng ta có không ít bài cho thấy tài năng của các tác giả khi đưa địa danh vào thơ, chẳng hạn bài Tây Tiến của Quang Dũng, bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Cách đưa địa danh vào thơ của Tố Hữu có phần khác với một số nhà thơ khác. Nếu Quang Dũng chú ý tới những tên đất có thể gợi ấn tượng về một cái gì hung hiểm, hoang sơ, kì bí và Hoàng Cầm chú ý tới những tên đất có thể gợi lên những sắc màu truyền thống thì Tố Hữu lại quan tâm tới những địa danh lừng lẫy chiến công mà tên gọi của chúng luôn làm nức lòng người. Có thể nói ít khi những từ chỉ tên đầy tính chất hành chính lại chan chứa chất thơ và vang vọng như thế.
            Nhìn chung, đoạn thơ vừa tìm hiểu trên đậm đà tính chất sử ca và thể hiện rất rõ khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về cách mạng của Tố Hữu. Đọc nó, ta tưởng như được sống lại thực sự với không khí của một thời đã qua - cái thời của những sự tích lớn và niềm tin lớn.

1999
=========================================

[1] Thực ra, việc chia bài thơ thành các phần đối - đáp chỉ có tính chất ước lệ, căn cứ vào những gì xuất hiện trên bề mặt văn bản. Ta hoàn toàn có thể nói tới một sự phân thân của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Ở đó, anh ta vừa vào vai kẻ ở, vừa vào vai người đi. Người đi và kẻ ở, suy cho cùng, cũng chỉ là một mà thôi. Những câu hỏi, do vậy, thực chất chỉ là những câu tự hỏi, tự nhắc trong tinh thần trách nhiệm, ân nghĩa.
[2] Không có căn cứ để khẳng định rằng ngay từ đầu tác giả đã muốn tạo nên "bộ tranh" về cảnh và người Việt Bắc trong bốn mùa. Rất có thể lúc đặt bút viếtRừng xanh hoa chuối..., tác giả chưa nghĩ rằng đây là nét đặc thù của mùa đông. Nhưng rồi các câu thơ cứ nối tiếp tuôn chảy, tự liên kết với nhau thành một cấu trúc chặt chẽ. Dưới áp lực của hệ thống, tự nhiên mỗi câu lục bát (gồm hai dòng) trong đoạn thơ này đảm nhiệm một chức năng rất cụ thể, rõ ràng. Căn cứ vào văn bản, độc giả vẫn có quyền nói về sự "hữu ý" của tác giả khi dựng "cảnh mùa đông", mà lại là dựng trước. Theo lô gích, sau đông sẽ là xuân rồi đến hạ, thu. Để "bức mùa thu" khép lại đoạn thơ là rất khéo. Chính nó vừa giúp tác giả "tích hợp" được nhiều mùa thu trong một mùa thu, vừa cho phép ông quy hồi cảm xúc về thời điểm hiện tại một cách tự nhiên, nhuần nhị.
[3] Có sách chú phách là một loài cây thân gỗ ở rừng Việt Bắc, nở hoa vàng vào đầu mùa hè. Còn tác giả Tố Hữu thì chú phách là "loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên" (Xem Nhớ lại một thời, NXB Hội Nhà văn, 2000, tr. 302). Hai cách chú thích trên không hẳn loại trừ nhau, nhưng có lẽ, ấn tượng mà câu thơ của Tố Hữu gợi lên là ấn tượng về màu vàng của lá phách.
[4] Vào giai đoạn này, sự hỗ trợ của nước bạn cho cuộc kháng chiến của ta đã được tăng cường. Sự xuất hiện của những đoàn xe vận tải làm nên một nét mới cho các "bức tranh" chiến dịch.