- Thưa nhà văn, dịch đói năm
1944 -1945 đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của đồng bào ta. Ở các vùng
nông thôn Bắc Bộ, hầu như gia đình nào cũng có người chết đói, anh em,
vợ chồng, cha mẹ, con cái ly tán khắp nơi. Sự sống của mỗi người bị cái
đói đe dọa từng ngày. Trong bối cảnh xã hội đó, truyện Vợ nhặt lại được
viết ra thì thật lạ. Một cuộc sống vợ chồng, một nguồn sống cho một mầm
sống tương lai tại sao lại được bắt đầu ảm đạm và phấp phỏng như thế?
Nhà văn Kim Lân: Dịch đói
dạo đó thật khủng khiếp. Nhiều gia đình vừa có người chết đói, vừa có người
bỏ đi, dần dần mất hẳn. Tôi tận mắt chứng kiến người chết đói nằm rải rác ở
khắp nơi. Khi con người vị đẩy đến bờ vực cuối cùng của cuộc sống thì toàn bộ
số phận và tính cách con người họ sẽ biểu lộ ra. Chết đói là một thực tế khốc
liệt. Đó là cái chết từ từ, hao mòn dần, quằn quại dần. Tôi được biết nhiều
chuyện qua những năm tháng đó. Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không
át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Có những người đói ngày ngày bới rác
tìm một mẩu thức ăn thừa, buổi tối họ lại về nằm cạnh nhau bàn tán về chuyện
làng quê, chuyện mùa màng. Có người giữ nề nếp rất nghiêm dù đói khát, con
cái đi xin mang phần về cho, ông ta vẫn áo the, đội khăn xếp ngồi giữa nhà để
ăn. Có người đói xô vào cướp cám để ăn, bị đánh cũng chịu không đánh lại, họ biết
rằng chuyện cướp cám của họ là sai nhưng họ vẫn phải làm vì đói. Nói tóm lại,
bi kịch sống của mọi người vào thời điểm đó hầu như giống nhau: Đói. Nó vừa
cay đắng, vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên những tia sáng
về đạo đức, danh dự.
Truyện Vợ nhặt khai thác khía cạnh sau cùng của cái bi kịch ấy.
- Cái đói là đề tài của rất
nhiều nhà văn. Cái đói trong Vợ nhặt có khác gì những cái đói khác mà
các nhà văn thường mô tả?
Nhà văn Kim Lân:
"Cái đói" là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi
thời đại. Cho nên đó là một đề tài cũng thuộc về bản chất của đời sống. Các
nhà văn viết về cái đói ở khía cạnh tối tăm và bất lực của con người trước
nó. Con người phạm tội và làm đủ chuyện dại dột khác chỉ vì đói. Khi tôi
viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn
luôn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc
sống tương lai. Cái "mơ hồ" ấy là do cuộc sống thực tại luôn hành
hạ họ.
- Truyện ngắn Vợ nhặt được viết
từ một tình huống có thật trong cuộc sống?
Nhà văn Kim Lân: Ban đầu
tôi viết một truyện dài có tên là Xóm ngụ cư. Tôi viết đến chương thứ V thì dừng
lại. Sau khi hòa bình lập lại, tôi và Nguyên Hồng làm tờ báo Văn. Trong bản
thảo Xóm ngụ cư có một đoạn luôn ám ảnh tôi là đoạn viết về những người đói,
về những buổi sáng ở vùng quê người ta phải ra chợ nhặt xác người đi chôn.
Tôi viết lại chương đó thành truyện ngắn Vợ nhặt mà không đọc lại bản thảo
cũ. Chuyện Vợ nhặt hoàn toàn không có thực mà do tôi sáng tạo ra. Không thể
có một bà mẹ như thế, một cô con dâu như thế trong đời sống thực. Tôi muốn
phân tích tâm trạng và thân phận của con người trong cái hoàn cảnh cùng đường
ấy, nơi cuộc sống dường như không còn lối thoát. Tôi muốn hướng họ vào sự
sống, sự thương yêu nhau, không phải là sự giành giật nhau. Hoàn cảnh đặc
biệt quá nên câu chuyện là lạ đó lại được hiện ra với vẻ chân thật. Vợ nhặt
được rút ra từ tạp Con chó xấu xí, sau khi in ở tờ tuần báo Văn. Bối cảnh của
truyện là khi cái đói hoành hành khắp nơi. Nhưng các nhân vật của truyện thì
đứng ở ngưỡng cửa của cái đói. Nơi ngưỡng cửa khốn khổ đó, họ sẽ chứng tỏ số
phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm tin
mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh.
- Dân ngụ cư là dân đi ở đợ,
không phải dân gốc nên thiệt thòi đủ thứ. Mở đầu truyện là mẩu hồi ức
"Trước kia mỗi chiều" có vẻ yên ả nhưng cái hồi ức này quá
ngắn, trôi qua quá nhanh. Hiện tại là cảnh đói khát ủ rũ, cảnh những
người ăn xin "xanh xám như bóng ma", cảnh thây người chết
"nằm cong queo bên đường". Vậy mà buổi chiều anh Tràng trở về
với một vẻ mặt có "vẻ gì phởn phơ khác thường", một nụ cười
tủm tỉm và "hai mắt thì sáng lên lấp lánh", bên cạnh lại có
người đàn bà rón rén e thẹn. Đấy là một sự kiện quá ư lạ lùng giữa lúc
người ta chỉ nghĩ đến sự sống - chết. Tràng khi đó có ý thức được việc
mình làm?
Nhà văn Kim Lân: Tràng là
anh chàng kéo xe bò thuê, công việc bấp bênh. Trong thời buổi bấy giờ, hẳn
Tràng chẳng dám nghĩ đến chuyện lấy vợ, vì thủ tục cưới cheo hồi đó rườm rà,
tốn kém lắm. Vậy mà tự dưng anh chàng lại "nhặt" được vợ. Sự kiện
nhặt vợ quá buồn cười. Chỉ là một câu đùa, ai cũng biết là đùa, vậy mà cô kia
cũng theo. Điều đó chứng tỏ cô ta cùng đường và sẵn sàng xông vào, bấu víu
vào bất cứ cái gì có thể bấu víu được. Còn Tràng, tại sao lại dẫn cô ta về?
Vì Tràng là một người nông cạn, không biết tính toán như người khác, cũng
không ý thức được về hoàn cảnh của mình. Anh ta chỉ chậc lưỡi, theo đúng cách
của một người hay "ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch". Đến lúc về
tới xóm, trước ánh mắt, thái độ của dân xóm, Tràng mới kịp nhận ra sự thay
đổi trong cuộc sống của mình. Anh ta chỉ cảm nhận sự thay đổi, còn ý nghĩa
của nó như thế nào thì anh ta chưa thể hiểu.
- Nhưng nhân vật thứ hai, người
đàn bà thì hẳn hiểu hoàn cảnh của mình?
Nhà văn Kim Lân: Thị đã ở
bờ vực. Số phận thị đã rõ ràng và thị hiểu được điều ấy. Cho nên thị đi bên
Tràng mà đầu cúi xuống, chiếc nón rách "nghiêng nghiêng che khuất đi nửa
mặt". Thị mặc cảm, gần như nỗi mặc cảm của người nhận lời bán mình trước
sự chứng kiến của nhiều người khác. Chính thế nên khi đám trẻ con mới đùa một
câu thị đã tỏ vẻ khó chịu.
- Tại sao việc Tràng và người
đàn bà ngang qua xóm ngụ cư lại khiến cho những "khuôn mặt hốc hác
u tối" từ những hiên nhà xác xơ đột nhiên "rạng rỡ hẳn
lên"? Sự xuất hiện của Tràng và người vợ như thể thổi vào cuộc sống
tăm tối tuyệt vọng của họ một luồng sinh khí tươi mát?
Nhà văn Kim Lân: Trước
kia, chiều nào Tràng cũng đi về qua xóm, nhưng hình ảnh đơn độc của Tràng
không gây ra bất kỳ một xao động nào trong đời sống của cái xóm ngụ cư tồi
tàn ấy. Sự biến đổi chốc lát như thế phụ thuộc vào hình ảnh người đàn bà bên
Tràng. Mọi người bàn tán và cũng đôi phần đoán ra được câu chuyện của Tràng.
Họ đoán được bằng chính hoàn cảnh của họ. Việc lấy vợ lấy chồng luôn là một
niềm vui và quan trọng, nó chuẩn bị cho một cuộc sống khác, cuộc sống tương
lai của đứa con. Nhìn Tràng và người đàn bà, bất chợt họ cũng mơ hồ nghĩ đến
tương lai của chính họ. Tràng đã khiến họ tin vào cuộc sống thêm một chút.
Nếu họ ý thức được niềm vui của mình trong giấy lát đó, họ sẽ nghĩ rằng
"Đó, anh ta không những còn sống mà còn nuôi thêm được một người nữa
trong hoàn cảnh này". Nhưng niềm vui trôi qua rất nhanh. Một tiếng "ôi
chao" và lời than thở đưa họ về thực tại cuộc sống đói khát, cùng quẫn,
"họ nín lặng".
- Chuyện Tràng "nhặt"
vợ là một sự lạ, nhưng mọi người như thể thừa nhận điều đó một cách dễ
dàng?
Nhà văn Kim Lân: Sự kiện
đó chỉ gây ra sự tò mò một chút ban đầu thôi. Do hoàn cảnh khắc nghiệt của
đời sống, mọi người không còn đủ sức để nhận ra điều đó là ngược đời. Và nó
còn được dùng như một cái thước đo vô hình, kiểm lại cuộc sống hiện tại của
họ. Nhưng câu chuyện của Tràng nhanh chóng không còn được bàn tán nữa khi họ
"cùng nín lặng" hiểu ra số phận khắc nghiệt đang treo lơ lửng trên
đầu họ.
- Khi người ta nhìn vào, bàn
tán về mình, Tràng biết thế và lấy làm "thích ý" lắm, và hắn
vênh vênh "tự đắc với mình". Có lẽ đến lúc này Tràng mới hiểu
rằng hành động của mình pha chút "anh hùng", "kiêu
bạc" trong cuộc sống khó khăn hiện tại. Nhưng khi đi hết xóm ngụ cư
thì Tràng lại đâm ra lo sợ, Tràng sợ vì nuôi mình không đủ lại phải
"đèo bòng" thêm một người nữa ư?
Nhà văn Kim Lân: Tràng
không có nỗi sợ đó. Nỗi sợ của Tràng là nỗi sợ phải "một mình" đối
diện với người đàn bà. Khi đi từ chợ tỉnh về, ngang qua xóm ngụ cư, những ánh
mắt, tiếng cười của người khác đã làm cho Tràng bớt cảm thấy sự có mặt của
người đàn bà. Nhưng khi còn hai người ở "con đường sâu thăm thẳm"
vắng vẻ thì rõ ràng người đàn bà kia là toàn bộ cuộc sống bên ngoài đối với
Tràng, Tràng phải tìm hiểu nó. Tràng ý thức đầy đủ sự có mặt của thị là dành
cho Tràng. "Hắn định nói với thị một vài câu rõ tình tứ mà chẳng biết
nói thế nào. Hắn cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa xoa vào vai kia". Tại
sao vậy? Tại vì thực sự người đàn bà đi bên cạnh Tràng còn hoàn toàn xa lạ
với Tràng.
- Tại sao khi không cảm thấy mà
Tràng lại cảm thấy như thế?
Nhà văn Kim Lân: Tôi có chủ ý không tả tâm trạng của người đàn bà khi
đó. Nếu tả kỹ quá thị sẽ mất đi sự "xa lạ" không phù hợp với hoàn
cảnh của câu chuyện. Sự yên lặng và xa lạ của thị khiến cho không gian như
đọng lại và cho Tràng cảm thấy thị ở thật gần mình. Điều này khiến Tràng đột
nhiên "hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày".
Tràng khi đó cõ lẽ quên tất cả, không phải với vẻ bất cần mà là do hình ảnh
thị đã dần xâm nhập và chiếm trọn cõi lòng của Tràng. Ở người "đàn ông
nghèo khổ" này cuộc sống đột nhiên "mới mẻ" và lạ lùng. Đó là
cảm giác có thật, nó "mơn man khắp da thịt". Có một điều thật ý
nghĩa đang diễn ra với Tràng "Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa
giữa hắn với người đàn bà đi bên".
- Nhưng tên, hoàn cảnh, quê
quán, cha mẹ thị Tràng đều chưa biết. Người đọc có cảm giác là
"tình nghĩa" của Tràng đối với người đàn bà là không thật?
Nhà văn Kim Lân: Người
Việt rất coi trọng tình nghĩa, tuy nhiên để có tình nghĩa người ta cần phải
có thời gian để thấu hiểu nhau. Đặt trong hoàn cảnh khốn khó lúc bấy giờ, khi
mỗi người cần đến sự giúp đỡ nhiều hơn của người khác cả về vật chất lẫn tinh
thần, thì Tràng là cái phao cuối cùng, là tất cả hy vọng của người đàn bà.
Vậy cái nghĩa của Tràng là sự gắn kết giữa con người với con người trong một
hoàn cảnh cấp bách. Hơn nữa đó còn là "nghĩa" của một người đàn ông
nghèo không đủ khả năng lấy vợ bỗng dưng được một người đàn bà "ưng
thuận về không" làm vợ. Và khi cảm thấy có "tình nghĩa" với
người đàn bà thì sự đối diện của Tràng với chị ra không còn đáng sợ nữa.
- Hoàn cảnh đã xô đẩy người đàn
bà đến với Tràng. Vậy giữa họ liệu có tình cảm thực sự không?
Nhà văn Kim Lân: Sao lại
không? Câu chuyện giữa hai người diễn ra như bất cứ với cặp tình nhân nào.
Ban đầu là bắt chuyện vu vơ, rồi trêu chọc nhau. Khi câu chuyện ra chiều
"thân thân", người đàn bà đã "tủm tỉm" cười, phá đi vẻ
mặt cau có, ngượng ngập. Chị ta bắt đầu quen với hoàn cảnh mới. Và khi Tràng
đùa "vợ mới vợ miếc" và cười cợt, thị đã "phát đánh đét"
vào lưng hắn. Đây là cử chỉ "tỏ tình" của thị đối với ân nhân, nó
đầy âu yếm và cũng đáng yêu. Nó làm cho Tràng hạnh phúc. Anh chàng
"thích chí ngửa cổ cười khanh khách". Cuộc sống thường nhật khổ
khốn bị quên lãng. Với Tràng, thị là người đàn bà thứ hai sau mẹ anh yêu
thương và cần đến anh. Yêu thương có thể chưa rõ nhưng cần thì đã rõ. Anh ta
hớn hở vì điều đó. Riêng với người đàn bà, hiểu hoàn cảnh mình nên cử chỉ
"tỏ tình" trên kia vừa hàm chứa sự biết ơn vừa tỏ thái độ ưng
thuận.
- Một lần nữa sự khắc nghiệt
của cuộc sống phá tan niềm vui mong manh của hai người, tiếng chó sủa
váng lên làm Tràng thẹn thùng và xấu hổ, như thể có ai đó nhòm vào hạnh
phúc của anh. Hình như Tràng hiểu ra rằng anh ta đang xây dựng hạnh phúc
của mình trên nền tảng một cuộc sống thật bất trắc và khốn đốn?
Nhà văn Kim Lân: Đúng là
anh ta có cảm giác đó. Anh ta phải xua cái cảm giác đó đi bằng cách
"nhặt một hòn gạch vung tay ném mạnh một cái", như thể ném thẳng
vào những thách thức đau đớn của cuộc sống. Tràng cảm thấy có lỗi đối với
người đàn bà kia về chuyện không đủ tiền cưới xin, lỗi vì chưa xin phép mẹ,
lỗi cả chuyện hoàn cảnh gia đình khốn đốn khó có thể cưu mang được thêm người
nữa. Nhưng "ý nghĩ" này của Tràng chứng tỏ Tràng đã có nhiều tình
cảm với thị lắm. Cái mặc cảm ấy bây giờ mới nhận ra khiến Tràng thốt lên
"Mẹ bố chúng mày cắn gì thế", "cắn gì thế" khi chỉ có
Tràng và thị đi qua. Điểm cần chú ý là tiếng chó sủa ngay trước cổng nhà
Tràng, nơi Tràng phải thực sự đối mặt với tất cả những điều Tràng mặc cảm.
- Đi đến cổng nhà Tràng người
đàn bà nhìn quanh và "cái ngực gầy lép nhô hẳn lên nén một tiếng
thở dài". Phải chăng thị thất vọng vì sự nghèo túng thái quá mà căn
nhà của Tràng đập vào mắt?
Nhà văn Kim Lân: Không
hẳn tiếng "thở dài" ấy là bởi nhìn thấy cảnh nghèo túng xác xơ của
nhà Tràng. Thị chắc thừa hiểu và đoán được hoàn cảnh của một người đi kéo xe
bò thuê. Thị theo về nhưng trong lòng thị vẫn chưa dứt khoát lắm. Thị theo
như một sự liều mình. Nhưng khi đặt chân vào ngõ, khi không thể thêm lần thay
đổi được tình cảnh, phải thực sự chấp nhận cuộc sống mới dù cuộc sống đó có
thế nào đi nữa, thì một tiếng thở dài là không tránh khỏi.
- Dẫn thị vào nhà, Tràng tỏ ra
bối rối. "Tràng quay lại nhìn thị cười cười" cố tỏ vẻ tự nhiên
cho thị và cũng cho cả mình, Tràng nói đùa: "Không có người đàn bà
nhà cửa thế đấy". Nghe câu đó thị lại "nhếch mép cười nhạt
nhẽo". Có lẽ, thị không hề có ý "khinh thị" cái từ
"nhà cửa" mà Tràng gán cho túp lều tồi tàn của mình. Vậy thì
"nhếch mép" vì điều gì?
Nhà văn Kim Lân: Thị
"nhếch mép" nhạt nhẽo vì ý khác. Thị tủi cho cái thân phận của thị,
thân phận theo trai vì đói: thị biết thị theo Tràng chỉ vì đói và như thế
không xứng đáng gì với tư cách người đàn bà trong gia đình Tràng vừa gán cho.
- Nhưng Tràng lại bối rối thực
sự, Tràng sợ mất thị do hoàn cảnh của mình ư?
Nhà văn Kim Lân: Đúng
thế. Ở đây diễn ra một tình cảnh khá lạ lùng. Tràng "nhặt" được một
người đàn bà nhưng rồi lại sợ mất thị. Cảnh nghèo đói đã hiện lên rõ ràng.
Tràng thấy có tội vì đã che giấu mà không thể kể cho thị nghe trước. Sự im
lặng của thị, nỗi mặc cảm của thị, Tràng không hiểu nổi. Hơn nữa Tràng không
thể tự quyết được tất cả mọi việc. Còn ý kiến của bà cụ nữa chứ. Liệu mẹ có
đồng ý không? Sự chờ đợi mẹ về thật nặng nhọc với Tràng. "Tràng đứng tây
ngây ra giữa nhà một lúc" rồi "lấm lét bước vội" ra sân. Tràng
sợ rằng người đàn bà sẽ bất ngờ từ chối không làm vợ Tràng nữa. Tràng không
dám trở lại nhà mà chỉ luẩn quẩn ở sân, ở ngõ. Một lần nữa Tràng sợ đối diện
với thị, nhưng không phải vì sự "xa lạ" như trước mà là sợ sự
"đột nhiên từ chối".
- Khi viết, ý nghĩa ấy có lúc
lóe lên trong đầu ông không? Thị cũng có thể bỏ Tràng để đi ăn xin hay
"theo" một kẻ khác khá hơn chứ?
Nhà văn Kim Lân: Không
bao giờ. Thị đã có sẵn mặc cảm về thân phận mình cho nên đã chấp nhận hoàn
cảnh sống với đôi mắt vô hồn nhìn "bần thần" đâu đó. Thị chỉ dám
ngồi ở mép giường. Sự "ngồi mớm ở mép giường" và hai tay vẫn không
rời cái thúng, chứng tỏ thị hơn ai hết hiểu rõ số phận của mình.
|