Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012


Nét đẹp đoạn thơ Kim Trọng trở lại vườn Thúy  
- Phạm Ngọc Diệp 
"Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành cây khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người. Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt cay đắng" (Raxum Gamatốp). Thơ ca văn chương, cũng như nghệ thuật nói chung đều bắt nguồn từ tấm lòng và tài năng của người nghệ sĩ. Trái tim tràn đầy tình yêu thương chứng kiến nhiều cuộc "thay đổi sơn hà", trải qua "nhiều cuộc bể dâu" và tài năng vĩ đại của đại thi hào Nguyễn Du là hai cánh chim nâng người lên những giây phút xuất thần viết nên thiên truyện Kiều bất tử, viết nên những dòng thơ cảnh cũ người xưa ngậm ngùi nhớ nhung đau xót tinh tế khi "Kim Trọng trở lại vườn Thúy", như có máu rỏ đầu ngọn bút nước mắt thấm trang giấy.

Tình yêu giữa Thúy Kiều "sắc sảo mặn mà" - Kim trọng"đề huề lưng túi gió trăng" là mối tình say đắm trong sáng, thanh khiết thiết tha. Kim Kiều - đôi trai tài gái sắc tự nguyện đến với nhau với trái tim nồng cháy - trải qua những phút giây hạnh phúc thơ ngây:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e


Kim Kiều có những kỷ niệm êm đềm khó quên ở vườn Thúy, nơi sau này Kim Trọng trở lại ....

Trở lại nơi hẹn ước xưa kia, Kim Trọng bồi hồi sau:

Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất liêu Dương tại nhà


Thi hào Nguyễn Du viết nên những câu thơ xuất phát từ cách nhìn cách cảm của chàng Kim. Đất Liêu Dương đã xa lại càng trở nên xa xôi cách trở hơn khi gợi lên một không gian mênh mông rộng lớn "muôn dặm phù tang". Thời gian Kim Trọng xa Thúy Kiều cũng mới có nửa năm nhưng với chàng Kim thì dài dặc "từ ngày muôn dặm..." Rõ ràng cả thời gian và không gian ở đây đều được cảm nhận qua tâm trạng bồn chồn nôn nóng khao khát gặp lại người yêu của chàng Kim. Niềm khao khát gặp mặt người yêu của chàng trai trẻ tất yếu dẫn đến thái độ:

Vội sang vườn Thúy dò la

Bao bồn chồn lo lắng dồn nén ở từ "vội "! Dường như Kim Trọng có cái gì đó rất nghịch lý: "vội có nghĩa là gấp gáp háo hức ngược với "dò la" có nghĩa là chậm chạp thận trọng. Hai hành động tưởng chừng như mâu thuẫn ấy thực ra lại rất thống nhất, xuất phát từ một trái tim phấp phỏng, lo âu. Phải chăng linh tính đã báo cho chàng Kim biết điều gì đó bất bình thường xảy ra với người mình yêu. Tiếc thay linh tính chẳng lành ấy trở thành sự thực:

Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa

Chỉ nửa năm trước đây thôi, nơi này rực rỡ tươi sáng trong những ngày đầu Kim Kiều hội ngộ. Nơi đây hai người đã sống những giây phút tuyệt vời nhất của mối tình đầu trong trắng thanh cao. Họ từng tình tự, thề nguyền dưới ánh minh nguyệt và chia ly chính ở đây. Bởi vậy khi trở lại vườn Thúy, chàng Kim trở lại với những kỷ niệm của mối tình say đắm, thiết tha... Kim Trọng chính là người tình trở lại nơi tình tự.

Cảm nhận đầu tiên của Kim Trọng là nhà cửa vườn tược gia đình Thúy Kiều đã hoàn toàn đổi khác. Tất cả đều hoang vắng điêu tàn:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ , vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Cảnh vật hiện lên hoang tàn, đổ nát. Nơi đây xưa kia đầm ấm như vậy, bây giờ đã là nơi ngự trị của cỏ cây, gai góc, chim muông. Không khí lạnh lẽo u ám "lặng ngắt như tờ" bao trùm lên cảnh vật: song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời, cỏ mọc lau thưa, gai góc mọc đầy. Không gian vắng lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng động rất nhỏ của những con chim én. Giờ đây, chàng Kim đứng trước một vườn xuân, cũng có cánh én, cũng có đầy gió xuân, cũng có cả hoa đào mùa xuân - hoa của tình yêu, nhưng khu vườn thật thiếu sinh khí. Từng đàn én tự do chao cánh một cách hoang dại ở độ cao rất thấp. Vì thiếu bóng người nên chúng không còn biết sợ hãi là gì "xập xè én liệng tầng không". Cánh én giờ đây khác xa với "cánh én đưa thoi" ngày nào. Vườn tược hoang phế, nhà cửa cũng tiêu điều làm sao! Những song cửa không có người đóng, mở để mặc cho ánh trăng quạnh quẽ chiếu vào. Mưa gió phũ phàng nên tường vách rã rời. Như vậy chỉ qua một vài chi tiết, Nguyễn Du đã dựng lên một cảnh tượng hoang phế, tiêu điều, vừa cụ thể, vừa sinh động.

Dưới đôi mắt chàng Kim, cảnh vật như chết lặng thấm thía nỗi đau đáu thất vọng. Vì là người tình trở lại nơi tình tự nên mỗi ngọn cỏ lá cây đều đánh thức ở Kim Trọng những kỷ niệm khó quên. Vẫn cảnh đấy mà người thì vắng bóng! Kim Trọng bâng quơ tự hỏi: cảnh đó người đâu... chàng lặng đi trong trường suy tư....

Tuy nhiên, trong cảnh hoang tàn đổ nát, con mắt Kim Trọng; không, tấm lòng Kim Trọng vẫn tìm thấy, vẫn hiện ra dấu vết của cảnh vật con người và kỷ niệm cũ ngày xưa. Đôi mắt chàng Kim cứ mỗi lần nhìn vào cảnh nào, cảnh ấy lại sững sờ nhận ra một dấu vết về mối tình đầu trong sáng rạo rực:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Tất cả cảnh vật "nay đã khác xưa", đều đã đổi thay, nhưng chỉ có một vật không đổi, đó là cây hoa đào. Nguyến Du đã tập cổ tứ thơ Thôi Hộ với một tinh thần đầy sáng tạo:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiấu đông phong


(Đê đô Thành nam trang)

Nghĩa là:

Giờ đây, gương mặt người năm ngoái không biết đi đâu
Chỉ còn hoa đào vẫn cười trước gió đông như cũ.

Đại thi hào Nguyễn Du tập cổ từ hai câu thơ ấy mà sáng tạo nên:

Trước sau nào có bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Hoa đào trong thơ Thôi Hộ gợi nhớ về quá khứ, còn hoa đào trong thơ Nguyễn Du chính là sự hiện diện của quá khứ, của kỷ niệm. Câu thơ của thi nhân, vì thế, thể hiện sâu sắc hơn tâm trạng của chàng Kim trong cảnh này. Hoa đào là hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân, cho tình yêu. Hoa đào với chàng Kim còn gợi nhớ đến Kiều, đến kỷ niệm:

Dưới đào dường có bóng người thướt tha

Chàng bồi hồi nhớ lại buổi chàng thoáng thấy bóng Kiều dưới cây đào và việc ngẫu nhiên chàng bắt được cành kim thoa của nàg năm trước. Như vậy cây đào là một nhân chứng, đồng thời là khung cảnh làn nền cho mối tình đầu của Kim Kiều. Sự hiện diện của bông "hoa đào năm ngoái" tươi thắm rực rỡ đối lập gay gắt với cảnh hiện tại, là một nghịch cảnh trớ trêu, làm tăng thêm tính bi kịch của một người đang trong tâm trạng tìm kiếm tuyệt vọng.

Không chỉ gặp bông hoa đào năm ngoái , chàng Kim còn nhận ra dấu chân của nàg Kiều:

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày

Biết bao yêu thương trân trọng của chàng Kim đưọc gửi gắm trong một từ "phong". Dấu giày của nàng Kiều đưọc rêu nâng niu nhẹ nhàng, giữ lại một cách đầy trân trọng. Và từ dấu giày ấy , Kim trọng nhận ra lối cũ nàng Kiều vẫn đi về , hình dung ra cả bước chân và hình bóng của nàng:

Đi về này những lối này năm xưa

Chính tình yêu thương tha thiết Thúy Kiều của Km Trọng, đã làm cho những kỷ niệm cũ sống lại xiết bao cảm động. Kỷ niệm trỗi dậy trong trái tim ngập tràn yêu thương của chàng trai trẻ. Lớp bụi thời gian không làm mờ đi hình ảnh của Thúy Kiều, ngược lại, nó làm đậm nét thêm hình ảnh của nàg trong tâm khảm Kim Trọng. Chữ "này" trong khẩu ngữ hằng ngày đưọc dùng lại hai lần trong câu thơ tám chữ khắc học thêm tâm trạng đau đớn chua xót của chàng Kim trước "cảnh đấy người đâu".

Cuối tường gai góc mọc đầy

"Gai góc mọc đầy" là sự thật phũ phàng, còn "cuối tường" lại ít nhiều gợi lên dĩ vãng tươi đẹp - dĩ vãng kỷ niệm đôi lứa:

Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường


Tất cả vườn, cỏ, song, vách, hoa đào, bức tường ... đều có sưc khơi gợi sâu xa; vì nó gắn bó với kỷ niệm cũ của mối tình nồng cháy say đắm thiết tha. Lửa lòng chàng Kim đang rực cháy. Thời gian và cảnh vật... Tất cả... tất cả đã đổi thay, duy chỉ có tình yêu dằm thắm thủy chung son sắc của chàng Kim là không hề thay đổi. Chính trong tâm trạng tột cùng đau xót khi không sao tìm thấy người yêu xưa, đã bật lên trong lòng chàng Kim một tiếng nói nội tâm, một tiếng lòng xiết bao đau đớn, tuyệt vọng:

Chung quanh lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?


Tóm lại, sử dụng thi đề "cảnh đấy người đâu". Với thái độ cảm thông và trân trọng đối với tình yêu đôi lứa, Nguyễn Du đã thể hiện một cách sâu sắc tâm trạng người tình tìm đến nơi tình tự. Đoạn thơ có nội dung trữ tình hoài cổ, có sức lay động xâu xa đối với nhiều thế hệ độc giả. Ít nhiều nó đánh thức người đọc những kỷ niệm một đi không trở lại, khiến họ có tình cảm bồi hồi xao xuyến.

Trên xứ sở của giấy trắng mực đen, nổi lên một tiếng lòng bất tử của một con người vĩ đại - người ấy mang tên: Nguyễn Du.

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Bến đò xóm Miễu  (Nguyễn Ngọc Tư)  


Lương chèo đò mướn năm 12 tuổi. Nhà Lương nghèo, chỉ là cái chòi rách tả tơi, từ ngày đi chèo đò, Lương ăn, ngủ trên bến đò nên nhà đã bỏ hoang hẳn. Suốt ngày quần quật trên sông mà bộ mình khẳng khiu chỉ độc cái quần tà lỏn dính đầy nhựa trong của thời làm sai vặt ở các trại xuồng. Lương không cha, má chết sớm nên cái quần dãn dây thun không ai may lại, nó tuột luốt mỗi lần Lương thót bụng rướn người trên đôi chèo.

Bây giờ cũng còn nhiều người nhớ dai nhắc hoài bộ dạng Lương hồi đó. Bây giờ Lương ba mươi mốt tuổi. Anh đã chèo hết thảy chín xác đò. Bến đò Đậu Đỏ qua xóm Miễu sang đi nhượng lại qua tay bốn người chủ. Mà, Lương vẫn còn nghèo. Lương khoe, nghèo, cực nhưng vui lắm. Ngày trăm lượt chèo nát mặt sông từ bến xóm Miễu qua bến chợ, anh chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi, cuộc đời, những dòng người xóm Miễu già đi, những thằng con trai, đứa con gái lấy nhau sinh ra nhiều thiệt nhiều đứa trẻ. Và những đứa trẻ lớn lên...
Chỉ Lương là già câng già cấc, già cóc thùng thiếc rồi mà chưa lấy vợ. Hỏi Lương, Lương cười hì hịch: "Tui xấu muốn chết, ai mà thèm ưng...". Lương xấu trai thật. Tướng Lương nhỏ xíu, teo héo. Đầu to, tóc dày, cứng, cháy nắng. Một bên mắt lé xẹ. Ai cũng cười: "Cái thằng, mầy chèo mà không ngó đằng trước, ngó đâu trật lất vậy?". Lương không giận, cái thân nhỏ mồ côi mồ cút, nghèo xác xơ mà bày đặt giận cuộc đời thì làm sao sống nổi. Suốt ngày anh hệch miệng ra cười, làm như vui, làm như không, khó nắm bắt. Lương khoái cặp mắt mất đoàn kết của mình lắm, người ta nhìn anh biết, chứ anh mà nhìn lại, người ta tưởng anh ngó đâu đâu.

Bông cũng bị Lương nhìn như vậy. Nhà Bông cũng ở bên xóm Miễu, gần chòm mả Tiều. Lương biết Bông từ hồi Bông còn đi học. Bông mê đi sông, lần nào nó cũng năn nỉ Lương lén bà chủ bến cho nó ăn gian thêm mấy bận nữa. Nó ngồi đằng mũi, thò chân xuống nước quậy quậy chơi. Ngày nào, Bông cũng mặc chỉ một cái áo trắng bằng vải soa lông vịt, chiếc áo hơi ố vàng, rộng thùng thình. Tan học, Bông cùng một bầy em lít chít đi mót cây vụn ở các trại xuồng về nấu cơm. Má nó có một chiếc xuồng cũ, hai bên be bể như cá chốt rỉa, bà bơi đi vớt chai nhựa dưới sông. Ba nó đi nhậu, nhậu xong về đánh má con nó. Lớn lên, mỗi lần qua đò, Bông thôi vọc nước, nó ngồi nhìn đăm đăm xa xa. Con sông Thủ đến ngã ba Vàm bỗng cuồn cuộn quặn đau khi hòa dòng Gành Hào ra biển.

Bông lớn mau lắm. Chuyện đó không biết có mắc mớ gì mà tự nhiên Lương khoái soi mình xuống sông, những khi vắng khách, Lương ngồi mằn mằn lấy cồi mấy mụt mụn trên mặt. Lương than với bà Tư, chủ bến "Sao lúc rày tui đen quá chừng, làm gì cho trắng, dì Tư?" Bà Tư cười, "Chà, biết điệu rồi hả con? Muốn vợ hả? Mầy ráng dành dụm tiền, mai mốt có vợ rồi tao sang lại bến đò cho mà làm ăn". Con mắt lé giả đò thờ ơ nhìn chỗ khác nhưng con mắt còn lại nhấp nháy thắp lửa lên. Mắc mớ gì Lương lại nghĩ tới Bông.


Bông thôi học. Bữa cuối, tan trường, qua tới bờ xóm Miễu, Bông không chịu lên bến, nó biểu Lương cho nó đi thêm bận nữa, từ mai nó đã thôi học rồi. Từ mai, nó vẫn qua đò, nhưng nó đã khác, con Bông đã khác.
Con Bông đã khác. Buổi sáng, nó mặc áo rách qua chợ, nom xơ xác. Buổi chiều Bông về, trên mình là chiếc váy ngắn, áo yếm, vai quàng hờ hững hai cái dây nhỏ xíu vịn hờ cái áo khỏi tuột xuống. Lương hệch miệng ra cười, khen đẹp quá ta. Bông chù ụ, lườm một cái rồi hất mặt đi, "Đẹp khỉ khô gì, tui đâu có ham". Bông bước lên bờ, đạp giạt mũi đò ra.

Đám em Bông mặc áo mới tới trường. Má Bông sắm được chiếc xe đẩy bán bánh mì thịt dài dài qua các hẻm. Ba Bông đi nhậu về, đã ngủ rất say.

Người xóm qua đò bảo nhau Bông đi bán bia bên cầu, quán "Đêm sầu". Bốn giờ chiều, Lương đưa Bông qua chợ. Bông nói giờ đó quán chưa có khách đâu, nhưng con mẹ chủ bắt phải mặc quần lửng ngồi ngoài băng đá đằng trước quán. Một bầy con gái ra đó giả đò ngắm mây trôi gió trôi, coi xe cộ qua lại chơi nhưng thật ra là để chào hàng. Bông trở về lúc hai ba giờ sáng, quần áo xốc xếch, tóc mai dính bết vào khuôn mặt dày son phấn. Đôi mắt dại đi vì say, vì mẩt ngủ, người sềnh sệch mùi bia, đến nỗi Bông ngồi gần, Lương hít hơi men muốn xỉn luôn.
Lương ăn trên sông, ngủ trên sông nên không biết ở phía bờ, người ta đưa đẩy cuộc đời Bông như thế nào. Nhưng thế nào thì Bông chắc cũng giãy dụa, quặn đau như nước ở ngã ba Vàm vậy.
Một bữa, Bông lận trong áo lót ra một nắm tiền, xòe tròn trên tay, quạt phơ phất mát mặt Lương, Bông cười cay đắng, "tui giàu rồi nè". Nó bảo Lương chèo đi, chèo hết đêm nay. Lương chèo trong những ánh đèn hắt ra từ hai bên bờ xóm chợ. Bông nhìn ra sông, cái nhìn vẫn buồn như lúc trước nhưng nó đã đanh đi, chai lì đi. Lương hỏi Bông bộ tính làm như vậy hoài sao. Bông cười, chừng nào có người cưới tui. Lương hỏi, "Xấu xấu Bông chịu hông?". Bông cười, "Thân tui còn gì kén chọn nữa, đồ khùng?".

Lương khôn thấy mồ chứ khùng đâu. Bữa sau, Lương ngồi gãi tai, gãi đầu hỏi bà Tư coi bà còn nhớ lời hứa nhượng lại bến đò hồi trước không, bà cười, "Nhớ, nhớ chớ sao không? Tiền mày gởi tao, dư sức qua cầu rồi". Nhưng bà không biết đâu, Lương còn nhiều dự tính nữa...
Lương đi xin cây vụn về để sẵn dưới sạp, rảnh rản, anh lấy ra cưa đẽo đóng một cái hộp đựng tiền nho nhỏ, nhiều ngăn. Ngăn đựng giấy bạc hai trăm, năm trăm, ngăn đựng giấy bạc một ngàn. Lương mua giấy nhám về đánh cho nó bóng lên, rờ tay cho mát rượi. Lương giấu nó đi để khỏi ai trông thấy, sợ người ta hỏi tới. Mắc cỡ lắm. Mà, anh còn chưa nói với Bông.

Nhưng Bông đã nói trước, Bông khoe, "Chắc tui bỏ nghề, tui lấy chồng". Lương rà mái chèo cho đò cặp bến, Lương hỏi Bông lấy ai? Bông cười: "Cái ông hồi nãy đưa tui về". Lương chết lặng, muốn sụm giò, mà miệng vẫn cười hịch hạc, "Sướng nghen!".
Ông già vẫn thường đưa Bông về xóm Miễu. Người ta nói, con Bông ham giàu nên ráng kêu ông ngoại đó bằng anh. Bông giẫm cái cười của cuộc đời lên đôi giày cao hai tấc. Bông chờ ngày lấy chồng.
Nhưng bà già, vợ ông già không chịu, bà lùa bầy con qua nhà, rọc nham nhở mái tóc dài của Bông, xé quần áo, lột sạch những món đồ trang sức Bông đang đeo. Chuyến về, đám người đó qua sông. Lương trù trừ chờ tàu cao tốc chạy qua rồi nương theo sóng lớn nhận chìm đò luôn. Bà già suýt chết đuối, may nhờ Lương ngoi ngóp kéo lên bờ. Bà vừa níu Lương vừa chửi: "Đồ không có văn hóa, đồ thất học". Lương cười hề hề, sao bà chửi câu nào trúng câu đó vậy.
Bông biết chuyện, Bông nói trong ngân ngấn nước mắt "Làm chuyện đó chi vậy, Lương? Của người ta thì trả lại cho người ta đi. Tại tui dễ tin người...". Lần đầu tiên, Bông gọi Lương theo đúng tên của anh chứ không kêu "khùng", kêu "đò" nữa. Lương sướng tê người đi. Bông ngồi chỏi tay ra ngoài sau, ngẩng mặt lên nhìn Lương như chị Hai nhìn thằng Út, như con chó Vá nhìn đống thóc.
- Anh thương tui hả, Lương?
Lương cười. Khuya đó về, sông vắng. Lâu lâu mới có một chiếc ghe chở cát, chở dầu tạch tạch đi qua, ánh đèn đỏ lòm xa xa như ánh nến. Bông biểu có thương Bông thì ngồi gần Bông đi. Nước đứng rồi, đò có trôi đi đâu mà sợ. Hai đứa ngồi một bên be xuồng, nó nghiêng nghiêng lơ lửng. Bông biểu Lương nắm tay nó đi, Lương không dám, hai đứa cách nhau chừng bốn gang rưỡi. Lương nín khe hồi lâu rồi thở ra:
- Gió mát thiệt, hen?
- Lương!
- Gì?
- Ôm tui đi.
- Ý trời, người ta dòm.
- Thây kệ họ. Ôm tui đi.
- Thôi, kỳ lắm...
Bất thần, Bông xô Lương té ngửa xuống nước. Đợi Lương vẹt đám rác trôi lều bều, trồi đầu lên, Bông nói:
- Mắc cười quá, mắc cười thiệt. Tới xấu xí khùng khịu như anh mà còn chê tui nhơ nhớp đến nỗi không dám rờ. Trời ơi, mắc cười quá...
Lương vịn một tay vô be xuồng, tay kia vuốt nước trên mặt. Trong lòng anh nghĩ rất nhiều mà không nói được lời nào. Anh khờ khạo không có năng khiếu nói, lâu rày anh chỉ biết cười. Lương không muốn mình giống như bao thằng đàn ông khác, đối với Bông như với một món đồ chơi. Bông là Bông, là con gái, là người.

Sau này, Bông dửng dưng qua đò như chưa hề có cái đêm hôm đó. Bông đi với một thằng con trai mới. Thằng này để tóc năm năm nên Lương kêu nó bằng "Năm-năm". "Năm-năm" trẻ măng, quần áo thơm, đầu tóc thơm, chiếc xe phân khối lớn nổ tè tè ra đám khói cũng thơm. Bốn giờ, "Năm-năm" đón Bông ở bến đò. Nó hất mặt hỏi Lương có biết Hồng không? Lương nói Lương chỉ biết Bông thôi. Lòng anh nghĩ, dù là Hồng, là Mai, là Cúc thì vẫn là Bông. "Năm-năm" cười sùi sụt: "Ông nội nầy cù lần thiệt". Bông qua sông đi rồi, mấy bà già đi chợ về nguýt muốn rách đuôi con mắt:
- Con gái con đứa gì mà ngồi vểnh phao câu, thấy ứa gan.

Lương lặng lẽ cười. Anh đưa Bông đi rồi chở Bông về. Kỳ cục, Lương không biết rằng mỗi lần thấy Lương dại miệng kéo răng ra cười là lòng Bông quặn đau. Bông muốn nhìn thấy anh buồn, thấy trong mắt anh lộ ra một cái nhìn ghen tức. Nhưng Lương không được thông minh lắm, anh không hiểu.
Một chiều anh đưa Bông tươi hồng qua sông, sáng hôm sau má Bông với đám em qua đò, mếu máo:
- Con Bông nó bị nạn.
Nghe nói một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trong cuộc đua xe. Nghe nói Bông không còn có thể đi được trên đôi chân của mình.
Lương chỉ nghe người xóm Miễu qua đò nói lại. Lương không bỏ đi đâu khỏi đôi chèo. Lương không rành gì ngoài cái bến, dòng sông, đất đai xóm Miễu. Lương chờ Bông về.

Bến đò xóm Miễu thay đổi chủ. Lương vẫn mải miết chèo qua chèo lại, càn lên dòng chảy, sóng nước mà đi. Bông ngồi trên bến thu tiền. Nó vuốt phẳng phiu những tờ bạc lẻ cũ mèm vào từng ô của chiếc hộp Lương đóng ngày xưa. Người lạ qua bến nhìn Bông xinh đẹp tươi hồng rồi đọ với vẻ mặt già háp của Lương mà tiếc hùi hụi, tiếc đôi đũa mốc gác lên mâm son, tiếc bông lài thơm mà cắm nhầm bãi cứt trâu... Người xóm Miễu cự, nói Lương mới thấy thương, mới thiệt thòi, đã cưu mang đứa con gái đã lỡ lầm còn tàn tật.

Chớ biết làm sao, lỡ thương quá chừng rồi...



Thôi ta chng thèm 
                               - BÙI MINH QUỐC

Thôi ta chng thèm tìm lá diêu bông
Cái lá vu vơ cái lá phiêu bng
Mt thi ngu ngơ mt thi tr giá
Cái lá phiêu bng cái lá không không 

Ta hái ven đường n hoa ct ln
Làm thuc phong trn cha bnh nhân gian
Vĩnh bit nhé lá diêu bông huyn tưởng
Em cm che khuôn mt b bàng 
(9/7/1991)
VÊ LOẠI THƠ SIÊU THỰC... (ST)


Dưới đây là một số trích dẫn trong bài nghiên cứu BÀN VỀ YẾU TỐ "SIÊU THỰC " TRONG THƠ của Trần Mạnh Hảo:
- "Cái cốt tử của thơ trước hết và sau cùng vẫn cứ phải là thơ, vẫn phải đạt được cái hay, cái đẹp. Mỗi câu thơ hay, mỗi bài thơ hay, hầu như đều có thể đem đến cho thơ một mới lạ, một cái gì khác trước. Nếu thơ chỉ cốt lấy cái mới lạ làm mục đích mà bỏ quên cái hay, thơ ấy không còn là chính nó. Ví dụ như cô nàng X. nào đó có thân hình xinh đẹp, đột nhiên biến thành quạ. Chuyện này lạ quá, mới quá; nhưng cô gái kia không còn là con người nữa rồi. Thơ không cần học cách biến mình thành quạ mới làm thiên hạ chú ý, ngạc nhiên".

- "Họ làm thơ như đánh đố theo kiểu đánh quả tù mù, tắc tị, bí hiểm, vô nghĩa, rồi gắn cho thơ mình một cái mác khá sang trọng và thời thượng là thơ siêu thực".

- "Phong trào thơ siêu thực phương Tây đã đi vào quá vãng, đã hết thời từ lâu. Nhưng nó còn để lại sau lưng mình cả một nền bã mía đủ cho hàng nghìn hậu duệ hậu siêu thực làm của ăn đường trong công cuộc kiếm tìm thơ, dù là sự kiếm tìm vô vọng".

- "Các bạn không hiểu chúng tôi làm gì phải không? Này bạn ơi, chúng tôi còn không hiểu bằng các bạn !". Thực ra, khuynh hướng siêu thực chỉ là màn biểu diễn thứ hai của dada..."

- "Họ tuyệt đối hóa cái dị thường, cái ngẫu nhiên khách quan, cổ xúy cho gây hấn, loạn hành tình dục, đồi bại, trái khoáy, ba trợn, phỉ báng, ngạo mạn, phi lý, hài hước, điên loạn, hoang dã...Họ tôn vinh truyền thống ma thuật, huyền học, thấu thị thời trung cổ và Phi châu cùng các món thuốc tễ :thuyết quái, kích dục, bạo ngược...làm tiên sư, làm tiền bối"

- "Nói tóm lại, thơ siêu thực chính là quá trình vô nghĩa hóa thơ, phi lý hóa, phi ý thức hóa nghệ thuật, coi vô thức, ma mị, đồng bóng, bói toán là con đường duy nhất của thơ. Nếu cứ xét những tiêu chí khá tào lao, khá vô nghĩa của trường phái này, thì không thể có một bài thơ nào đáng mặt được gọi là thơ siêu thực, kể cả thứ thơ chính hiệu của những thi hữu siêu thực đi chăng nữa. Bởi vì, nếu cứ hội đủ những nguyên tắc trên của siêu thực chủ nghĩa, thì than ôi nàng Eva thi ca tuyệt mỹ ngày nào đã hóa thành quạ mất, nghĩa là thơ đã bị vong thân, không còn là thơ nữa"

- "Chủ nghĩa siêu thực đòi xóa sổ ý thức trong sáng tạo nghệ thuật, coi vô thức là con đường duy nhất đến thi ca, phải chăng chính là muốn xóa bỏ vai trò người trong nghệ thuật, để rong rêu hóa, ếch nhái hóa thi ca?"

- "Thực ra, các nhà lý thuyết của phái dada, phái siêu thực đều ngụy biện cả, vì khi họ hô hoán đuổi cổ ý thức, đuổi cổ cái biết, cái hiểu ra khỏi ngôi nhà nghệ thuật, thì họ vẫn dùng chính ý thức để phán ra "cái đạo vô thức" của mình đó sao?"

- "Thơ hay là của mọi nhà, ngay cả kẻ không biết chữ nghe cũng sướng lòng, chứ không phải thơ đọc lên đến chính nhà thơ còn không hiểu ông ta viết gì"


Sau đây là trích dẫn trong bài nghiên cứu "Hình ảnh trong thơ siêu thực" của Đào Duy Hiệp:- "Chủ nghĩa tượng trưng đề nghị thơ không phải là miêu tả, kể chuyện, mà phải chạm tới bản chất của sự vật, bên kia cái vẻ bề ngoài của nó -, thơ phải sử dụng tượng trưng (symbole), mang tính khơi gợi, tính lỏng, tính nhạc, tính phù chú"

- "Tạo ra từ ngôn ngữ một công cụ có khả năng gọi hồn và gợi nhắc, thơ không được kể chuyện, “không phải miêu tả sự vật, mà là kết quả cái sự vật đó sản sinh ra"

- "Thơ siêu thực được sinh ra từ hai phát hiện lớn: cái viết tự động và hình ảnh. Khi thơ thiếu vắng vần luật thì hình ảnh quyết định cho bài thơ. Hình ảnh trong thơ siêu thực là “những va đập chói lòa của từ ngữ”

- "Những hình ảnh này (xin bỏ qua dẫn chứng thơ) là thơ siêu thực. Những câu thơ rất giàu trí tuệ, xúc cảm".

- "Tôi nghĩ, thơ siêu thực đã để lại ba ảnh hưởng: 1) Tích cực, chủ động chống lại sự xói mòn, xơ cứng của từ, tìm nghĩa mới cho từ; 2) Một ý thức lao động chuyên nghiệp cộng với tri thức, trí tuệ, thường trực tìm kiếm hình ảnh mới, lạ từ “sự va đập chói lòa của từ”; 3) Làm nảy sinh những ý nghĩa, cái nhìn mới, đẹp vào cuộc đời, con người từ kết quả của những hình ảnh đó".

Cuối cùng, xin đưa ra một số ý kiến của Phan Ngọc trong bài nghiên cứu "Thơ là gì ?":

- "Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này"

- "Có những cảm xúc liên quan đến những thèm khát của kiếp người. Có ba loại: Loại khao khát không bao giờ thoả mãn được, nhưng giới hạn của nó ngày càng giảm bớt. Có loại khao khát hôm nay tôi chưa đạt được, nhưng trước đây hay ngày mai thế nào cũng đạt được. Cuối cùng là loại khao khát tôi đã đạt được cho tôi, nhưng vẫn có những người chưa đạt được và mơ ước của tôi là toàn thể loài người phải đạt được khao khát ấy. Cảm xúc do thơ gợi lên chính là cái khao khát tôi cảm thấy với tính cách kiếp người, cá nhân hay loài người."

- "Tại sao cô vũ nữ ba lê đi trên đầu ngón chân cho khổ? Ðứng cả hai bàn chân cũng được chứ sao? Nhưng chỉ cần cô đứng trên hai bàn chân là cái thế giới bay bổng của trí tưởng tượng biến mất. Cô quay tròn trên đầu ngón chân như vậy thì ta mới có thể chấp nhận rằng cô nói với cái thế giới của mơ ước"

- "Hết nghệ sĩ này, đến nghệ sĩ khác đưa ra những cách lý giải của riêng mình, nhìn chung đều là những cách quái đản hóa của họ."

- "Vô số kiểu quái đản hóa rơi rụng đi, vì nó không đáp ứng nhu cầu nội tâm của một số người đông đảo. Nhưng cũng có nhiều cách quái đản hóa tồn tại, trở thành thời thượng và nhập vào cách lý giải được xã hội chấp nhận. Một khi đã nhìn theo quan điểm này thì từ, nhịp, vần, phách, thể loại, trường phái... cái gì cũng có nội dung của nó và nội dung ấy là những kiểu quan hệ"



Chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) là một trào lưu nghệ thuật xuất hiện vào những năm 20 thế kỷ XX ở Pháp. Chủ nghĩa siêu thực, một mặt dựa vào triết học trực giác của Bergson, mặt khác dựa vào phân tâm học của Freud. Thậm chí, nhiều luận điểm của chủ nghĩa siêu thực ngày nay người ta thấy còn rất gần với tư tưởng Thiền.Chủ nghĩa siêu thực có nguồn gốc từ chủ nghĩa lãng mạn thần bí Đức, đặc biệt là Novalis, và một số nhà thơ như Lautréamont, G.Apollinaire và họa sĩ G.Chirico. Nhưng chủ nghĩa siêu thực chỉ thực sự hình thành với André Breton và các bạn của ông sau khi nhóm Dada tan rã vào năm 1924. Cũng năm này, tạp chí Cách mạng siêu thực (La Révolution surréaliste), cơ quan phát ngôn của nhóm, được thành lập. Ra đời trong môi trường văn học, nhưng chủ nghĩa siêu thực có ảnh hưởng rộng rãi đến hội họa (S. Dali, S. Miro...), điện ảnh (J. Cocteau, W. R. Benet...). Tư tưởng mỹ học của chủ nghĩa siêu thực được trình bày trong những bản Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực do nhà thơ André Breton (1896-1966) và trong những tác phẩm có tính cương lĩnh của các lý thuyết gia của nó, như L.Aragon, Ph.Soupault...

Các nhà siêu thực kêu gọi giải phóng cái tôi khỏi “gông cùm” của lô-gích, lý trí, đạo đức và mỹ học truyền thống, bị coi là sản phẩm quái gở của nền văn minh tư sản, cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Vậy nên, theo các nhà siêu thực, hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối - tức siêu thực - là hiện thực bị “cầm tù” trong vô thức, cần phải được giải phóng và được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật.Cơ sở phương pháp sáng tạo của chủ nghĩa siêu thực, theo A.Breton, là “sự tự động của tinh thần thuần túy nhằm mục đích thể hiện bằng lời nói, hoặc chữ viết, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác sự hoạt động hiện thực của tư tưởng. Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào của lý trí, hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ”. Nhà nghệ sĩ, bởi vậy, cần phải dựa vào kinh nghiệm của những biểu hiện vô thức như giấc mơ, ảo giác, sự mê sảng, hồi ức ấu thời, linh ảnh thần bí..., “nhờ vào đường nét, mảng khối, hình thể và ánh sáng, nghệ sĩ phải cố gắng thâm nhập vào phía ấy của con người, phải đạt được sự vô hạn và sự vĩnh cửu”. Hiệu quả của sự tác động thẩm mỹ của tác phẩm siêu thực dựa trên sự tuyệt đối hóa có ý thức nguyên tắc đối lập nghệ thuật. Xuất phát từ luận điểm của nhà thơ P. Reverdi cho rằng hình ảnh xuất hiện từ “sự xích lại gần nhau của những hiện thực cách xa nhau”, các nhà siêu thực xây dựng tác phẩm hoàn toàn dựa trên những thủ pháp như sự tương tự, cái nghịch lý, sự bất ngờ, sự thống nhất những cái không thể thống nhất được. Từ đó ở tác phẩm xuất hiện một bầu không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, phi lý...

Như vậy, nổi bật lên giữa các trào lưu cách mạng trong nghệ thuật và văn chương của thế kỷ XX, chủ nghĩa siêu thực đã làm đảo lộn các giá trị trí tuệ và siêu thăng các khác biệt giữa những loại hình mỹ học. Trước hết, nó say mê những cái vượt quy củ, bất kể mực thước. Từ đó, nó thường sử dụng lối viết tự động và thủ pháp dán ghép, cũng như các kỹ xảo ngôn ngữ và hình ảnh khác.

Trong thơ, chủ nghĩa siêu thực là hậu thân của chủ nghĩa tượng trưng, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến những hình ảnh cô biệt, những kết hợp phi lý. Thủ lĩnh và phát ngôn nhân đầu tiên của trào lưu thơ siêu thực là André Breton. Ông sinh năm 1896 ở Orne, học Y khoa và sống đời quân ngũ, tham gia câu lạc bộ Apollinaire. Từ 1919 đến 1924, trở thành lý thuyết gia siêu thực, tác giả của ba bản Tuyên ngôn (1924; 1930; 1942). Nhân vật quan trọng thứ nhất bên cạnh Breton là nhà thơ, tiểu thuyết gia rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, Louis Aragon. Mặc dù có vị thế quan trọng như vậy, nhưng sau Aragon lại từ bỏ chủ nghĩa siêu thực trở về với văn chương truyền thống kiểu Balzac. Những ngôi sao nổi tiếng khác như Tristan Tzara, Philippe Soupault, Jacques Prévert... Có những người theo chủ nghĩa siêu thực nhưng không hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc của nó, nhưng cũng rất nổi tiếng như Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Anais Nin, Henry Miller, Charles Henry Ford (Mỹ), Hugh Sykes Davies, Dylan Thomas (Anh), St.J.Perse, Paul Eluard (Pháp)...

Trong hội họa, thủ lĩnh của phong trào là Salvador Dali (1904-1989), sau đó là René Magritte, Max Ernst và Frida Kahlo. Dali là họa sĩ Tây Ban Nha nhưng sống và hoạt động ở Pháp. Đây là một người sáng tạo đã gây ra cho khán giả sự sửng sốt vì những hình ảnh - giấc mơ của hội họa siêu thực. Những họa sĩ khác như Pablo Picasso, Marcel Duchamp, Paul Klee, André Masson, Pavel Tchelitchew... là bạn bè của chủ nghĩa siêu thực, nhưng họ lại nổi tiếng nhờ sự thử nghiệm những loại hình mới. Dường như thành một thông lệ, các họa sĩ siêu thực thích làm thơ, còn các nhà thơ thì lại thích vẽ. Điều này chứng tỏ rằng nội dung sáng tác và thủ pháp nghệ thuật của thơ và họa siêu thực rất gần gũi nhau: thi trung hữu họa, họa trung hữu thi.

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, tuy không có chủ nghĩa siêu thực, nhưng bút pháp hoặc thi pháp siêu thực thì đã được các nhà thơ sử dụng và đạt được những thành công nhất định. Người ta có thể thấy được điều đó đậm nhạt ở Hàn Mặc Tử trong tập Thơ điên, ở Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu Nhã Tập, ở Nguyễn Đình Thi với những bài thơ không vần, ở Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc, ở thơ Ngô Kha và đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn...

Trước đây, do có lúc quá đề cao chủ nghĩa hiện thực, như một giá trị duy nhất, nên chúng ta có phần hạ thấp chủ nghĩa siêu thực. Tệ hơn, là hiểu nhầm, hiểu không đúng nó, do thói “khinh nhi viễn chi”. Hy vọng là với việc trích dịch giới thiệu hai trong số ba Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực và bài viết về Chủ nghĩa siêu thực và hội họa của André Breton của Văn học nước ngoài lần này, bạn đọc, nhất là các nhà làm văn học, sẽ thức nhận lại chủ nghĩa siêu thực, đi sâu vào tìm hiểu nó. Bởi, tuy không còn tồn tại nữa, nhưng chủ nghĩa siêu thực là một chặng đường tự nhận thức quan trọng của văn học với những bài học lịch sử quý giá của nó. Hơn nữa, siêu thực tuy không tồn tại như một chủ nghĩa, nhưng văn học hiện đại không thể thiếu nó với tư cách là những yếu tố...

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012


NHỚ BẮC – HUỲNH VĂN NGHỆ




Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long



Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.



Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.



Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên



Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?

Tình huống truyện trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. (ST)

Cho đến nay, hầu như giới nhà văn và giới nghiên cứu phê bình văn học đều coi Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm tiêu biểu, mang dấu ấn rõ nhất phong cách Nguyễn Minh Châu ở thể loại truyện ngắn.

Tập sách Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX (tập 4) cũng chọn tuyển truyện ngắn này. Mới đây tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 1 tháng 10 năm 2007) cũng chọn và coi đó là tác phẩm hay nhất của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Chiếc thuyền ngoài xa sẽ được đưa vào giảng dạy ở chương trình chính thức Ngữ văn 12 bắt đầu từ năm học 2008 – 2009. Giới thiệu mấy lời như vậy để khẳng định vị trí xứng đáng của tác phẩm trong nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung, trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn lớn Nguyễn Minh Châu nói riêng - mà công lao đóng góp của ông đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2 – 2000).

Để góp phần phân tích giảng dạy tốt hơn tác phẩm này chúng tôi xin đưa ra một hướng tiếp cận. Chúng tôi coi đây chỉ là một kinh nghiệm cá nhân, rất mong được sự trao đổi ý kiến của các bạn đồng nghiệp.

Trước hết cần đặt truyện ngắn này trong cảm hứng sáng tác chung của Nguyễn Minh Châu giai đoạn đầu những năm 80 ở thế kỷ trước, đó là cảm hứng luận đề. Cảm hứng luận đề thể hiện ở một loạt truyện Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Hương và Phai, Bến quê, Khách ở quê ra, Mẹ con chị Hằng, Sống mãi với cây xanh, Mảnh đất tình yêu, Một lần đối chứng, Chiếc thuyền ngoài xa … có tính luận đề ở chỗ nhà văn đã cho “đối chứng” với các quan niệm lạc hậu, lỗi thời, cổ hủ, xưa cũ… về con người, về cuộc đời và cả về nghệ thuật. Ngay chính Nguyễn Minh Châu, lúc sinh thời cũng có lần tâm sự rằng chính mình cũng chưa thích “một vài truyện tính chất luận đề về đạo đức để lộ ra quá rõ”(1). Chiếc thuyền ngoài xa cũng thể hiện điều này ở một vài câu văn, ví dụ: “Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khoắc trong phần của tâm hồn”. Nó chỉ là một vài vết gợn để lộ ra mục đích thuyết giáo của tác giả, không ảnh hưởng tới chủ đề chính của tác phẩm là luận đề về quan niệm giữa chân lý nghệ thuật và cuộc sống. Chính cảm hứng luận đề này đã chi phối Chiếc thuyền ngoài xa và Một lần đối chứng: nhà nghệ sĩ phải nhìn kĩ, nhìn sâu vào những gì tưởng là đẹp đẽ, hài hoà để nhận ra bản chất của nó, từ đó mà có trách nhiệm cao hơn, sâu sắc hơn với cuộc đời và con người.

Truyện được viết xong trong tháng 8 năm 1983, nghĩa là ở những năm trước của công cuộc đổi mới (tính từ năm 1986). Đầu những năm 80 của thế kỷ XX nước ta lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải có những cơ chế mới thích hợp để thay thế cơ chế quan liêu bao cấp đã lỗi thời, kể cả phải thay đổi lối bao cấp về tư tưởng. Nhìn ở phương diện văn học ta mới thấy những truyện như Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một sự báo hiệu công cuộc đổi mới trong văn học, từ đề tài, nhân vật cho đến cách viết … Chính vì thế mà nhà văn được đánh giá rất cao, “là người cảm nhận ra sớm nhất, sâu xa nhất, tận máu thịt tâm tưởng mình cái yêu cầu bức bách sống còn của cuộc trở dạ nọ, mà ngày nay chúng ta gọi là công cuộc đổi mới” (2), “là một hiện tượng văn học mới” (3)… Phải đặt Chiếc thuyền ngoài xa vào bối cảnh những năm trước đổi mới chúng ta mới thấy rõ vị trí tiên phong của nhà văn trong việc đổi mới văn học nước nhà.

Do đặc trưng thể loại là dung lượng ngắn, chi tiết cô đọng, hàm súc, cốt truyện thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế để hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện ra một nét bản chất trong đời sống, nên các tác giả truyện ngắn rất chú ý tới việc sáng tạo tình huống. Tiến hành phân tích giảng dạy một tác phẩm truyện ngắn chúng ta cũng rất nên quan tâm tới yếu tố này. Xét dưới góc độ lý thuyết thì tình huống đóng vai trò bộc lộ các mối quan hệ, địa vị xã hội và tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề tác phẩm. Chiếc thuyền ngoài xa đã sáng tạo ra một tình huống nghịch lý, oái oăm, trớ trêu. Vì là một truyện mang tính luận đề, mang tính tư tưởng, nhân vật trong truyện cũng là nhân vật tư tưởng, không phải là nhân vật tính cách nên trọng tâm phân tích truyện ngắn này nên đi sâu hơn vào phương diện tình huống. Bởi nhờ tình huống này mà tính tư tưởng của tác phẩm mới được thể hiện rõ.

Có thể tạm xếp vào các nhóm tình huống sau:

Một là, nghịch lý giữa đời sống và nghệ thuật. Cả một tập thể nghệ sĩ nhiếp ảnh trong “dăm tháng” trời đã chụp được “hàng trăm bức ảnh đẹp, chụp công phu …”, được ông Trưởng phòng “là người sâu sắc, lại cũng lắm sáng kiến” đánh giá là “đẹp thì đẹp thực … và nhất là lại có hồn nữa. Đúng là những bức ảnh nghệ thuật”. Thế mà, cũng chính vì Trưởng phòng thông minh này lại “không thể chọn đủ cho mười hai tháng, vẫn đang còn thiếu một tờ”. Thì ra người nghệ sĩ dù có cố gắng bao nhiêu, nỗ lực bao nhiêu, đầu tư nhiều thời gian, bỏ ra nhiều tâm huyết và trí tuệ bao nhiêu cũng chưa thể đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống. Người nghệ sĩ không bao giờ được thoả mãn, phải luôn coi mục đích nghệ thuật luôn ở phía trước để phấn đấu. Đây có thể coi là thông điệp nghệ thuật thứ nhất của nhà văn.

Hai là, nghịch lý giữa cảnh đẹp của thiên nhiên thơ mộng trữ tình và di hoạ chiến tranh. Cái bờ biển ấy cách Hà Nội hơn sáu trăm cây số, được Phùng – nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh nhìn bằng con mắt “nhà nghề”, nó “thật là thơ mộng”, “thật là phẳng lặng và tươi mát như da thịt của mùa thu …”, thế nhưng lại có “những bãi xe tăng do bọn thiết giáp nguỵ vứt lại trên đường rút chạy hồi “tháng ba bảy nhăm” (bây giờ sau gần mười năm, đã bị hơi nước gặm mòn và làm cho sét gỉ)…”. Theo tôi từ chi tiết này ít nhất cũng mang ba dụng ý nghệ thuật sau. Thứ nhất, nó nhắc nhở người nghệ sĩ đừng bao giờ quên cái nghịch lý của đời sống. Nghệ thuật không chỉ ở cảnh đẹp thơ mộng mà còn ở cả cái hiện thực sần sù gai góc kia. Thứ hai, để bạn đọc khỏi ngỡ ngàng nó như là một sự báo hiệu đưa dần bạn đọc vào chủ đề chính thể hiện ở những tình huống nghịch lý căng thẳng dữ dội hơn. Đây có thể coi là một biện pháp tâm lý mời gọi bạn đọc theo dõi những diễn biến tiếp sau của câu chuyện. Thứ ba, nó nhắc kh** bạn đọc bối cảnh ra đời của câu chuyện là chưa xa một thời chiến tranh (chú ý một chi tiết nhỏ “sau gần mười năm”). Mà chiến tranh bao giờ cũng đi liền với sự mất mát, đau thương nên di hoạ, cả ở phương diện vật chất và phương diện tinh thần vẫn còn tồn tại dai dẳng. Do vậy, những điều gì xấu, phi nhân tính được đề cập ở phần sau của câu chuyện cũng không có gì lạ. Cái mà chúng ta cần là làm sao xoá bớt dần di hoạ chiến tranh, làm liền sẹo những nỗi đau mà chiến tranh để lại. Đây cũng là một ẩn ý cần được khai thác sâu hơn.

Ba là, nghịch lý giữa cảnh thiên nhiên đẹp thơ mộng hữu tình và cái đẹp vô hồn. Chúng ta tạm quy ước “đẹp” là một khái niệm mang tính ước lệ cao để khỏi phải vướng vào hàng rào của đường biên khái niệm này, và thống nhất với nhau, ở ngoài đời cũng như trong văn chương vẫn tồn tại cái đẹp có hồn và cái đẹp vô hồn. Lần thứ nhất Phùng không lấy “cảnh người ta đẩy một chiếc thuyền xuống nước” vì “ cảnh đẩy thuyền đầy không khí vui nhộn… thật hùng tráng” này lại có gì “hơi thô lỗ”. Lần thứ hai Phùng cũng không thể lấy cảnh “thuyền đánh cá thu lưới vào lúc nhập nhoạng sáng” vì đó là “một cảnh chết” có quá nhiều người đã khai thác. Lần thứ ba Phùng cũng không lấy cảnh “Đằng đông đã trắng sáng. Trên một nửa vòm trời sao đã lặn hết. Những đám mây hình vỏ sò cứ hồng lên dần, trong khi đó, mặt biển tuy đã sáng rõ, đến cái mức đứng trong bờ cũng nhìn thấy từng đường gấp nếp lăn tăn trên mặt tấm thép dát màu xám đục ”. Nhưng cũng chính cảnh này “sao mà tẻ nhạt, tiếng sóng ồ ồ dội vào giấc ngủ suốt đêm chạy trốn đi đâu hết, biển im thít và không màu sắc, như một con sứa khổng lồ giạt vào bãi”. Phải đến lần thứ tư Phùng mới quyết định bấm máy để thu vào ống kính “… vài ba chiếc mũi thuyền và một cảnh đan ch** của những tấm lưới đọng đầy những giọt nước, mỗi mắt lưới sẽ là một nốt nhạc trong bản hoà tấu ánh sáng và bóng tối, tượng tưng cho khung cảnh bình minh là một khoảng sáng rực rỡ đến mức chói mắt, trong khoảng sáng đó sẽ hiện lên trong tầm nhìn thật xa những đường nét của thân hình một người đàn bà đang cúi lom khom, sải cánh tay thật dài về phía trước k** tấm lưới lên khỏi mặt nước, và phía sau lưng người đàn bà, hình một ngư phủ và một đứa trẻ đứng thẳng trên đầu mũi thuyền, dùng lực toàn thân làm đòn bẩy nâng bổng hai chiếc gọng lưới chĩa thẳng lên trời”.

Đúng là một cảnh đẹp có hồn, khoẻ khoắn, trong sáng, tươi vui!

Đó là một cảnh thật hài hoà về hình ảnh, màu sắc. Nhà hoạ sĩ đã hoà phối sắc màu có cả ánh sáng và bóng tối, cả cận cảnh và viễn cảnh “văn trong hữu hoạ” trong văn có hoạ và có cả “văn trung hữu nhạc” trong văn có nhạc (mỗi mắt lưới sẽ là một nốt nhạc), có cả cảnh thiên nhiên và cảnh con người lao động, có cảnh khách quan và có cả chủ quan của chủ thể (chói mắt).

Để có được cảnh này Phùng phải qua bốn lần quyết định. Nghệ thuật là như vậy, phải là sự công phu, tìm tòi biết chờ đợi, đòi hỏi một sự kiên nhẫn cao độ. Và cũng trớ trêu thay, nghệ thuật không chỉ thế là có được mà còn phải là “giời cho” nữa. Chính Phùng đã tâm niệm điều này: “… nếu không có thêm sự sắp đặt đầy tài tình của ngẫu nhiên thì với tài ba đến bao nhiêu, anh cũng chỉ … thu được những tấm ảnh vô hồn”.

Bốn là, nghịch lý giữa “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” và cảnh con người lam lũ, vất vả, khổ đau. Phải đến lần thứ năm Phùng mới được “một cảnh “đắt” trời cho”: “… Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào?”.

Phải có một bút lực mạnh mẽ, một sự am hiểu sâu sắc về hội hoạ, một sự nhạy cảm trước cái đẹp mới có thể viết nổi đoạn văn miêu tả “cái đẹp tuyệt đỉnh”, “toàn bích” này. Câu đầu là ước lệ, là cảm nhận chung “một bức tranh mực tàu …”. Các câu sau là những hình ảnh cụ thể với mũi thuyền trôi trong bầu sương mù, vài bóng người cả người lớn lẫn trẻ con, rồi những cái mắt lưới và tấm lưới … Cảnh thật huyền ảo (bầu sương mù trắng như sữa), tinh khôi, tinh khiết (màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào), vừa tĩnh tại (im phăng phắc), vừa sống động (hướng mặt vào bờ). Các tính từ láy loè nhoè, hồng hồng, phăng phắc, khum khum tăng cường thêm độ huyền ảo, như hư như thực. Các so sánh tinh tế trắng như sữa, im phăng phắc như tượng, y hệt cánh một con dơi làm đậm thêm chất tạo hình của bức tranh. Dường như ngôn từ bất lực trước cái đẹp, nhà hoạ sĩ buộc lòng phải đưa “cái tôi” chủ quan tham gia vào “quá trình thưởng thức”: “… đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào?” Làm cho bức tranh kia nhuốm thêm “sắc màu” tâm trạng.

Nhưng oái oăm thay, nghịch lý và trớ trêu thay, cảnh đẹp nhất, có hồn nhất lại là cảnh ẩn chứa những điều tệ hại nhất, xót xa nhất!

Đó là tiếng quát của gã ngư phủ: “Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”.

Đó là “một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng k** lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ..”.

Đó là một gã đàn ông “mái tóc như tổ quạ … chân đi chữ bát … hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ…”

Chưa hết, tiếp theo là cảnh hành hung đánh đập, phi nhân tính rùng rợn: “Lão đàn ông lập tức trở lên hùng hổ, mặt đỏ gay gắt, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa… chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két …”

Nghiệt ngã thay! Khát vọng tìm đến cái đẹp để mong muốn làm cho con người đẹp lên là rất đáng quý nhưng người nghệ sĩ phải tỉnh táo để nhận ra cái thực tế phũ phàng của đời sống. Và đây cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người: hãy tỉnh táo trước cái đẹp. Bất cứ cái đẹp nào cũng rất có thể ẩn chứa những điều phức tạp đi ngược lại hạnh phúc của con người. Cái tình huống nghịch lý này trong Chiếc thuyền ngoài xa đã xua tan màn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh tuyệt đẹp kia để làm trơ ra cái sự tàn nhẫn của đời thường. Người nghệ sĩ không chỉ nhận thấy cảnh đẹp lãng mạn bên ngoài kia mà còn phải nhìn thấy cả cảnh hành hạ man rợ của lão ngư phủ nọ. Đây là bài học, là trách nhiệm, cũng là lương tâm của nghệ thuật.

Dưới góc độ nhân vật chúng ta cũng thấy nhà văn đã sử sụng nguyên tắc nghịch lý, đối lập trong xây dựng nhân vật: cái tốt cái xấu lẫn lộn, đan cài với nhau. Người đàn bà xấu xí thô kệch ấy có vẻ bề ngoài thật quá nhẫn nhục, cam chịu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng vẫn không chịu “chia tay” với gã chồng vũ phu tàn bạo. Bởi vì, như lời giãi bày gan ruột của người mẹ đáng thương ta mới thấy bà có một tấm lòng hi sinh vô bờ “ … đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa… Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình…”. Còn gã đàn ông kia cũng không hẳn hoàn toàn xấu. Vì đâu mà lão trở lên vũ phu tàn độc như vậy ? Khi xưa, theo lời vợ lão thì đó “ là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập..” . Vẫn theo lời vợ lão thì là do lão “khổ quá” vì làm ăn nuôi con. Rồi đói, khi “ông trời làm biển động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối… ”. Trước sau thì hắn vẫn là người lao động lương thiện, hơn nữa lại là lao động chính, kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt của mình để nuôi mười mấy miệng ăn. Lão đánh vợ để giải toả những bức bối. Ta hãy để ý khi đánh vợ lão cũng đau đớn “Cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”. Lão cũng không phải là kẻ hiếu chiến, không phải là kẻ chỉ thích gây gổ đánh đấm người khác, bằng cớ là ngay Phùng cũng khẳng định “lão đánh tôi hoàn toàn vì mục đích tự vệ”. Còn thằng Phác đứa trẻ ham hiểu biết (cặn kẽ giải thích cho tôi nghe cuộc sống của những giống chim trên rừng), sớm lam lũ lao động, hồn nhiên chơi với “tôi” như một người bạn thân và rất thương mẹ… Bên cạnh những phẩm chất ấy trong nó cũng ẩn chứa một tính côn đồ nguy hiểm : sẵn sàng cầm dao đâm bố để cứu mẹ. Nó sớm đã có ý thức báo thù bằng cách lấy bạo lực để ngăn cản bạo lực.

Như vậy, nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa được cấu trúc với tất cả sự phức tạp của nó, không hẳn xấu cũng không hẳn là kẻ tốt. Xét đến cùng lão chồng vừa là thủ phạm gây ra cảnh đau đớn cho người vợ, cho con đẻ đồng thời cũng lại là nạn nhân của cuộc sống còn tăm tối khốn khổ. Người vợ cũng vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, mà theo chính lời mụ thì là do “cái lỗi…là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Thằng Phác cũng thế, vừa là nạn nhân của thói côn đồ lại vừa là thủ phạm kích động thói côn đồ và chính nó cũng sớm có tính côn đồ. Những nhân vật đó chưa mang chiều kích của nhân vật tính cách với những quá trình phát triển tâm lý nhưng nó đã làm tốt chức năng thể hiện chủ đề tác phẩm.

Một phương diện rất thành công của truyện ngắn là cách chọn điểm nhìn trần thuật. Nhà văn trao điểm nhìn trần thuật cho Phùng, nhân vật – người kể chuyện là cách chọn tối ưu. Phùng kể lại kể chuyện mình trực tiếp chứng kiến, trực tiếp tham gia vào biến cố câu chuyện (nói chuyện với Phác - đứa con ; đánh lại gã chồng để tránh đòn cho người đàn bà ; nghe lời trần tình, giãi bày của người vợ) nên câu chuyện kể ra rất thật, vì đó là chuyện của người kể, kể lại chuyện của mình. Cách kể này chúng tôi đã khái quát thành khái niệm “kịch hoá nhân vật – người kể chuyện ” (4). Người kể chuyện đóng vai nhân vật nhảy vào các biến cố, tham gia trực tiếp vào các diễn biến của cốt truyện, rồi kể lại cho bạn đọc nghe; điều đó đã tạo ra xu hướng trần thuật tiệm tiến gần hơn với sự thật ngoài đời. Thứ nữa, Phùng là người trải nghiệm , giàu vốn sống(từng có mười năm cầm súng đánh giặc, nay làm nghề chụp ảnh được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người) nên lời văn trần thuật chứa nhiều yếu tố triết lý, ví như “ ở đời cái gì cũng thế, con người bản tính vốn lười biếng, đôi khi mình hãy cứ để cho mình rơi vào hoàn cảnh bị ép buộc phải làm, không kh** lại làm được một cái gì”. Phải là người như Phùng, nghề nghiệp như Phùng bạn đọc mới tin và thấm thía triết lý này. Hơn nữa Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nên tất yếu phải có yếu tố nghề nghiệp trong lời kể. Thế cho nên lời văn ở đây tràn đầy chất thơ, chất trữ tình và cũng đậm chất hoạ, chất điện ảnh thì đó cũng là điều dễ hiểu. Và các thủ pháp nghệ thuật trong lời kể cũng rõ cái dấu ấn nghề nghiệp gắn với nhân vật ví dụ một phép so sánh tả một ngư phủ. Ngư phủ thì bao giờ cũng đi liền với cái thuyền và lưới, thế nên :
“Tấm lưng rộng và cong như chiếc thuyền”
“Những món tóc vàng hoe có chỗ đỏ quạch như mớ lưới to đã bợt bạt”
“Cặp mắt thật đen gợi cho tôi nghĩ đến con mắt người ta vẽ trên đầu mũi thuyền”
Chủ thể trần thuật là ngôi thứ nhất, người kể chuyện đồng nhất với nhân vật đã thống nhất cả hai điểm nhìn, của nhân vật vốn bị chia cắt vào từng cảnh, của người kể vốn luôn xuyên suốt các sự kiện trên một trục thời gian đã tạo nên sự nhất quán của lời văn trần thuật trong cấu trúc văn bản, vừa đi sâu, cụ thể vào các sự kiện vừa quy chiếu một cách toàn diện, hệ thống cốt truyện. Vậy nên truyện cứ lôi k** ta vào từng chi tiết vừa hấp dẫn mời gọi ta dõi theo cái kết cục của câu chuyện sẽ như thế nào, liệu người vợ có bỏ lão chồng kia không, liệu tòa có xử cho họ ly hôn không, rồi số phận những đứa con họ sẽ ra sao...???

Đối với nhà văn tài năng thì có khi người đọc chỉ cần đọc cái tên truyện là đã nhận chân ra được phong cách của ông ta. Các tiêu đề truyện Bức tranh, Một lần đối chứng, Mảnh trăng cuối rừng, Chiếc thuyền ngoài xa… đã góp phần làm rõ hơn nội dung tác phẩm, rõ cái dấu ấn của nhà văn Nguyễn Minh Châu. ở đây “ chiếc thuyền” nghệ thuật đang trôi trên “ ngoài xa” cuộc đời đã nói lên rất hay mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ thuật nằm trong cuộc sống này, biểu hiện cuộc sống. Người nghệ sĩ chèo lái con thuyền nghệ thuật ấy vừa phải hiểu sâu sắc con thuyền nghệ thuật vừa phải nắm bắt rõ những luồng lạch, độ nông sâu của biển cả cuộc đời. Có vậy mới đưa nghệ thuật tới chân trời lý tưởng của hạnh phúc và cái đẹp của con người.

"CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA", MỘT ẨN DỤ NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU

Lê Ngọc Chương


Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu ra những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ, cách nhìn về cuộc đời qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Cách đặt tên tác phẩm và tên nhân vật trong truyện ngắn " Mảnh trăng cuối rừng" của ông là một ví dụ. Và có lẽ, hình tượng "chiếc thuyền ngoài xa" trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.

Tên truyện ngắn là "Chiếc thuyền ngoài xa", và quả thật, hình ảnh chiếc thuyền gần như xuất hiện xuyên suốt trong câu chuyện mà nhà văn mang đến cho người đọc. Bắt đầu từ yêu cầu của người trưởng phòng "lắm sáng kiến" đối với nhân vật xưng "tôi" - người nghệ sỹ nhiếp ảnh: "...Chúng ta sẽ mang đến cho mỗi gia đình một bộ sưu tập về thuyền và biển, không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật". Tiếp đó là hình ảnh chiếc thuyền "mới đóng xong vẫn còn thơm mùi gỗ lẫn mùi dầu rái", rồi tiếp theo nữa là "một nhóm chừng dăm bảy chiếc thuyền vó vừa tắt đèn" và cuối cùng tập trung vào "một chiếc thuyền lướt vó ...đang chèo thẳng vào trước mặt tôi". Đây chính là "Chiếc thuyền ngoài xa".

Hình ảnh "Chiếc thuyền ngoài xa" được nhà văn khắc hoạ rất ấn tượng: "Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ". Hình ảnh đó mang một "vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích" - vẻ đẹp của "một bức tranh bằng mực Tàu của một danh hoạ thời cổ", và tất cả vẻ đẹp đó đã được nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta thu vào một tấm ảnh mà nó "được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật".

Hình ảnh "Chiếc thuyền ngoài xa" giờ đã hoá thân thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng với tất cả những vẻ đẹp về màu sắc, đường nét, bố cục...và khi thưởng thức bức ảnh đó, những người sành nghệ thuật thể có cái cảm giác "trở nên bối rối", cảm thấy "trái tim như có cái gì bóp thắt vào" và "khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn"...như cái cảm giác mà "tôi" đã từng có.

Song, dù có là người sành nghệ thuật đến đâu, cũng không ai khám phá ra được: Đó là những con nguời, những cuộc đời, những số phận đầy trớ trêu, nghịch lý đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống quay quắt bên trong chiếc thuyền ấy. Một người vợ nhẫn nhục cam chịu một cách tự nguyện những trận đòn thịnh nộ của anh chồng với "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" chỉ vì chiếc thuyền ấy, gia đình ấy (với trên dưới mười con người) cần có ông ta chèo chống lúc phong ba; Một đứa con trai yêu mẹ đến nỗi định giết cả bố mình... Cái sự thật bên trong ấy chỉ được người thợ chụp ảnh nhận ra khi "chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ tôi đứng" - Tức là ở một khoảng cách gần, rất gần!

Với chi tiết này, câu chuyện dường như đã mở ra hai hình ảnh, hai thế giới khác hẳn: Chiếc - thuyền - ngoài - xa mang lại vẻ đẹp hoàn mỹ cho một tấm ảnh, còn chiếc - thuyền - khi - đến - gần lại làm vỡ ra một hiện thực nghiệt ngã đến xót xa của số phận con người. Vậy nên, có thể nói hình tượng "Chiếc thuyền ngoài xa" đích thực là một ẩn dụ nghệ thuật hoàn toàn có dụng ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giải mã hình tượng ản dụ đó, người đọc sẽ nhận ra một thông điệp mà nhà văn truyền đi, rằng cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.

Chính vì thế, cho dù chỉ là một bức ảnh "hoàn toàn thế giới tĩnh vật"(hay nói đúng hơn là vẫn có con người nhưng đó chỉ là "những bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng") nhưng nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta - cũng là người đã trực tiếp nhận ra những số phận ẩn tàng bên trong nó - bao giờ cũng như thấy "một người đàn bà bước ra " sau mỗi lần suy tư, ngắm nhìn thành quả nghệ thuật mà mình tạo ra nhờ cái giây phút "trời cho" ấy.

Trước Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nam Cao từng quan niệm "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối... Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than"(Trăng sáng). Là người đi sau, Nguyễn Minh Châu không lặp lại quan niệm đó, vì hình ảnh "chiếc thuyền ngoài xa" mang vẻ đẹp nghệ thuật thực sự chứ không hề là "ánh trăng lừa dối". Điều mà nhà văn muốn người đọc lưu tâm là cần phải có cái nhìn đa chiều, phổ quát mới có thể cảm nhận hết cái gai góc, phức tạp của cuộc đời này, bởi như ông đã nói "con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự".

Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng từng phát biểu "Sáng tác văn học là quá trình đi tìm hạt ngọc ẩn sâu bên trong tâm hồn con người". Thông điệp phát đi từ hình tượng "chiếc thuyền ngoài xa" trong truyên ngắn cùng tên của ông chính là sự bổ sung hết sức thuyết phục cho quan niệm đó.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012


ĐỌC CHO VUI

Khi một cánh cửa khép lại,sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Nhưng chúng ta lại thường tiếc nuối ngoái nhìn lại cánh cửa đã đóng mà không nhận ra rằng cánh cửa đang mở kia là để chào đón mình.(Alexander Graham Bell)

Phải tự mình vượt qua những khó khăn,trở ngại,bạn mới được tiếp thêm  sức mạnh và nghị lưc.(Maxwell Winston Stone)

Trong tiếng Trung Quốc,từ khủng hoảng được tạo thành từ hai chữ: một chữ có nghĩa là hiểm nguy và một chữ có nghĩa là cơ hội.Trong cuộc sống, mỗi khi gặp phải nghịch cảnh, chính bạn là người lựa chọn thái độ của mình: hoặc thương hại bản thân, hoặc tìm kiếm hạt mầm cơhội từ những khó khăn,nghịch cảnh ấy.  (Max)

Bạn phải thực hiện được điều mà bạn nghĩ là mình không thể thực hiện đươc. (Eleanor Roosevelt)

 Tất cả chúng ta đều bị khuyết tật nhưng không phải khuyết tật nào cũng có thể nhìn thấy đượcbằng mắt thường. 
(Maxwell Winston Stone)

Nghệ thuật sống không phải thể hiện ở việc bạn tìm cách chối bỏ khó khăn mà là ở việc bạn học cách trưởng thành từnhững khó khăn đó.  (Maxwell Winston Stone)

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy đừng là loài chim bé nhỏ cam chịu nhốt mình trong lồng mà hãy luôn là đại bàng tung cánh tự do khắp không trung.(Max)

Tìm kiếm cơ hội trong mỗi khó khăn là một trong những bí quyết sống tuyệt vời nhất. (Maxwell Winston Stone)

Trong mỗi con người đều tiềm ẩn những kho tàng vô cùng quý giá mà không ai khác có thể sở hữu được. 
(Maxwekk Winston Stone)

Mọi phiền toái bạn gặp trong cuộc sống đều có lý do của nó: chúng giúp bạn học hỏi thêm điều gì đó.  
(Maxwell Winston Stone)

Cây trái chỉ chín,quả hạt chỉ mẩy tròn khi được hấp thụ đủ cái lạnh của sương giá.
Cuộc sống cũng vậy,chỉ tươi đẹp và đấy ý nghĩa khi đã nếm trải những nỗi buồn đau. 
(Max Winston Stone)

Trái đất luôn tròn vì vậy bạn chẳng thể nào nhìn thấy phía cuối con đường đi.  (Isak Dinesan)

Tôi xin mọi điều để tận hưởng  cuộc sống. Người lại ban cuộc sống để tôi tận hưởng mọi điều.(Khuyết danh)

Nếu đã từng gục ngã,hãy vững lòng đứng lên.
Điều bất ngờ là phần lớn mọi người thà chết chứ không chịu thay đổi. (Maxwell Winston Stone)
 
Để nhận ra điều tốt đẹp trong mọi việc,bạn có thể sẽ phải trả giá bằng sự đau khổ, buồn giận và cả lòng ghen tỵ.
(Maxwell Winston Stone)
 
Không bao giờ là quá trễ để thay đổi bản thân theo những gì bạn muốn một khi bạn vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống này. (Maxwell Winston Stone)
 
Sẽ có lúc bạn trở nên mạnh mẽ hơn từ những gì đã từng làm bạn tổn thương. (Ernest Hemingway)

Khi một ai đó chết đi thì không có gì đảm bảo rằng người ấy đã từng sống 

Nếu bạn không thể là mặt trời thì hãy đừng là những đám mây 

Cuộc sống là chiến đấu và lao động,sự nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ chờ chúng ta trong những nấm mồ 

Anh tự hào rằng anh cứng rắn như đá tảng?Tốt lắm,nhưng hãy coi chừng, rong rêu sẽ phủ lên anh 

Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim 

Thành công là một quá trình chứ không phải là điểm đến


 
Anh hãy chọn lấy một mục đích, nó có thể là mục đích duy nhất của đời anh.   Điđơrốt  
 
Ai không có mục đích thì không thể thấy niềm vui trong trong bất kỳ công việc gì.  Cần nhớ chúng ta tồn tại để làm gì và chúng ta đang cố đạt tới cái   Lêôpácdi  
 
Bao giờ cũng phải luôn luôn có một nơi nào đó để đến.
 
Bạn hãy yêu tự do hơn tất cả và làm điều thiện ở bất cứ nơi nào có thể.             V.Beethoven
 
Bí quyết của sự thành công nếu có - đó là khả năng tự đặt mình vào địa vị người khác và xem xét sự vật vừa theo quan điểm của họ vừa theo quan điểm của mình.
Henry Ford  
 
  Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.    Xukhômlinski  
 
Chúng ta luôn có thì giờ nếu chúng ta sử dụng chúng hợp lý.   W.Gớt  
 
Chưa thử sức thì không bao giờ biết hết năng lực của mình.           W.Gớt
 
Cần lạc quan khi khởi đầu công việc và đầy hoài nghi khi kết thúc công việc    Ghéc-xen
 
Cuộc sống của chúng ta là cố gắng và lao động. Sự nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ chờ chúng ta trong những nấm mồ.
F.Đê-xtô-ep-xki    

Dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống là điều kỳ diệu và đẹp đẽ.    Pautốpxki
 
Đừng che dấu tình yêu và sự dịu dàng của mình cho đến khi bạn lìa đời. Hãy làm cuộc đời bạn tràn đầy sự ngọt ngào. Hãy nõi những lời thân thương khi bạn còn nghe được và tim bạn còn rung động. Henry Ward Beecher
 
Đừng thương tiếc hôm qua, đừng đợi ngày mai, đừng lảng tránh ngày hôm nay.   Ngạn ngữ Pháp 

  Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào.
A.Lincoln
 
Đừng để một ai chẳng nhận được gì khi rời chỗ bạn, cho dù bạn biết rằng không bao giờ gặp lại.   Ngạn ngữ Pháp
 
Đừng đổ lỗi cho số phận. Mỗi điều rủi ro bạn gặp phải đều có nguyên nhân từ chính bản thân bạn.
  
Đọc sách cần phải: một là, thấu hiểu và phê phán; hai là, cùng với bạn bè hoặc trong khung cảnh ra đình, ba là đọc đi đọc lại cái đã đọc, bốn là với cây bút trong tay.
P. Pốt-te  

 
Gieo hành vi bạn sè gặt thói quen. 
Gieo thoí quen, bạn sẽ gặt tính cách. 
Gieo tính cách bạn sẽ gặt số phận.  
 
  
Hãy nói nếu bạn có những lời nói mạnh hơn; nếu không, hãy im lặng.  Euripide

Hãy mỉm cười với mọi người và đặt chân tình trong mỗi cái bắt tay.     Tục ngữ Pháp 

Hành động tốt mà âm thầm là hành động đáng quý nhất .
B. Pascal
 
Hãy sống tốt đẹp đi và nhớ rằng mỗi ngày có một đời sống riêng cho nó thôi.     Sénéca

Hỏi một câu, chỉ dốt trong chốc lát. Không dám hỏi sẽ dốt nát suốt đời. Im lặng là cấp độ cao cả nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng là không biết nói.
Pithagos

Khiêm tốn thật sự không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà chính là nhận ra những chân giá trị ấy
J. C. Hare
 
Không bao giờ làm phiền người khác về những việc mình có thể làm được.     T. Jeffecson

Kẻ thắng không bị ai phán xét, còn kẻ thua thì chẳng được ai quan tâm. Không có lý do cho thất bại - Người ta biết cái cây nhờ quả của nó chứ không nhờ dễ của nó.
 
Khi biết tha thứ, bạn sẽ cười nhiều hơn, biết cảm nhận sâu sắc và dễ thông cảm với người khác.  Bishop
 
Kẻ thất bại là kẻ phạm sai lầm nhưng lại không thể tận được gì từ việc đó.  Elbert Hubbard  
 
Lòng trung thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng một người. Sự thật, lòng tin cậy , tình bạn và tình yêy đều tuỳ thuộc vào đó cả    Elvis Presley  
 
Lí trí có thể mách bảo ta điều ta phả tránh. Còn con tim sẽ chỉ cho ta biết điều phải làm.   Joubert  
 
  Muốn cầu tiến hơn người, ra đời phải biết ngước mặt nhìn lên. Vì nhìn xuống ta thấy hơn người, nhưng nhìn lên, ta chỉ là con số không vĩ đại   Francois Mauriac  
 
Một người nào đó đã chết - điều đó chưa chắc đã phải là người ấy đã từng sống.   X. Letx
 
Một trong những hạnh lớn nhất ở đời này là tình bạn, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có một người để gửi gắm những tâm sự thầm kín.   Manzoni  

Những người lười biếng sẽ không bao giờ biết rằng chỉ trong hoạt động mới có sự nghỉ ngơi.   Daidan  

Nền không chắc mà tường cao thì sự sụp đổ đã nằm sẵn nơi đó rồi.      Hậu Hán Thơ 
 
Người hoàn thiện nhất là người đã giúp ích cho nhân loại nhiều nhất.   Kinh Côran 

Nếu ta hiểu biết kẻ khác như chính ta thì những hành động đáng trách nhất của họ cũng đáng được tha thứ.
André Maurois
 
Nếu muốn thông minh , bạn hãy học cách hỏi hợp lý, cách chăm chú lắng nghe, cách trả lời thông minh và ngừng nói khi không còn gì nói nữa.   G. Lafata
 
Năm tháng đi tới không phải trả tiền. Chỉ có thời gian quá khứ là phải trả giá.  X. Vruplepxki  
 
Ở nhiều người, lời nói đi trước tư tưởng. Họ chỉ biết những gì họ suy nghĩ sau khi đã nghe những gì mình đã nói ra.
A. Bierce 

Ôi! Hãy nhanh chóng yêu đi! Hãy nhanh chóng kết tình thân ái. Cuộc đời ngắn ngủi và chúng ta không có đủ thời gian cho những con tim đồng cảm.   Henry Frederick Amiel 
 
Phải lựa chọn thứ quần áo thích nghi với nhân cách, đừng để nhân cách mình phải chịu mang tính cách của quần áo.
E. Wheeler  
   
Quan điểm cũng giống như những chiếc đồng hồ vậy: mỗi cái chỉ một kiểu nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ tin vào cái của mình. A.Poup  
 
Rất ít người, và hơn nữa, chỉ những người tuyệt vời nhất mới có thể nói một cách giản dị và chân thành: Tôi không biết.  D. Pi-xa-rép  
 
Sở dĩ người ta ít nhớ những điều đã đọc được chính là vì tại người ta tự suy nghĩ quá ít. G. Lin-then-béc  

Sẽ không có sự nghiệp lớn nếu không có thử thách lớn
Vontaire  

Trong đời, có một điều tệ hại hơn thất bại là:không dám thực hiện.   
F. Rudơven   

Tôi nghi tất cả những gì tôi chưa rõ. Thà phải tìm hiểu sự thực suốt đêm còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời.
F. Engels
 
Tuổi trẻ là tuổi không nghi ngờ và ngại ngùng gì cả.
H. Mác  
 
Vinh quang nhất không phải là không bao giờ ngã mà là biết đứng dậy sau mỗi lần ngã.  
 
  Xã hội chỉ thừa nhận và tôn trọng những phẩm chất nào được chứng minh bằng việc làm. Ai không thể chứng minh điều đó thì không được xã hội biết đến và tôn trọng.
A.Hen-vê-ti-uýt  
 
Yêu mọi người, tin vài người và đừng xúc phạm đến ai.   
W. Shakespeare
 
Yêu có nghĩa là đối xử với một ai đó tốt hơn tất cả mọi người tốt hơn với cả chính bản thân mình. Hạnh phúc của tình yêu là ở trong hành động. Tình yêu được thử thách bằng tinh thần sẵn sàng hành động vì người mình yêu.  
Mark Bakov - Oen-lit
 

Suy nghĩ thực tế, cảm nhận những điều đẹp đẽ, mong muốn cái tốt lành; đó chính là mục đích của cuộc sống hướng thiện .   Plato
 
Đời là cuộc đấu tranh liên tục; nó luôn được cải biên với nhưng khó khăn mới. Và chúng ta sẽ chiến thắng nhưng bao giờ cũng phải trải giá.   Mirko Gomex
 
Nếu bạn muốn đi qua cuộc đời không phiền toái thì chẳng nên bỏ đá vào túi mà đeo   V. Shemtchisnikov.
 
Thiên đường ở chính trong ta. Địa ngục cũng do lòng ta mà có .   Chúa Jésus
 
Cuộc sống của chúng ta là cố gắng và lao động. Sự nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ chờ chúng ta ở trong những nấm mồ
Dex-to-ep-xki
 
Hãy can đảm mà sống bởi vì ai cũng phải chết một lần
 
Đừng đi qua thời gian mà không để lại dấu vết
 
Nhiều người đã khóc khi chào đời, phàn nàn khi đang sống và chán chường khi tắt thở
 
Bốn mươi là tuổi già của lớp trẻ, năm mươi là tuổi trẻ của lớp già
 
Bao giờ ta cũng phải luôn luôn có một nơi nào để đến
 
 Những người vui hưởng cuộc sống thì không  bao giờ là kẻ thất bại
 
Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi
Cantauzene
 
Bạn có yêu đời không? Vậy đừng phung phí thời gian vì chất liệu của cuộc sống được làm bằng thời gian.
Franklin      
 
Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ không phải bằng thời gian   Emerson
 
Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta hy vọng quá xa
Ngạn ngữ Latin
 
Đừng sống theo điều ta mong muốn
Hãy sống theo điều theo điều ta có thể
 
Người muốn đi thì số phận dẫn đi
Người không muốn đi thì số phận kéo lê
Ngạn ngữ Latin
 
Đời là một hài kịch đối với những người hay suy nghĩ và là một bi kịch đối với những người đa cảm   G. Suip
 
Mục đích tối trọng của đời người không phải là sự hiểu biết mà là hành động   A.   Haoxlay
 
Cuộc sống như một cuốn sách. Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ được đọc có một lần   Giăng Pôn 
 
Một người nào đó đã chết điều đó chưa chắc chắn đã phải người ấy đã từng sống   X.Letx  
 
Khi con người ta sống chỉ vì mình thì trở thành thừa đối với những người còn lại   I.Rađep
 
Con người có thể chết được là để anh ta biết quý thời gian
I.Rađep
 
Thảm họa của tuổi già không phải là ở chỗ người ta đã già mà là ở chỗ: người ta không còn cảm thấy trẻ trung nữa
O.Uaind
 
Thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được   H.Cason
 
Cuộc sống là nghĩa vụ ngay cả trong trường hợp nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc   W.Gớt
 
Người ta còn sống mà làm gì, khi mà sau gót giày, gió quét sạch ngay dấu tích cuối cùng của ta   S.Xvâygơ
 
Khi không còn ai ghen tị với bạn thì hãy xem lại liệu mình đã sống đúng chưa   M.Ghenin
 
Người nào có thể làm mỗi giây phút đều tràn ngập một nội dung sâu sắc thì người đó sẽ kéo dài vô tận cuộc đời mình
I.Cuôcxơ
 
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý
A.Einstein
 
Người hạnh phúc nhất không cần phải có mọi thứ tốt nhất, họ chỉ là người làm cho mọi việc, mọi chuyện đều diễn ra theo ý họ. Hạnh phúc thường đánh lừa những ai khóc lóc, những ai bị tổn thương, những ai đã tìm kiếm và đã thử. Nhưng nhờ vậy, họ mới biết được giá trị của những người chung quanh họ.
 
Điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào   - Bailey
 



Giọt lệ nàng Vân


Một lời chị cậy trao duyên
Chẳng yêu – em phải trọn nguyền chàng Kim
Gối chăn xô lệch bao đêm
Nỗi đau hạnh phúc im lìm, Kiều ơi!
Chị dù luân lạc xa xôi
Vẫn làm đau đáu mắt người tình xưa
Còn em là vợ - như thừa
Lấy người yêu chị sớm trưa bẽ bàng!
Bao lần chị trổi tiếng đàn
Cung Thương rỏ máu lỡ làng bi thương
Em không lụy kiếp đoạn trường
Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu
Em không là mối tình đầu
Không là tình cuối – sao sầu triền miên
Chị từng xót mộ Đạm Tiên
Có đau vì đứa em hiền thế thân?
Đa đoan Kiều vướng nợ trần
Vân em – cũng bóng mây Tần thế thôi!
Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi
Ba trăm năm biết ai người khóc em?
Tháng 6 - 2004
Đặng Quốc Khánh

Đọc bài thơ Giọt lệ nàng Vân của Đặng Quốc Khánh
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã nhận được bao tấm lòng đồng cảm của thế hệ sau. Trong một hướng tiếp cận mới, các thi nhân đời nay lại dành nhiều sự cảm thông hơn cho nàng Thúy Vân - vốn được xem như là đối trọng của Thúy Kiều về sắc – tài, tình - hiếu. Bởi lẽ bắt đầu từ đêm trao duyên thấm đẫm nước mắt của Kiều cũng là bắt đầu những giọt nước mắt đoạn trường – phía khuất của một bi kịch số phận nữ nhi: bi kịch Thúy Vân. Đã từng có một Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương đã mổ xẻ tấn bi kịch này. Và bây giờ là Giọt lệ nàng Vân của Đặng Quốc Khánh! Hình như với hướng tiếp cận này, người đọc mới thấm thía hơn ý nghĩa tên gọi mà Nguyễn Du chính thức đặt cho tác phẩm của mình : Đoạn trường tân thanh (Tiếng nói mới về một nỗi đau đứt ruột).
Không phải ngẫu nhiên mà khi viết về Truyện Kiều, cảm về nàng Kiều thì hầu hết các nhà thơ đều chọn thể thơ lục bát để chuyển tải thông điệp tri âm với tấm lòng Nguyễn Du. Và như thế mỗi người lại có một nàng Kiều khác trong lòng mình. Nhưng ở đây là cảm về Thúy Vân, nói về Thúy Vân, Đặng Quốc Khánh đã có một hướng cảm khác hơn so với Trương Nam Hương. Thi sĩ họ Trương vẫn chủ yếu đem đến một Thúy Vân hiền lành chịu đựng đến đáng thương, còn Đặng thi sĩ cho ta một Thúy Vân đau đáu nỗi niềm như gào thét, bàng hoàng cho bi kịch chính mình! Tôi nghĩ anh cũng phải là người đã nằm lòng Truyện Kiều lắm lắm mới dám phác hoạ một chân dung Thúy Vân với tất cả những phát hiện khá độc đáo của mình. Tư duy của Đặng Quốc Khánh tỉnh hơn trong sự phân tích biện chứng từ mối quan hệ tình chị - duyên em này.
Người đời dễ cảm thông Kiều mà quên lãng Thúy Vân. Nàng cũng tưởng chừng chìm vào sự quên lãng của chính tác giả Truyện Kiều khi kết thúc tác phẩm với màn đại đoàn viên: Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột này là em dâu… Phải chăng vì thế mà nỗi đau lặng lẽ của nàng Vân sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt? Ta ngỡ giọt lệ thầm của Thúy Vân bắt đầu từ đây: Nỗi đau hạnh phúc im lìm Kiều ơi!. Người em song sinh Thúy Vân tuy không được Nguyễn Du tô đậm những phẩm chất đa sầu đa cảm như Kiều, nhưng có lẽ nào nàng không cảm nhận thấm thía thân phận đàn bà khi phải trả giá Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu!? Đặng Quốc Khánh đã nhận ra sức nặng của bi kịch đời sống gia đình nhạt nhẽo trong hàng loạt những cảm giác: gối chăn xô lệch, bẽ bàng, phấn hương nhạt màu, sầu triền miên, bóng mây Tần. Nỗi đau bắt đầu từ một sự hy sinh mà phũ phàng thay lại không được một dòng an ủi, không có giọt lệ nào dành riêng cho Thúy Vân! Bản thân nàng cũng không dám khóc một lần cho riêng mình trong suốt Truyện Kiều. Chàng Kim có lẽ không phải kẻ vô tình, nhưng trái tim có qui luật của nó, để chừng ấy năm sống cùng Thúy Vân là chừng ấy năm chàng đi tìm tin tức Kiều nhi - tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Cái trớ trêu của mối duyên hờ Kim Trọng – Thúy Vân lại bắt nguồn từ khoảnh khắc cậy em, em có chịu lời của Kiều – mà Đặng Quốc Khánh đã lảy ra rất khéo làm nên khởi đầu của giọt-lệ-nàng-Vân : Một lời chị cậy trao duyên…
Thế mới hay, trong cái lặng thầm của duyên - phận Thúy Vân, cũng dồn chứa bao nỗi đau, bao cảm giác lỡ làng bi thương, đáng nói nhất là tình trạng cuộc sống chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai của hai chị em sau màn đại đoàn viên cũng tiềm ẩn bi kịch và quả là một kết thúc không có hậu cho Thúy Vân:
Em không là mối tình đầu
Không là tình cuối – sao sầu triền miên?
Có lẽ muôn sau cũng không ai trả lời cho câu hỏi này xung quanh số phận Thúy Vân. Bởi thế, tác giả Giọt lệ nàng Vân cũng đã mượn ý Tố Như cất lên câu hỏi giùm nàng: Ba trăm năm biết ai người khóc em? Vâng, nàng đơn độc hơn cả Thúy Kiều bởi suốt đời không tìm được kẻ tri âm cho riêng mình. Phải chăng khi Kiều tìm lại được chàng Kim thì nàng Vân mới thấm thía cảm giác ai tri âm đó, mặn mà với ai? Đoạn trường tân thanh là thế chăng?
Trần Hà Nam
( Trường chuyên Lê Quí Đôn Qui Nhơn )

Chuyện ông Móng
Nguyễn Huy Thiệp
 
Mấy năm trước nghe nói ở ngoại thành có một chợ bán phân nổi tiếng, " độc nhất vô nhị " nên tôi tò mò đến xem

Chợ phân họp chừng một giờ đồng hồ từ 3 giờ sáng đến 4 giờ sáng ở ngay bên đường đi Sơn Tây. Đây là vùng trồng rau, trồng cà nổi tiếng. Giống cà pháo, cà bát rất hợp với việc bón phân tươi, nhất là phân người. Người ta cũng dùng phân để bón cho lúa, nhưng phân bón cho lúa phải được ủ cho mục ra, cho chín phân. Thế nào là ủ phân ? Phân tươi có nhiều loại : phân trâu bò, phân lợn, phân gà (gọi chung là phân chuồng), phân người (còn gọi là phân bắc) nhưng được ưa quý hơn cả là phân lợn, phân gà. Phân lợn quý vì nó mát, có thể dùng ngay, bón được ngay cho cây, mà cây nào cũng hợp. Phân gà cũng quý nhưng phân gà nóng, chỉ hợp bón cho cây ớt mà thôi. Riêng phân người (phân bắc) có lẽ bởi có nhiều đạm, nhiều chất khó phân huỷ nên bón trực tiếp thì cây xót, chết ngay. Riêng chỉ cây cà là chịu đựng được, lại hợp với việc bón loại phân này. Nhìn chung, tất cả các loại phân đều phải được ủ thì mới nên dùng. Người ta đào một cái hố ở ruộng, chất phân vào cùng với tro, trấu, rồi trát bùn non trộn với rơm bên ngoài, trông như một cái mả, để đấy chừng dăm bữa nửa tháng cho ngấu dần. Phân được ủ chín, cứ thế mục ra, oải ra. Những con dòi ăn hết phân cũng chết đi, bản thân nó cũng hoá thành phân.

Khi tôi đến thăm chợ phân thì chợ đang họp. Đây là chợ phân tươi, hoàn toàn không có phân ủ (phân chín) không có phân xanh (phân làm từ các loại lá cây) hay phân hoá học. Cũng rất ít có phân chuồng, tức là phân lợn, phân gà hay phân trâu bò. Tất cả đều là phân người.

Phân người được cho vào những thùng gò bằng tôn như thùng gánh nước. Cũng có một số người dùng thùng gỗ hoặc cho phân vào sọt (sọt được lót bằng bao ni-lông). Có lẽ phần lớn phân ở đây đều được lấy từ các nhà xí công cộng trong thành phố ra, nhiều thùng phân còn thấy lẫn cả giấy vở học sinh hay giấy báo.

Chợ phân không đông, chỉ có chừng hơn ba chục người vừa mua vừa bán. Hình như họ vốn đã quen biết nhau và khá thuộc " mặt hàng " của nhau nên việc mua bán thoả thuận cũng nhạnh Dưới ánh đèn cao áp tựa như ánh trăng và không khí hơi lạnh buốt, chợ phân cũng có phần nào giấu đi được sự bẩn thỉu, sự nghèo hèn, lam lũ và cần lao.

Những người bán phân đều bịt mặt hay đeo khẩu trang. Tất cả đều bán mua, mua bán một cách âm thầm chịu đựng, ít nhất đấy cũng là cảm giác ban đầu của tội Không có ai nói to tiếng hoặc mặc cả ráo riết như ở các chợ khác, chỉ trừ có mỗi một người, người này có vẻ như " ông chủ chợ ". Ông ta khoảng 60 tuổi, dáng người thấp đậm, đầu húi cua, mắt trố, quai hàm bạnh, ngực nở nang, chân tay rắn chắc. Ông ta không đeo khẩu trang hay bịt mặt, hoàn toàn chẳng có vẻ gì sợ hãi hay ghê tởm khi phải tiếp xúc, đụng chạm với các thùng phân bẩn thỉu và các dụng cụ dơ dáy ở đây. Tôi để ý thấy ông ta không mua, cũng không bán nhưng ông ta đi đi lại lại, nhắc nhở mọi người, xem xét, đánh giá từng thùng phân, bông đùa, góp ý cho những ai còn đang băn khoăn hay lưỡng lự. Ông ta khá linh hoạt, lanh lẹn. Sự linh hoạt của ông ta khiến cho phiên chợ sôi nổi hẳn lên nhưng cũng có vẻ gì khá bất nhẫn. Ông ta như một vị nhạc trưởng, như người giữ nhịp điệu cho cả phiên chợ quái đản này.

Có mấy người đôi co về hai sọt phân của một phụ nữ. Người phụ nữ này ăn mặc quần áo như một nhân viên Công ti vệ sinh. Người phụ nữ cầu cứu "ông chủ chợ " :

- Bác Móng ! Phân này của cháu mà chê là chua thì có ức không ?

Ông Móng (tức " ông chủ chợ ") đến gần xem xét. Ông ta dùng một cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một cái đũa cả sục sâu vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi. Một con nhặng xanh bay nhoằng ở ngay trước mặt ông ta. Ông ta lùi một bước, quắc mắt, chuyển cái gắp phân từ tay trái sang tay phải rồi ước lượng đón đầu đường bay của con nhặng xanh, đập véo một cái vào không trung. Ông ta hô lớn :

- Chết này !

Sau tiếng hô người ta thấy con nhặng xanh ngã vật xuống ở giữa sọt phân. Ông ta bình thản bảo người mua hàng :

- Phân tốt đấy, không chua đâu ! Chắc hố xí nhà này gần chỗ làm đậu phụ nên có nước đỗ tương lẫn vào !

Người phụ nữ bảo :

- Vâng đúng ! Trong phân vẫn còn vỏ đỗ tương đây này !

Ông Móng bảo :

- Phân của mày hôm nay không đậm như phân hôm qua ! Nát nhẽo nát nhèo... Thôi thì giảm một giá...

Người phụ nữ bảo :

- Cháu gánh kẽo kẹt suốt từ cửa ngoài ô đến đây, nặng ơi là nặng. . .

Ông Móng bảo :

- Cho chết ! Ai bảo tham múc nhiều nước vào. . . Mày phải chắt cho kiệt nước đi thì phân mới ngon !

Ở cuối chợ có ai trút hai thùng phân sang hai cái thúng sơn bị đổ ra đường. Ông Móng quát :

- Vét ngay ! Vét cho thật sạch ! Ban ngày người ta mà thấy phân dây ra đường là không còn để cho họp chợ nữa đâu !

Người bán hàng vét phân bằng một dụng cụ làm bằng tôn hơi giống như một cái thìa xúp to, có cán dài, cái này cũng gọi là móng. Tuy đã vét sạch nhưng trên mặt đường nhựa vẫn lầy nhầy một lớp váng nước bu đầy ruồi nhặng. Ông Móng đi đến, bắt người kia phải đi múc nước từ một con mương gần đấy lên để rửa đường.

Một thanh niên trẻ, người gầy nhẳng đẩy một xe phên đi đến. Đây là chiếc xe vẫn dùng để gom rác nhưng được sửa đi để đựng phận Những người không bán được hàng (ế hàng) hoặc hàng xấu (tức là phân lõng bõng toàn nước hay nhiều dòi quá) đều trút cả vào xe cho anh tạ Anh ta mua hết nhưng đều với giá rẻ, mọi người gọi là giá bèo, giá vứt đi, giá hết chợ. Ông Móng và anh này có vẻ thân nhạu Ông Móng khen :

- Làm được nhà, lấy được vợ chỉ nhờ vào phân ! Thế là nhất !

Anh ta cười, vẻ mãn nguyện, lấy thuốc lá ra mời ông Móng. Hai người đứng hút thuốc lá, bàn tán những chuyện gì đó không rõ nhưng nghe loáng thoáng có câu " nhất nghệ tinh, nhất thân vinh " với " sinh ư nghệ, tử ư nghệ ". . .

Phía cánh đồng ngoại thành bóng tối lễnh loãng dần, bắt đầu mờ mờ nhìn rõ mặt người. Những tia mặt trời đầu tiên hân hoan báo hiệu một ngày mới đang đến dần. Những tiếng rung động đầu tiên rất khẽ rồi cứ thế lan toả ra, lớn dần lên, liên hoàn ầm ào như có muôn ngàn tiếng sóng vỗ, như có muôn ngàn tiếng chim đập cánh, như rùng rùng tiếng dậm chân của cả đoàn người. Tiếng còi xe lửa, tiếng còi ô-tô lảnh lót vang lện Thành phố bắt đầu cựa mình thức dậy như một con mãnh thú to lớn, như một tên khổng lồ vĩ đại có rất nhiều tham vọng phàm tục, có rất nhiều ước mơ táo bạo cùng với năng lực ẩn tàng. Hắn vừa chậm rãi, lại nhanh nhẹn, vừa ngáp ngủ, lại tỉnh thức. Người ta không thể lường được một ngày của hắn rồi sẽ thế nào, hắn sẽ làm gì, hắn sẽ bắt đầu bữa tiệc thịt người ngay tức khắc hay sẽ hào hiệp vung tay gia ân rải bạc vàng lên khắp chốn cùng nơi như một đế vượng Thành phố ! Đấy là bao nhiêu nỗi kinh hoàng, bao nhiêu niềm vui hoan lạc ! Thành phố ! Ở đấy có cả biết bao cảnh giới thiên đường và sự đoạ đầy trong tầng tầng địa ngục !

Những người họp chợ phân tản đi rất nhanh, loáng cái chẳng thấy còn một người nào, cứ như là chui xuống đất. Ông Móng đi dọc cái chợ không còn một ai xem xét. Không biết ông ta lấy đâu ra một cái chổi nan dài, chỗ nào còn rớt lại ít phân thì ông ta dùng chổi rấp ngay vào bên rệ đường như để phi tạng Xong xuôi ông ta bước xuống con mương gần đấy rửa tay rồi lững thững đi vào quán phở vừa mới mở cửa bên đường. Ở đây ông được đón tiếp như một khách hàng quen biết thường xuyên đặc biệt. Chủ quán biết rõ ông thích ăn gì và ăn thế nào.

Sau lần tôi đến chợ phân, tôi đã làm quen với ông Móng, tìm cách trò chuyện với ông ta nhưng ông ta kín như bựng Tôi cũng đã nghe thiên hạ kể về ông ta nhiều chuyện nhưng đều " bán tín bán nghi ", chẳng biết thực hư thế nào.

Bốn chục năm trước, Móng là một thanh niên nông thôn chất phác. Anh ta sống ở một làng quê ven thành. Lớn lên Móng đi lính, đã từng sang Lào và Campuchia. Cũng có người nói hồi trẻ Móng khá tài hoa, cầm, kỳ, thi, hoạ đủ mùi.

Một dạo, đóng quân ở một vùng xa, Móng có làm quen và yêu một cô gái Chặm Cô gái tóc xoăn, da nâu, nồng nàn như lửa. Anh lính nhà quê chất phác si tình như bị hớp hồn. Họ kéo nhau vào rừng trước một pho tượng đá cổ tạc những hình thù kỳ dị mà mãi về sau Móng được nghe giải thích là tượng linga. Móng đòi cô gái trao thận Cô gái bắt Móng phải thề chung thuỷ với cộ Nửa đùa nửa thật, Móng thề :

- Nếu tôi không chung thuỷ với em thì suốt đời tôi đi hót cứt !

Cô gái vui vẻ, tự nguyện trao thận Sau đó Móng đã chuyển đi nơi khác. Anh ta quên ngay cô gái người Chặm Cuộc đời chinh chiến giang hồ bôn ba khắp nẻo, sau này Móng cũng đã nhiều lần gặp gỡ không ít những cô gái khác. Hết chiến tranh trở về quê quán, giống như nhiều người đàn ông có giáo dục và lương thiện khác đã qua thử thách, Móng lấy một cô gái làng, lập gia đình và sống cần cù, gương mẫu.

Tôi nghe kể nhưng không tin lắm vào câu chuyện trện Tôi hỏi ông Móng và biết ông làm việc ở chợ phân này mấy chục năm nay tình nguyện và không vụ lợi. Nhiều người cũng đã xác nhận việc ấy với tội Không có lẽ ông lại có tình yêu và lòng say mê với phân như khối người dở hơi chúng ta vẫn say mê văn chương nghệ thuật, toán học, chính trị hay đồ cổ ? Tôi có mang chuyện này trao đổi với một nhà sự Ông bảo :

- Sám hối vẫn thường là một nhu cầu tâm linh của người ta khi đã về già. Thế nào gọi là sám ? Thế nào gọi là hối ? Sám có nghĩa là ăn năn về những lỗi lầm mình đã phạm từ trước. Các nghiệp ác, các tội ngu si mê chấp, kiêu ngạo khinh mạn. . . hoàn toàn xin ăn năn hối lỗi, từ nay về sau không còn gây ra nữa. Thế gọi là sám. Hối có nghĩa là hối cải những điều lỗi có thể phạm phải sau này. Các nghiệp ác, các tội ngu mê, kiêu ngạo, ngông cuồng, ghen ghét. . . đã được giác ngộ sẽ phải dứt bỏ hẳn, không gây ra nữa. Thế gọi là hối, gọi chung là sám hối. Kẻ phàm phu mê chấp chỉ biết ăn năn những tội lỗi đã phạm phải từ trước mà không biết hối cải những tội lỗi về sau của mình thế là tội trước chưa diệt, lỗi sau lại sinh, vậy chưa thể gọi là sám hối được. Mỗi một thiện trí thức phải nung nấu lắm !

Tôi ngồi nghe, không hoàn toàn bằng lòng với cách giải thích như trên vì thấy ông Móng không có vẻ gì đang là người ăn năn sám hối. Tôi cũng đã dò hỏi về " linga " và các quan niệm về quả báo của người xựa Trong bái vật tổ - tôn giáo nguyên thuỷ (nhiều người coi là tà giáo) - hình tượng âm vật, dương vật giao cấu cũng khá phổ biến, chưa nghe nói vì báng bổ mà đến nỗi phải rước tai hoạ gì. Chắc chắn không hề có chuyện mê tín ở đậy Tiếp xúc với ông Móng, tôi thấy ông là người vô thần, cũng khá hồn nhiên chất phác yêu đời. Tôi băn khoăn quá, giải thích chuyện này cho thật thấu đáo kể cũng đau đầu.

- Không tôn giáo, không chính trị, không vụ lợi, không " sếch-xy " - Ông Móng bảo tôi - Nghề hót phân trên đời là nhất !

NGUYỄN HUY THIỆP
Hà Nội, xuân Tân Tị 2001