Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

VÊ LOẠI THƠ SIÊU THỰC... (ST)


Dưới đây là một số trích dẫn trong bài nghiên cứu BÀN VỀ YẾU TỐ "SIÊU THỰC " TRONG THƠ của Trần Mạnh Hảo:
- "Cái cốt tử của thơ trước hết và sau cùng vẫn cứ phải là thơ, vẫn phải đạt được cái hay, cái đẹp. Mỗi câu thơ hay, mỗi bài thơ hay, hầu như đều có thể đem đến cho thơ một mới lạ, một cái gì khác trước. Nếu thơ chỉ cốt lấy cái mới lạ làm mục đích mà bỏ quên cái hay, thơ ấy không còn là chính nó. Ví dụ như cô nàng X. nào đó có thân hình xinh đẹp, đột nhiên biến thành quạ. Chuyện này lạ quá, mới quá; nhưng cô gái kia không còn là con người nữa rồi. Thơ không cần học cách biến mình thành quạ mới làm thiên hạ chú ý, ngạc nhiên".

- "Họ làm thơ như đánh đố theo kiểu đánh quả tù mù, tắc tị, bí hiểm, vô nghĩa, rồi gắn cho thơ mình một cái mác khá sang trọng và thời thượng là thơ siêu thực".

- "Phong trào thơ siêu thực phương Tây đã đi vào quá vãng, đã hết thời từ lâu. Nhưng nó còn để lại sau lưng mình cả một nền bã mía đủ cho hàng nghìn hậu duệ hậu siêu thực làm của ăn đường trong công cuộc kiếm tìm thơ, dù là sự kiếm tìm vô vọng".

- "Các bạn không hiểu chúng tôi làm gì phải không? Này bạn ơi, chúng tôi còn không hiểu bằng các bạn !". Thực ra, khuynh hướng siêu thực chỉ là màn biểu diễn thứ hai của dada..."

- "Họ tuyệt đối hóa cái dị thường, cái ngẫu nhiên khách quan, cổ xúy cho gây hấn, loạn hành tình dục, đồi bại, trái khoáy, ba trợn, phỉ báng, ngạo mạn, phi lý, hài hước, điên loạn, hoang dã...Họ tôn vinh truyền thống ma thuật, huyền học, thấu thị thời trung cổ và Phi châu cùng các món thuốc tễ :thuyết quái, kích dục, bạo ngược...làm tiên sư, làm tiền bối"

- "Nói tóm lại, thơ siêu thực chính là quá trình vô nghĩa hóa thơ, phi lý hóa, phi ý thức hóa nghệ thuật, coi vô thức, ma mị, đồng bóng, bói toán là con đường duy nhất của thơ. Nếu cứ xét những tiêu chí khá tào lao, khá vô nghĩa của trường phái này, thì không thể có một bài thơ nào đáng mặt được gọi là thơ siêu thực, kể cả thứ thơ chính hiệu của những thi hữu siêu thực đi chăng nữa. Bởi vì, nếu cứ hội đủ những nguyên tắc trên của siêu thực chủ nghĩa, thì than ôi nàng Eva thi ca tuyệt mỹ ngày nào đã hóa thành quạ mất, nghĩa là thơ đã bị vong thân, không còn là thơ nữa"

- "Chủ nghĩa siêu thực đòi xóa sổ ý thức trong sáng tạo nghệ thuật, coi vô thức là con đường duy nhất đến thi ca, phải chăng chính là muốn xóa bỏ vai trò người trong nghệ thuật, để rong rêu hóa, ếch nhái hóa thi ca?"

- "Thực ra, các nhà lý thuyết của phái dada, phái siêu thực đều ngụy biện cả, vì khi họ hô hoán đuổi cổ ý thức, đuổi cổ cái biết, cái hiểu ra khỏi ngôi nhà nghệ thuật, thì họ vẫn dùng chính ý thức để phán ra "cái đạo vô thức" của mình đó sao?"

- "Thơ hay là của mọi nhà, ngay cả kẻ không biết chữ nghe cũng sướng lòng, chứ không phải thơ đọc lên đến chính nhà thơ còn không hiểu ông ta viết gì"


Sau đây là trích dẫn trong bài nghiên cứu "Hình ảnh trong thơ siêu thực" của Đào Duy Hiệp:- "Chủ nghĩa tượng trưng đề nghị thơ không phải là miêu tả, kể chuyện, mà phải chạm tới bản chất của sự vật, bên kia cái vẻ bề ngoài của nó -, thơ phải sử dụng tượng trưng (symbole), mang tính khơi gợi, tính lỏng, tính nhạc, tính phù chú"

- "Tạo ra từ ngôn ngữ một công cụ có khả năng gọi hồn và gợi nhắc, thơ không được kể chuyện, “không phải miêu tả sự vật, mà là kết quả cái sự vật đó sản sinh ra"

- "Thơ siêu thực được sinh ra từ hai phát hiện lớn: cái viết tự động và hình ảnh. Khi thơ thiếu vắng vần luật thì hình ảnh quyết định cho bài thơ. Hình ảnh trong thơ siêu thực là “những va đập chói lòa của từ ngữ”

- "Những hình ảnh này (xin bỏ qua dẫn chứng thơ) là thơ siêu thực. Những câu thơ rất giàu trí tuệ, xúc cảm".

- "Tôi nghĩ, thơ siêu thực đã để lại ba ảnh hưởng: 1) Tích cực, chủ động chống lại sự xói mòn, xơ cứng của từ, tìm nghĩa mới cho từ; 2) Một ý thức lao động chuyên nghiệp cộng với tri thức, trí tuệ, thường trực tìm kiếm hình ảnh mới, lạ từ “sự va đập chói lòa của từ”; 3) Làm nảy sinh những ý nghĩa, cái nhìn mới, đẹp vào cuộc đời, con người từ kết quả của những hình ảnh đó".

Cuối cùng, xin đưa ra một số ý kiến của Phan Ngọc trong bài nghiên cứu "Thơ là gì ?":

- "Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này"

- "Có những cảm xúc liên quan đến những thèm khát của kiếp người. Có ba loại: Loại khao khát không bao giờ thoả mãn được, nhưng giới hạn của nó ngày càng giảm bớt. Có loại khao khát hôm nay tôi chưa đạt được, nhưng trước đây hay ngày mai thế nào cũng đạt được. Cuối cùng là loại khao khát tôi đã đạt được cho tôi, nhưng vẫn có những người chưa đạt được và mơ ước của tôi là toàn thể loài người phải đạt được khao khát ấy. Cảm xúc do thơ gợi lên chính là cái khao khát tôi cảm thấy với tính cách kiếp người, cá nhân hay loài người."

- "Tại sao cô vũ nữ ba lê đi trên đầu ngón chân cho khổ? Ðứng cả hai bàn chân cũng được chứ sao? Nhưng chỉ cần cô đứng trên hai bàn chân là cái thế giới bay bổng của trí tưởng tượng biến mất. Cô quay tròn trên đầu ngón chân như vậy thì ta mới có thể chấp nhận rằng cô nói với cái thế giới của mơ ước"

- "Hết nghệ sĩ này, đến nghệ sĩ khác đưa ra những cách lý giải của riêng mình, nhìn chung đều là những cách quái đản hóa của họ."

- "Vô số kiểu quái đản hóa rơi rụng đi, vì nó không đáp ứng nhu cầu nội tâm của một số người đông đảo. Nhưng cũng có nhiều cách quái đản hóa tồn tại, trở thành thời thượng và nhập vào cách lý giải được xã hội chấp nhận. Một khi đã nhìn theo quan điểm này thì từ, nhịp, vần, phách, thể loại, trường phái... cái gì cũng có nội dung của nó và nội dung ấy là những kiểu quan hệ"



Chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) là một trào lưu nghệ thuật xuất hiện vào những năm 20 thế kỷ XX ở Pháp. Chủ nghĩa siêu thực, một mặt dựa vào triết học trực giác của Bergson, mặt khác dựa vào phân tâm học của Freud. Thậm chí, nhiều luận điểm của chủ nghĩa siêu thực ngày nay người ta thấy còn rất gần với tư tưởng Thiền.Chủ nghĩa siêu thực có nguồn gốc từ chủ nghĩa lãng mạn thần bí Đức, đặc biệt là Novalis, và một số nhà thơ như Lautréamont, G.Apollinaire và họa sĩ G.Chirico. Nhưng chủ nghĩa siêu thực chỉ thực sự hình thành với André Breton và các bạn của ông sau khi nhóm Dada tan rã vào năm 1924. Cũng năm này, tạp chí Cách mạng siêu thực (La Révolution surréaliste), cơ quan phát ngôn của nhóm, được thành lập. Ra đời trong môi trường văn học, nhưng chủ nghĩa siêu thực có ảnh hưởng rộng rãi đến hội họa (S. Dali, S. Miro...), điện ảnh (J. Cocteau, W. R. Benet...). Tư tưởng mỹ học của chủ nghĩa siêu thực được trình bày trong những bản Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực do nhà thơ André Breton (1896-1966) và trong những tác phẩm có tính cương lĩnh của các lý thuyết gia của nó, như L.Aragon, Ph.Soupault...

Các nhà siêu thực kêu gọi giải phóng cái tôi khỏi “gông cùm” của lô-gích, lý trí, đạo đức và mỹ học truyền thống, bị coi là sản phẩm quái gở của nền văn minh tư sản, cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Vậy nên, theo các nhà siêu thực, hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối - tức siêu thực - là hiện thực bị “cầm tù” trong vô thức, cần phải được giải phóng và được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật.Cơ sở phương pháp sáng tạo của chủ nghĩa siêu thực, theo A.Breton, là “sự tự động của tinh thần thuần túy nhằm mục đích thể hiện bằng lời nói, hoặc chữ viết, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác sự hoạt động hiện thực của tư tưởng. Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào của lý trí, hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ”. Nhà nghệ sĩ, bởi vậy, cần phải dựa vào kinh nghiệm của những biểu hiện vô thức như giấc mơ, ảo giác, sự mê sảng, hồi ức ấu thời, linh ảnh thần bí..., “nhờ vào đường nét, mảng khối, hình thể và ánh sáng, nghệ sĩ phải cố gắng thâm nhập vào phía ấy của con người, phải đạt được sự vô hạn và sự vĩnh cửu”. Hiệu quả của sự tác động thẩm mỹ của tác phẩm siêu thực dựa trên sự tuyệt đối hóa có ý thức nguyên tắc đối lập nghệ thuật. Xuất phát từ luận điểm của nhà thơ P. Reverdi cho rằng hình ảnh xuất hiện từ “sự xích lại gần nhau của những hiện thực cách xa nhau”, các nhà siêu thực xây dựng tác phẩm hoàn toàn dựa trên những thủ pháp như sự tương tự, cái nghịch lý, sự bất ngờ, sự thống nhất những cái không thể thống nhất được. Từ đó ở tác phẩm xuất hiện một bầu không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, phi lý...

Như vậy, nổi bật lên giữa các trào lưu cách mạng trong nghệ thuật và văn chương của thế kỷ XX, chủ nghĩa siêu thực đã làm đảo lộn các giá trị trí tuệ và siêu thăng các khác biệt giữa những loại hình mỹ học. Trước hết, nó say mê những cái vượt quy củ, bất kể mực thước. Từ đó, nó thường sử dụng lối viết tự động và thủ pháp dán ghép, cũng như các kỹ xảo ngôn ngữ và hình ảnh khác.

Trong thơ, chủ nghĩa siêu thực là hậu thân của chủ nghĩa tượng trưng, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến những hình ảnh cô biệt, những kết hợp phi lý. Thủ lĩnh và phát ngôn nhân đầu tiên của trào lưu thơ siêu thực là André Breton. Ông sinh năm 1896 ở Orne, học Y khoa và sống đời quân ngũ, tham gia câu lạc bộ Apollinaire. Từ 1919 đến 1924, trở thành lý thuyết gia siêu thực, tác giả của ba bản Tuyên ngôn (1924; 1930; 1942). Nhân vật quan trọng thứ nhất bên cạnh Breton là nhà thơ, tiểu thuyết gia rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, Louis Aragon. Mặc dù có vị thế quan trọng như vậy, nhưng sau Aragon lại từ bỏ chủ nghĩa siêu thực trở về với văn chương truyền thống kiểu Balzac. Những ngôi sao nổi tiếng khác như Tristan Tzara, Philippe Soupault, Jacques Prévert... Có những người theo chủ nghĩa siêu thực nhưng không hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc của nó, nhưng cũng rất nổi tiếng như Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Anais Nin, Henry Miller, Charles Henry Ford (Mỹ), Hugh Sykes Davies, Dylan Thomas (Anh), St.J.Perse, Paul Eluard (Pháp)...

Trong hội họa, thủ lĩnh của phong trào là Salvador Dali (1904-1989), sau đó là René Magritte, Max Ernst và Frida Kahlo. Dali là họa sĩ Tây Ban Nha nhưng sống và hoạt động ở Pháp. Đây là một người sáng tạo đã gây ra cho khán giả sự sửng sốt vì những hình ảnh - giấc mơ của hội họa siêu thực. Những họa sĩ khác như Pablo Picasso, Marcel Duchamp, Paul Klee, André Masson, Pavel Tchelitchew... là bạn bè của chủ nghĩa siêu thực, nhưng họ lại nổi tiếng nhờ sự thử nghiệm những loại hình mới. Dường như thành một thông lệ, các họa sĩ siêu thực thích làm thơ, còn các nhà thơ thì lại thích vẽ. Điều này chứng tỏ rằng nội dung sáng tác và thủ pháp nghệ thuật của thơ và họa siêu thực rất gần gũi nhau: thi trung hữu họa, họa trung hữu thi.

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, tuy không có chủ nghĩa siêu thực, nhưng bút pháp hoặc thi pháp siêu thực thì đã được các nhà thơ sử dụng và đạt được những thành công nhất định. Người ta có thể thấy được điều đó đậm nhạt ở Hàn Mặc Tử trong tập Thơ điên, ở Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu Nhã Tập, ở Nguyễn Đình Thi với những bài thơ không vần, ở Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc, ở thơ Ngô Kha và đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn...

Trước đây, do có lúc quá đề cao chủ nghĩa hiện thực, như một giá trị duy nhất, nên chúng ta có phần hạ thấp chủ nghĩa siêu thực. Tệ hơn, là hiểu nhầm, hiểu không đúng nó, do thói “khinh nhi viễn chi”. Hy vọng là với việc trích dịch giới thiệu hai trong số ba Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực và bài viết về Chủ nghĩa siêu thực và hội họa của André Breton của Văn học nước ngoài lần này, bạn đọc, nhất là các nhà làm văn học, sẽ thức nhận lại chủ nghĩa siêu thực, đi sâu vào tìm hiểu nó. Bởi, tuy không còn tồn tại nữa, nhưng chủ nghĩa siêu thực là một chặng đường tự nhận thức quan trọng của văn học với những bài học lịch sử quý giá của nó. Hơn nữa, siêu thực tuy không tồn tại như một chủ nghĩa, nhưng văn học hiện đại không thể thiếu nó với tư cách là những yếu tố...