Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012


Giọt lệ nàng Vân


Một lời chị cậy trao duyên
Chẳng yêu – em phải trọn nguyền chàng Kim
Gối chăn xô lệch bao đêm
Nỗi đau hạnh phúc im lìm, Kiều ơi!
Chị dù luân lạc xa xôi
Vẫn làm đau đáu mắt người tình xưa
Còn em là vợ - như thừa
Lấy người yêu chị sớm trưa bẽ bàng!
Bao lần chị trổi tiếng đàn
Cung Thương rỏ máu lỡ làng bi thương
Em không lụy kiếp đoạn trường
Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu
Em không là mối tình đầu
Không là tình cuối – sao sầu triền miên
Chị từng xót mộ Đạm Tiên
Có đau vì đứa em hiền thế thân?
Đa đoan Kiều vướng nợ trần
Vân em – cũng bóng mây Tần thế thôi!
Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi
Ba trăm năm biết ai người khóc em?
Tháng 6 - 2004
Đặng Quốc Khánh

Đọc bài thơ Giọt lệ nàng Vân của Đặng Quốc Khánh
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã nhận được bao tấm lòng đồng cảm của thế hệ sau. Trong một hướng tiếp cận mới, các thi nhân đời nay lại dành nhiều sự cảm thông hơn cho nàng Thúy Vân - vốn được xem như là đối trọng của Thúy Kiều về sắc – tài, tình - hiếu. Bởi lẽ bắt đầu từ đêm trao duyên thấm đẫm nước mắt của Kiều cũng là bắt đầu những giọt nước mắt đoạn trường – phía khuất của một bi kịch số phận nữ nhi: bi kịch Thúy Vân. Đã từng có một Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương đã mổ xẻ tấn bi kịch này. Và bây giờ là Giọt lệ nàng Vân của Đặng Quốc Khánh! Hình như với hướng tiếp cận này, người đọc mới thấm thía hơn ý nghĩa tên gọi mà Nguyễn Du chính thức đặt cho tác phẩm của mình : Đoạn trường tân thanh (Tiếng nói mới về một nỗi đau đứt ruột).
Không phải ngẫu nhiên mà khi viết về Truyện Kiều, cảm về nàng Kiều thì hầu hết các nhà thơ đều chọn thể thơ lục bát để chuyển tải thông điệp tri âm với tấm lòng Nguyễn Du. Và như thế mỗi người lại có một nàng Kiều khác trong lòng mình. Nhưng ở đây là cảm về Thúy Vân, nói về Thúy Vân, Đặng Quốc Khánh đã có một hướng cảm khác hơn so với Trương Nam Hương. Thi sĩ họ Trương vẫn chủ yếu đem đến một Thúy Vân hiền lành chịu đựng đến đáng thương, còn Đặng thi sĩ cho ta một Thúy Vân đau đáu nỗi niềm như gào thét, bàng hoàng cho bi kịch chính mình! Tôi nghĩ anh cũng phải là người đã nằm lòng Truyện Kiều lắm lắm mới dám phác hoạ một chân dung Thúy Vân với tất cả những phát hiện khá độc đáo của mình. Tư duy của Đặng Quốc Khánh tỉnh hơn trong sự phân tích biện chứng từ mối quan hệ tình chị - duyên em này.
Người đời dễ cảm thông Kiều mà quên lãng Thúy Vân. Nàng cũng tưởng chừng chìm vào sự quên lãng của chính tác giả Truyện Kiều khi kết thúc tác phẩm với màn đại đoàn viên: Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột này là em dâu… Phải chăng vì thế mà nỗi đau lặng lẽ của nàng Vân sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt? Ta ngỡ giọt lệ thầm của Thúy Vân bắt đầu từ đây: Nỗi đau hạnh phúc im lìm Kiều ơi!. Người em song sinh Thúy Vân tuy không được Nguyễn Du tô đậm những phẩm chất đa sầu đa cảm như Kiều, nhưng có lẽ nào nàng không cảm nhận thấm thía thân phận đàn bà khi phải trả giá Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu!? Đặng Quốc Khánh đã nhận ra sức nặng của bi kịch đời sống gia đình nhạt nhẽo trong hàng loạt những cảm giác: gối chăn xô lệch, bẽ bàng, phấn hương nhạt màu, sầu triền miên, bóng mây Tần. Nỗi đau bắt đầu từ một sự hy sinh mà phũ phàng thay lại không được một dòng an ủi, không có giọt lệ nào dành riêng cho Thúy Vân! Bản thân nàng cũng không dám khóc một lần cho riêng mình trong suốt Truyện Kiều. Chàng Kim có lẽ không phải kẻ vô tình, nhưng trái tim có qui luật của nó, để chừng ấy năm sống cùng Thúy Vân là chừng ấy năm chàng đi tìm tin tức Kiều nhi - tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Cái trớ trêu của mối duyên hờ Kim Trọng – Thúy Vân lại bắt nguồn từ khoảnh khắc cậy em, em có chịu lời của Kiều – mà Đặng Quốc Khánh đã lảy ra rất khéo làm nên khởi đầu của giọt-lệ-nàng-Vân : Một lời chị cậy trao duyên…
Thế mới hay, trong cái lặng thầm của duyên - phận Thúy Vân, cũng dồn chứa bao nỗi đau, bao cảm giác lỡ làng bi thương, đáng nói nhất là tình trạng cuộc sống chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai của hai chị em sau màn đại đoàn viên cũng tiềm ẩn bi kịch và quả là một kết thúc không có hậu cho Thúy Vân:
Em không là mối tình đầu
Không là tình cuối – sao sầu triền miên?
Có lẽ muôn sau cũng không ai trả lời cho câu hỏi này xung quanh số phận Thúy Vân. Bởi thế, tác giả Giọt lệ nàng Vân cũng đã mượn ý Tố Như cất lên câu hỏi giùm nàng: Ba trăm năm biết ai người khóc em? Vâng, nàng đơn độc hơn cả Thúy Kiều bởi suốt đời không tìm được kẻ tri âm cho riêng mình. Phải chăng khi Kiều tìm lại được chàng Kim thì nàng Vân mới thấm thía cảm giác ai tri âm đó, mặn mà với ai? Đoạn trường tân thanh là thế chăng?
Trần Hà Nam
( Trường chuyên Lê Quí Đôn Qui Nhơn )