Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Lâm Bình : Những câu chuyện phía sau bài thơ “Tây tiến”



                                                                                        http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=17567&ChannelID=92
(ANTĐ - Chủ Nhật, 27/01/2008, 15:55) - Hầu hết những thế hệ học trò ngày nay đều đã từng được học qua bài thơ “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Một bài thơ mặc dù được làm từ những năm 40 thể kỷ trước nhưng đến nay vẫn được đánh giá là có sức lôi cuốn cả một thế hệ thanh niên, vừa bi sảng, vừa hào hoa.

Những câu chuyện xung quanh “Tây tiến” mà tôi viết lại dưới đây là những câu chuyện lần đầu tiên được kể bởi chính nhạc sĩ Quang Vĩnh - con trai cả của cố nhà thơ Quang Dũng hiện đang sống tại Thái Nguyên.
Ông Quang Vĩnh trong một lần trà dư tửu hậu đã băn khoăn, rằng ông muốn viết lại những câu chuyện về cha mình, nhưng ngại miệng tiếng: người nhà khen nhau. Thế nên, tôi xin tình nguyện làm anh thư lại chép những câu chuyện ấy hầu bạn đọc.

“Tây tiến” đã “bị” sửa như thế nào
Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây tiến năm 1947 và hành quân lên Tây Bắc với nhiệm vụ phối hợp với bộ đội nước bạn để bảo vệ vùng biên giới Việt Lào. Đến tận bây giờ người ta vẫn còn nhớ như in những câu thơ oai hùng về đoàn quân Tây tiến:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm
Ban đầu, bài thơ được Quang Dũng lấy tựa đề là “Nhớ Tây tiến”. Nhưng có một điều là Quang Dũng sáng tác rất nhiều thơ, tuy vậy không hiểu tại sao ông lại có nhiều trăn trở nhất đối với riêng bài thơ này.
Ông Quang Vĩnh kể lại, về sau ông còn nhớ có nhiều lần thấy cha mình ngồi rất lâu trước một cuốn sổ tay băn khoăn về cái tít vỏn vẹn có 3 chữ ấy. Có lẽ “Tây tiến” là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Quang Dũng nên bài thơ thấm đẫm linh hồn đoàn quân hào hoa ngày nào, ông luôn muốn có một sự chỉn chu đến từng câu chữ.
Cuối cùng đến một ngày Quang Dũng lấy bút sổ béng đi chữ “Nhớ”. Mặc dù khi ấy còn nhỏ, nhưng ông Vĩnh cũng đã buột miệng hỏi sau khi thấy cha “bóp trán” hàng năm trời mà chỉ sửa được vỏn vẹn duy nhất một từ: “Chữ “Nhớ” đâu có ảnh hưởng nhiều đến vần điệu bài thơ sao bố nghĩ gì mà lâu thế?”. Khi ấy Quang Dũng chỉ cười mà rằng: “Tây tiến, nhắc đến là đã thấy nỗi nhớ rồi. Thế nên để chữ nhớ là thừa.
Không cần thiết nữa con trai ạ”. Đến quãng năm 1956 có lẽ vẫn chưa “dứt duyên” nổi với “Tây tiến” nên một buổi sáng Quang Dũng lại mang cuốn sổ thơ của mình ra “ngâm cứu”. Rồi như cần đến một người tri kỷ, Quang Dũng gọi con trai lại và hỏi: “Con đọc cho bố nghe cả bài thơ rồi cho nhận xét xem nó thế nào”. Khi ấy tôi còn rất nhỏ - ông Vĩnh nói - mới học lớp 7 nên nào biết cảm nhận văn chương thơ phú nó ra làm sao, thậm chí đọc bài thơ ấy còn thấy hơi... ngang ngang.
Tuy vậy, nhưng ra vẻ con nhà nòi, ông Vĩnh cũng “phán” bừa một câu rằng: “Con thấy câu Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người nghe nó cứ “chối” thế nào.
Hay bố thay cái địa danh khác vào nghe cho nó hợp chứ Mường Hịch nghe nặng nề quá”. Thực ra lúc ấy ông Vĩnh chỉ thấy nó có vẻ không vần điệu lắm với khổ thơ trên, nhưng nghe vậy Quang Dũng ngần ngừ một lát, rồi suy tính thế nào lại mỉm cười nói, thế thì không ổn con trai ạ.
Mãi về sau ông Vĩnh mới vỡ lẽ ra cái sự ngần ngừ không ổn ấy bắt nguồn từ một nguyên do, Mường Hịch còn là một địa danh gắn liền với kỷ niệm bất ngờ của cha mình. Đó là trong một lần hành quân, đoàn quân Tây tiến đã dừng chân ở Mường Hịch gần sông Mã. Người dân nơi đây kể cho Quang Dũng về một con cọp đã thành tinh chuyên bắt người ăn thịt. Rất nhiều dân lành đi rừng đã bị con cọp này vồ mất xác.
Thấy bộ đội có súng nên một số người dân đã ngỏ lời nhờ bộ đội Tây tiến diệt trừ giúp. Vốn là người gan dạ, khỏe mạnh, mới nghe thế máu mã thượng trong người Quang Dũng đã bốc lên. Ông gọi một số anh em trong đơn vị lại rồi lấy một con lợn trói tại gốc cây làm mồi bẫy, còn bản thân cùng anh em chia nhau nấp đợi hổ về.
Nửa đêm, dân làng nghe thấy mấy tiếng súng vọng lại từ rừng già, rồi sau đó là tiếng hổ gầm điên loạn, gần sáng thì thấy Quang Dũng dẫn đầu một tốp bộ đội hớn hở tìm về, người ngợm ướt đẫm sương. Mãi sau này người ta mới biết, lúc bị thương con hổ điên cuồng chống trả, Quang Dũng phải nổ mấy phát súng mới kết liễu được nó. Vậy mà cái địa danh đáng nhớ ấy, suýt nữa thì ông Vĩnh cắt mất của cha mình.

Quang Dũng... còn sống
Mặc dù có người cha là một nhà thơ từng được đánh giá là “nhà thơ mang trong mình dòng máu lãng du vào loại bậc nhất trong thi đàn đất Việt thế kỷ XX” nhưng ông Quang Vĩnh không bao giờ khoe khoang điều đó. Với đám con của mình, ông luôn dặn, ra ngoài đừng bao giờ vỗ ngực là cháu của Quang Dũng cả. Chính vì thế mới xảy ra câu chuyện nực cười.
Đó là khi con gái ông, chị Bùi Phương Lê ngày còn đi học phổ thông, một hôm học đến bài thơ “Tây tiến” của ông nội. Thực ra với chị Phương, bài thơ này đã được chị đọc tới cả trăm lần, đã được ông Vĩnh kể lại cho hàng trăm lần về những kỷ niệm của ông nội trên đường ra trận. Thế nhưng không hiểu sao tiết văn học hôm đó, cả lớp học lại đặc biệt hứng thú với bài thơ này.
Rất nhiều câu hỏi của học sinh đưa ra về nội dung bài thơ cho thầy giáo. Và để chứng minh mình là người am hiểu, ông thầy hôm đó đã cao hứng kể: Mới tuần trước tôi còn ngồi với Quang Dũng dưới Hà Nội. Rằng câu chuyện về đoạn thơ này, nhà thơ Quang Dũng lấy tứ ở đâu, khổ thơ kia lấy cảm hứng chỗ nào. Chính Quang Dũng tâm sự với tôi như thế. Tóm lại là nghe... như thật.
Mặc dù rất băn khoăn, nhưng khi đó chị Lê cũng phải sững sờ vì thực tế khi đó Quang Dũng đã mất được chục năm. Hết giờ học, chị về kể lại điều đó với ông Vĩnh. Không chỉ riêng ông Vĩnh mà cả nhà đều tròn xoe mắt. Riêng bà Bùi Thị Thạch - vợ nhà thơ Quang Dũng, bây giờ vẫn ở chung với con giai trưởng thì cười độ lượng: “Ông mày làm một bài thơ mà bây giờ thành bất tử.
Thế là hơn đứt nhiều người rồi còn gì”. Tất nhiên, câu chuyện Quang Dũng đột nhiên sống lại trong một tiết văn học của học sinh cấp III đến nay chỉ có gia đình nhà thơ biết và mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về Quang Dũng, bà Thạch vẫn tường thuật lại câu chuyện đó như một cách trách yêu ông chồng tài hoa của mình.

Bài thơ Tây tiến đáng giá bao nhiêu?
Bút tích “Tây tiến” của Quang Dũng với nét chữ nắn nót như học trò, bây giờ vẫn được lưu giữ tại nhà ông Quang Vĩnh ở Thái Nguyên. Ông Vĩnh kể, khi mới ra đời, bài thơ này gây được tiếng vang rất lớn bởi khi đó đại đa số chiến sĩ trong đoàn quân Tây tiến là trí thức, học sinh, sinh viên Hà Nội. Nét hào hoa trong từng câu chữ nói về đoàn quân “xanh màu lá” khiến cho không ít thiếu nữ Hà thành có người yêu là lính Tây tiến phải nhỏ lệ.
Chính vì vậy, cho đến mãi tận sau này, có lẽ đây là bài thơ duy nhất của người lính Cộng sản miền Bắc được ngay cả những người lính Ngụy miền Nam cũng yêu thích chép lại trong sổ tay. Nhiều nhà xuất bản dưới thời Việt Nam cộng hòa cũng cho in hàng loạt. Mỗi lần in xong, không biết bằng cách nào, nhưng họ đều gửi sách biếu đến tận nơi. Tuy nhiên, để tránh những sự hiểu lầm đáng tiếc, Quang Dũng đều mang đốt sạch.
Sau này khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bỗng một hôm gia đình Quang Dũng nhận được một lá thư gửi đến từ địa chỉ không quen biết. Nội dung trong thư là của một tỷ phú đất Sài Gòn. Giống hệt như trong chuyện “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân, ông tỷ phú nọ ngỏ lời mời Quang Dũng vào Sài Gòn chơi một chuyến để ông ta được ngồi cùng đàm đạo.
Trong thư, ông tỷ phú tha thiết đài thọ toàn bộ mọi phí tổn chuyến đi, những mong Quang Dũng vào đó và tự tay chép tặng ông ta bài thơ “Tây tiến” để ông ta treo tại bàn làm việc. Lẽ ra với một người hâm mộ thơ của mình như thế thì có lẽ cha tôi cũng đã “chẳng phụ một tấm lòng tri kỷ trong thiên hạ” - ông Vĩnh kể.
Thế nhưng, cuối lá thư, ông tỷ phú nọ lại “dại dột” tái bút: Nếu được ông chiếu cố vào viết tặng cho bài thơ “Tây tiến” thì thù lao chí ít cũng phải là một chiếc Honda. Ngoài ra nếu ông có thể tặng thêm cho vài câu thơ khác thì số quà tặng còn giá trị hơn rất nhiều. Đọc xong lá thư - ông Vĩnh kể tiếp - cha tôi chỉ cười nhạt mà rằng: “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?”. Rồi có lẽ câu chuyện gạ “bán thơ” ấy ông cũng quên khuấy mất trong mớ ngẫu sự thường ngày.
Bằng chứng là sau năm 75 khi có dịp vào Sài Gòn thăm chị gái, ông cũng chỉ ở rịt trong nhà chẳng đi ra đến ngoài. Duy nhất có một lần bà chị gái ép Quang Dũng đi chơi phố thì ông nhất định đòi phải cải trang ăn mặc thành một tay chơi đất Sài Gòn rồi mới chịu bước chân ra đường. ấy thế mà vẫn có người nhận ra.
Lần đó Quang Dũng đứng chọn sách trong một tiệm bán văn hóa phẩm, một người đàn ông trung niên đi ra bỗng vỗ vai ông hỏi: “Ông có phải Quang Dũng - tác giả “Tây tiến” không, tôi nhìn giống bức ảnh trong cuốn sách ở nhà lắm”. Ông Vĩnh kể, không hiểu cha tôi học tiếng Nam khi nào mà ông trả lời ngay: “Ông nhầm rồi, tôi ở Bạc Liêu mới zô”.
Ông Vĩnh nói vui: Có lẽ cha tôi lại sợ có người gạ “bán thơ” nên mới không dám nhận như thế. GS Hoàng Như Mai cũng kể lại: “Sau giải phóng, tôi vào Sài Gòn giảng bài, có đọc sách báo cũ. Về Hà Nội, tôi bô bô với Quang Dũng: Này ông, ở Sài Gòn họ ca tụng ông ghê lắm. Quang Dũng vội xua tay: “Thôi xin ông, ông đừng nói với ai nhé”.
Mặc dù “giàu thơ” như thế, nhưng Quang Dũng lại có cuộc sống hết sức đạm bạc. Bà Thạch, vợ nhà thơ nhớ lại, năm 1960 có một phái đoàn văn hóa nước ngoài sang Việt Nam cứ nhất định đòi đến thăm tư gia tác giả Tây tiến. Căn nhà bé tí tẹo của ông ở 91 Lý Thường Kiệt lại... hơi tồi tàn nên cơ quan “tạm” chuyển ông tới 51 Trần Hưng Đạo nay là trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho đẹp mặt.
Có lẽ muốn giữ thể diện cho những nhà thơ Việt Nam trong con mắt khách nước ngoài nên Quang Dũng đành chấp nhận màn kịch ấy. Ngay cả đến khi bị liệt, Quang Dũng cũng dạo chơi phố phường Hà Nội lần cuối trên chiếc xe lăn do bạn bè nước ngoài gửi tặng. Cho đến tận những ngày cuối đời nhà thơ hào hoa này vẫn chọn cho mình một cuộc sống thanh bạch.
Lâm Bình

VIỆT BẮC – MỘT SỬ CA CÓ GIỌNG TÂM TÌNH



(Phan Huy Dũng, Tác phẩm văn học trong nhà trường – Một góc nhìn, một cách đọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.2009)
             Việt Bắc được in trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1954. Đây là một đỉnh cao nghệ thuật của Tố Hữu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đồng thời cũng là một tác phẩm lớn của nền thơ cách mạng Việt Nam.
            Bài thơ được viết vào tháng 10 năm 1954, giống như lời hát giã từ căn cứ địa cách mạng sau 15 năm gắn bó. Bài thơ cũng mang tính chất của một bản tổng kết lịch sử (dĩ nhiên là theo kiểu của nghệ thuật) nhằm khép lại một thời kỳ cách mạng và hướng về một chặng đường mới của lịch sử dân tộc.
            Cả bài thơ được bao bọc trong một nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết. Chỉ trong đoạn trích của sách giáo khoa, ta đã thấy có đến 35 lần từ nhớ được nhắc tới. Điều này chứng tỏ nội dung cảm xúc chính của bài thơ là nỗi nhớ - một nỗi nhớ hướng tới nhiều đối tượng cụ thể, khác biệt mà thống nhất với nhau. Nói cụ thể hơn, nỗi nhớ trong bài hướng về ba đối tượng chính: nhớ Việt Bắc - quê hương cách mạng; nhớ một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng; nhớ công ơn Bác và Đảng đã đưa dân tộc đi tới bến bờ thắng lợi. Tất nhiên, từ nhớ trong bài thơ không chỉ mang hàm nghĩa hồi tưởng về một cái gì đã qua. Trong nhớ còn hàm chứa sự đánh giá, ghi công, sự nhắc nhở những người Việt Nam yêu nước hãy đừng quên bao năm tháng đẹp đẽ đã tắm mình trong cuộc sống cách mạng. Vì vậy, nói nhớ cũng là để hướng ý thức xã hội nhìn về cái tương lai vốn đã được xây đắp nền móng vững chắc từ quá khứ. Do đề cập những vấn đề lớn, những tình cảm lớn, những lẽ sống lớn của cả cộng đồng, bài thơ Việt Bắc mang tính chất sử thi rất rõ.
            Bài thơ có nghệ thuật đậm đà tính dân tộc với mấy biểu hiện nổi bật:
           Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng rất thành công. Giọng điệu thơ có đoạn mộc mạc, giản dị như ca dao, có đoạn điêu luyện, trau chuốt như Truyện Kiều (đặc biệt là đoạn tả cảnh bốn mùa Việt Bắc). Điều đáng chú ý khác là tác giả đã đưa vào thể lục bát vốn có đặc trưng mềm mại cái hơi thở anh hùng ca, khiến khả năng biểu đạt của thể thơ này tăng lên đáng kể (đoạn miêu tả đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch là một ví dụ tiêu biểu).
            Bài thơ vận dụng rất sáng tạo lối kết cấu đối đáp quen thuộc của các bài ca trữ tình dân gian. Lời hỏi và lời đáp cứ luân phiên một cách đều đặn cho đến hết bài, thể hiện sâu sắc tâm tình của cả người đi (những cán bộ kháng chiến) lẫn kẻ ở (Việt Bắc). Nhờ hình thức đối đáp, giọng điệu bài thơ có được sự chuyển đổi linh hoạt và nhà thơ có cơ hội kể được nhiều về các kỷ niệm kháng chiến bằng những lời lẽ tràn đầy tình cảm gắn bó, yêu thương.
            Bài thơ dùng rất đắt các đại từ xưng hô mình, ta vốn xuất hiện nhiều trong ca dao tình yêu. Nhờ khéo lợi dụng khả năng thay thế và hoán đổi vị trí cho nhau của hai đại từ này, tác giả đã khẳng định được một điều rất có ý nghĩa: mình  ta, kẻ ở và người đi, Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến tuy hai nhưng là một. Với hai đại từ mình  ta, bài thơ Việt Bắc có dáng dấp của một khúc ca tình yêu dù tác phẩm chuyên chở nội dung chính trị và cách mạng.
            Việt Bắc chứa đựng rất nhiều thi liệu của thơ truyền thống, đặc biệt là thơ dân gian. Những hình ảnh như chiếc áo, vầng trăng, mái đình, cây đa,... những cách dùng từ, dùng ẩn dụ, tỉ dụ, hoán dụ đặc biệt Việt Nam đã thực sự đưa tới cho bài thơ một vẻ thân quen, gần gũi, rất dễ tiếp nhận đối với đại chúng.
*
*       *
            Như đã nói, bài thơ Việt Bắc được tổ chức dựa trên chuỗi lời đối đáp của hai nhân vật hư cấu, một bên đại diện cho Việt Bắc và một bên đại diện cho những người kháng chiến[1]. Tuy các đại từ mình, ta đã được dùng một cách đắc địa trong bài thơ, nhưng độc giả không thấy có nhu cầu phân định xem kẻ ở và người đi, ai là nam, ai là nữ, mà phân định cũng không được vì rất khiên cưỡng. Chính nội dung các lời đối đáp đã tạo nên quy ước ngầm đó. Phải nói rằng đây là điểm hết sức độc đáo trong nghệ thuật thơ Tố Hữu, trên phương diện tiếp nhận những kinh nghiệm nghệ thuật phong phú của nền thơ dân gian.
            Bước vào thế giới nghệ thuật của bài thơ, ta gặp ngay những câu hỏi dồn dập, thiết tha mà Việt Bắc nêu lên cho người ra đi. Những câu hỏi đó một mặt tạo nên áp lực tình cảm, mặt khác tạo cớ cho người ra đi biểu hiện bao nỗi nhớ đang trào dâng trong lòng mình. Nếu trong lời của kẻ ở xuất hiện liên tục hai từ có nhớ biểu thị sự băn khoăn, nhắc nhở, thì trong lời người đi, theo một quan hệ hô ứng nhịp nhàng, các cụm từ nhớ từng, nhớ sao đã có mặt để dứt khoát khẳng định tình cảm sâu nặng của những người kháng chiến đối với quê hương cách mạng.
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
            Dòng đầu tiên của đoạn thơ vừa trích có một so sánh đáng chú ý. Không phải nhân vật trữ tình đang biểu lộ nỗi nhớ người yêu mà biểu lộ nỗi nhớ đối với Việt Bắc. Như ta đã biết, thơ Tố Hữu hầu như không nói về tình yêu trai gái, nhưng điều đó không có nghĩa là cảm xúc trong thơ ông không đạt tới độ ngây ngất, mặn nồng. Chiếm trọn sự chú ý của ông là những vấn đề lớn, những tình cảm lớn hướng về đất nước, nhân dân. Khi thể hiện những vấn đề, những tình cảm ấy, ông đã nói bằng ngôn ngữ của một tình nhân say đắm nhất. Quả thực, đằng sau câu thơ, ta vẫn nhận ra được nỗi nhớ nhung dịu ngọt như nỗi nhớ nhung của những người yêu nhau. Nỗi nhớ nhung ấy cứ lửng lơ, ám ảnh hoài tâm trí của người đi, khiến người đi không nén được, phải thốt lên một câu nửa như cảm thán, nửa như nghi vấn chứa đựng một vẻ gợi cảm rất đặc biệt.
            Trong 5 dòng thơ tiếp đó, những cảnh sắc thân thuộc của quê hương Việt Bắc đã được tái hiện bằng bút pháp chấm phá. Quả thực, nhà thơ đã không tả cái gì thật chi tiết mà chỉ làm việc nhắc gợi. Đối với độc giả, nhất là những người trong cuộc, chừng ấy cũng đủ khiến họ bồi hồi. Hình ảnh trăng lên đầu núi có thể đánh động ký ức về một buổi gặp gỡ, hẹn hò; nắng chiều lưng nươngthì gợi nhớ về những khoảnh khắc cuối ngày đong đầy niềm xao xác; bếp lửa lại làm sống dậy trong tâm trí người đọc cảnh quần tụ ấm cúng; khói cùng sương khơi lên nỗi cảm thương đối với những bản làng chìm khuất sau mây mù... Cụm từ nhớ từng được lặp lại hai lần như muốn khẳng định rằng người đi không quên bất cứ một sự vật nào, một địa điểm nào. Từ ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê đến những bờ tre, rừng nứa, tất cả đều có chỗ đứng trong tình cảm của người từng có một thời sống gắn bó với nơi này. Suối Lê có thể khi đầy, khi vơi, nhưng nỗi nhớ về suối Lê, cũng như nỗi nhớ về Việt Bắc nói chung có lẽ lúc nào cũng cứ tràn bờ...
            Mặc dù chia xa, người ra đi không thể nào quên một thời gian khổ được sống giữa lòng dân Việt Bắc:
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
            Tình người sáng lên giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, cam go bao giờ cũng để lại những ấn tượng đậm đà. Việt Bắc đã chia sẻ với những người kháng chiến từ bát cơm, củ sắn rất cụ thể của đời sống vật chất đến những ngọt bùi, đắng cay khôn tả xiết của đời sống tinh thần. Chúng ta luôn bên nhau, lúc nào cũng mình đây, ta đó quấn quýt. Các chi tiết được nêu trong đoạn thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng. Tất cả chúng đều hướng người đọc tới chỗ nhận thức được cái giá trị to lớn của tinh thần “chung lưng đấu cật”, “đồng cam cộng khổ” mà Việt Bắc cùng những người kháng chiến từng nêu cao. Chi tiết đắp chung chăn rất gợi không khí, vốn đã được nói tới không ít lần trong thơ kháng chiến chống Pháp, giờ lại xuất hiện ở đây với những thông tin nghệ thuật mang tính khái quát. Chăn sui dĩ nhiên chưa thể chống lại được cái rét thấu xương nơi núi rừng, nhưng trên thực tế, nó đã sưởi ấm được hồn người, đã gắn kết được tình người, cũng như củ sắn dù chưa đủ no lòng nhưng vẫn có thể làm dịu đi những cơn đói rất thật bằng mùi hương tinh thần ngọt bùi của nó.
            Nhắc tới những khó khăn mà mình đã trải, người ra đi càng thương sự vất vả của đồng bào Việt Bắc. Có cái gì thật ám ảnh, thật day dứt trong hình ảnh tấm lưng trần của người mẹ vùng cao:
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô...
            Thơ ca lãng mạn trước cách mạng thường thích nói tới những tấm lưng ong, lưng eo thon thả, gợi tình của thiếu nữ (Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon – Vũ Hoàng Chương). Còn ở đây là tấm lưng sạm đen, cháy nắng của một người lao động. Chỉ với chi tiết ấy thôi – một chi tiết hết sức hiện thực – tác giả đã gợi lên được rất chính xác cảnh sống cay cực phải vật lộn thường xuyên với miếng cơm, manh áo của những người dân miền núi Việt Bắc.
            Vẫn tiếp tục nói về một thời gian khổ nhưng các câu thơ sau lại nghiêng về nhấn mạnh tinh thần lạc quan của những người kháng chiến:
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
            Các câu thơ đã đưa ra được những chi tiết khá điển hình về đời sống chiến khu : có cơ quan, có lớp học, có tiếng đọc bài, có tiếng hát “khai hội”, có ánh đuốc bập bùng cháy giữa đồng khuya... Tinh thần “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” quả đã thấm sâu vào nhận thức mỗi người, chi phối cách tổ chức cuộc sống cũng như trạng thái tinh thần phấn chấn của họ. Nhưng điều đáng nói hơn là ta đọc thấy đằng sau các câu thơ một tâm trạng nôn nao khó tả. Hai từ nhớ sao được dùng lặp đi lặp lại trong đoạn thơ cho thấy người đi đang thực sự sống trong nỗi nhớ chứ không phải chỉ làm cái việc kể chuyện khách quan đơn thuần. Ta có cảm tưởng người đi đang muốn kêu lên những nỗi niềm dồn chứa trong lòng.
            Thế rồi, đợt sóng thứ nhất của cảm xúc dần lắng xuống, theo âm ba của những thứ tiếng có tính đặc trưng của núi rừng Việt Bắc:
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...
            Ai đã từng sống ở miền núi hẳn đều thừa nhận rằng tiếng mõ trâu lúc chiều về và tiếng chày giã gạo thậm thình bên suối trong đêm khuya vắng là những tiếng động có một cái gì đó thật khó tả, khó quên. Chúng vừa thân thuộc lại vừa hoang dại, vừa gần gũi bên tai lại vừa như vọng về từ một cõi nào xa lơ, xa lắc. Câu cuối cùng có âm hưởng thật hay với sự luân phiên đều đặn của những thanh bổng, thanh trầm. Đọc nó lên, ta tưởng nghe được bên tai một dạ khúc tha thiết.
*
*       *
            Đã đến với bài thơ, độc giả khó mà quên được đoạn gợi lên phong vị bốn mùa rất riêng của Việt Bắc. Bút pháp tả cảnh, tả tình ở đây đã đạt tới mức tinh luyện, biểu thị độ viên mãn của một phong cách nghệ thuật luôn hướng tới sự hài hoà giữa tình cảm cách mạng và nhận thức cách mạng. Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
            Dòng đầu tiên là một câu hỏi hướng về người ở lại. Tất nhiên, câu hỏi này không cần phải trả lời. Đó là một câu hỏi tu từ có chức năng đưa đẩy hoặc gắn kết những lời đối thoại vào trong một mối thống nhất. Ảnh hưởng của thơ ca dân gian được thể hiện ở đây rất rõ. Thơ ca dân gian thường có lối thể hiện tình tứ và duyên dáng như vậy. Có thể nghĩ thêm rằng: chính câu hỏi này đã làm nổi bật tính chất hai chiều của nỗi nhớ cùng sự thiết tha của tình cảm mà người đi đã dành cho Việt Bắc, nhằm đáp lại ân tình sâu nặng mà quê hương cách mạng đã dành cho mình.
            Từ hoa được dùng trong dòng thơ thứ hai thật cô đọng mà gợi cảm. Đầu tiên, có lẽ nó muốn chỉ những loài hoa quen thuộc thường gặp ở núi rừng Việt Bắc. Trong nỗi nhớ nhung trìu mến của người đi, Việt Bắc như đã trở thành một xứ hoa. Có thể nói cảm xúc của người đi đã được lắng lọc trong suốt, để còn lại trong kí ức là những cái gì đẹp đẽ nhất, lung linh, tươi tắn nhất. Nhưng từhoa cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng. Hoa chính là thiên nhiên làm say đắm lòng người của Việt Bắc, không thể tách nó ra khỏi hình ảnh con người. Nhớ hoa cũng chính là nhớ người và ngược lại.
Trong tám dòng thơ tiếp theo, Tố Hữu đã tạo nên được một bộ tranh tứ bình độc đáo về Việt Bắc theo chủ đề Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi bức tranh thơ có giá trị độc lập của nó nhưng điều này không phá vỡ sự hài hoà chung của cả bộ tranh. Trái lại, vẻ đẹp của mỗi bức chỉ bộc lộ hết trong mối quan hệ chỉnh thể với những bức còn lại. Khi lần lượt vẽ các bức tranh này, Tố Hữu đã nhất quán sử dụng bút pháp cứ câu trên tả cảnh thì câu dưới tả người. Dụng ý của tác giả là khẳng định sự thống nhất giữa cảnh và người đã nói ở trên. Nhìn chung, bộ tứ bình thơ ở đây đậm đà màu sắc cổ điển với tính chất cân xứng hoàn mỹ của nó.
            Như là một sự ngẫu nhiên, bức tranh thứ nhất vẽ ra cảnh tạm quy ước là cảnh mùa đông[2]:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
            Tuy nói về rừng xanh – một đối tượng từng được nhắc tới trong thành ngữ rừng xanh núi đỏ  mà câu thơ - nét vẽ không hề gợi cảm giác buồn vắng, hiu hắt. Ta thấy hiện lên ở đây hình ảnh những bông hoa chuối đỏ tươi giống như những đốm lửa đang bập bùng cháy giữa nền xanh trầm tịch của rừng già. Nhà thơ đã khéo tạo nên sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm tăngcường lực thị giác của màu đỏ, tức là màu có thể gợi lên cảm giác ấm áp, hưng phấn. Tiếp sau, nhà thơ tạo hình một dáng người đi trên đèo cao. Trong tỉ lệ chung của bức tranh, cái chấm tả người ấy thật bé nhỏ, tuy vậy, ta không hề có ấn tượng hình ảnh con người bị lấn át. Tất cả là nhờ ở con dao được tác giả “gài” một cách tự nhiên, đầy “nghệ thuật” ngang thắt lưng người. Cái ánh nắng được phản chiếu trên lưỡi dao trần đã biến con người trở thành một điểm sáng di động thu hút cái nhìn của chúng ta. Phải chăng điều tác giả muốn nói ở đây là  thiên nhiên không che lấp mà thực sự đang tôn lên vẻ đẹp của con người?
            Trong bức tranh thứ hai - Xuân - gam màu chủ đạo là gam màu trắng:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
            Đó là một màu trắng trong trẻo rất phù hợp với việc diễn tả vẻ đẹp tinh khôi, trinh bạch, huyền hoặc đến khó tin của rừng hoa mơ lúc xuân về. Âm điệu mạnh của cụm từ trắng rừng cuối dòng lục đã thể hiện được cảm giác choáng ngợp vì hạnh phúc của nhà thơ khi tâm trí bị màu trắng hoa mơ cùng vẻ xuân dâng ngập đất trời nơi núi rừng Việt Bắc thôi miên, phong toả. Trên cái nền phong cảnh đẹp đẽ ấy, hình ảnh con người cũng không kém phần quyến rũ với động tác chuốt từng sợi giang thật khoan thai, thật uyển chuyển. Quả thực, giữa người và cảnh có sự hoà hợp tuyệt đối. Ta hiểu con người được nói tới ở đây chính là chủ nhân của mùa xuân, là kẻ đang tô điểm cho sắc xuân vốn có của đất trời thêm thơ mộng, lãng mạn.
            Hướng cái nhìn vào bức tranh thứ ba - Hạ - ta thấy lênh láng một sắc vàng rực rỡ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
            Câu lục xôn xao “tiếng nói” của cả màu sắc lẫn âm thanh. Trong tiếng ve kêu (hoặc có thể nghĩ là nghe tiếng ve kêu), ngàn lá phách hối hả thay màu[3]. Âm thanh đanh sắc của tiếng ve như làm cho màu vàng của rừng phách rung thành tiếng. Ngược lại, màu vàng của rừng phách như đã thị giác hoá tiếng ve, khiến nó chói chang trước mắt nhìn. Từ kêu, từ đổ đã thể hiện thật đắt cái không khí rộn rực rất đặc trưng của mùa hạ. Có thể hiểu đổ vàng là đồng loạt ngả vàng. Cũng có thể hiểu rừng phách đổ vàng là ào ào trút lá vàng theo một nhịp điệu dứt khoát và mạnh mẽ. Sau những nét tả đầy kích thích đối với giác quan ở dòng lục, sang dòng bát, một hình ảnh đằm dịu hơn được vẽ ra như để làm cân bằng lại trạng thái cảm xúc của độc giả. Cái vẻ lẻ loi của cô gái hái măng một mình đã khơi dậy trong ta những rung động ngọt ngào, sâu lắng. Bức tranh mùa hè thật hoành tráng mà cũng thật đậm tính trữ tình. Nó dung hợp được vừa những quệt bút mạnh mẽ đầy hứng khởi vừa những nét vẽ mảnh mai, tinh tế, có thể gợi ra cả một trường liên tưởng mênh mông.
            Trong câu lục bát cuối cùng của đoạn thơ, tác giả tái hiện một cảnh thu mang đặc tính “ý niệm” nhiều hơn là đặc tính cụ thể, cá biệt:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
            Cũng như nhiều nhà thơ khác, khi nói về mùa thu, tác giả không quên nhắc tới ánh trăng. Ánh trăng xanh mát đã toả lên cảnh vật một không khí thanh bình, yên ả. Từ hoà bình tuy có hơi chung chung, hơi “cứng”, nhưng không phải không có ý nghĩa. Nó vừa nói được cái dịu dàng của ánh trăng giữa rừng khuya, vừa phản ánh được ước vọng hoà bình của những người kháng chiến, lại vừa gợi cho người đọc nghĩ tới bối cảnh khá yên tĩnh của An toàn khu. Trên cái nền thiên nhiên rất mực nên thơ ấy, tiếng hát ân tình thuỷ chung cất lên nghe thật ấm lòng. Có cần gì phải phân định xem tiếng hát này là của ai. Trong âm điệu của nó ta nghe rung lên nỗi niềm của cả người đi lẫn kẻ ở. Từ ngày qua vọng về, tiếng hát đó đã khéo nói được những tâm tình đang dạt dào trong thì hiện tại...
*
*       * 
            Việt Bắc được viết ra sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã hoàn toàn thắng lợi. Có lẽ trong ý đồ sáng tạo, Tố Hữu muốn nó phải trở thành “bản tổng kết lịch sử” một thời kỳ (điều này đã được đề cập ở trên). Thật tự nhiên khi ta bắt gặp ở đây những đoạn miêu tả hết sức sống động về các giai đoạn khác nhau của cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng.
            Đoạn nằm gần cuối phần một của bài thơ, từ dòng Những đường Việt Bắc của ta... đến Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồngtập trung tái hiện không khí hào hùng của cuộc kháng chiến lúc “sức ta đã mạnh, người ta đã đông”. Giọng điệu dìu dặt, thiết tha ở những đoạn thơ trước đến đây đã đổi thành giọng điệu rắn rỏi, gân guốc, đầy hưng phấn. Tài năng tạo dựng những bối cảnh lớn của Tố Hữu cũng được bộc lộ một cách hết sức rõ nét tại điểm này.
            Trong tám dòng đầu, nhà thơ vẽ lại vô cùng linh hoạt hình ảnh những đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch:
Những đường Việt Bắc của ta
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ duốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nhìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
            Tại sao lại đêm? Cần nhớ lại hoàn cảnh cuộc kháng chiến khi đó : ban ngày máy bay địch hoành hành đánh phá nhưng ban đêm thì chúng đành bất lực, nhường lại ưu thế cho chúng ta. Màn đêm bao la đã trở thành bạn đồng minh tin cậy của những người kháng chiến. Không phải ngẫu nhiên mà thơ chống Pháp 1946-1954 nói nhiều về đêm: Những đêm dài hành quân nung nấu(Nguyễn Đình Thi), Đêm buông xuống dòng sông Đuống (Hoàng Cầm)... Trong cảnh sống bình thường, đêm là lúc vạn vật say chìm trong giấc ngủ, là thời điểm nghỉ ngơi yên tĩnh. Nhưng trong thời chiến tranh, đêm thường là điểm khởi đầu của những hoạt động chuẩn bị cho ngày mai thắng lợi.
            Hai từ của ta nằm cuối dòng đầu rất có ý nghĩa. Chúng thể hiện rõ ý thức làm chủ của người kháng chiến đối với đất nước mình cũng như niềm tự hào về sự bất khả xâm phạm của vùng căn cứ địa. Đây cũng là một ý thức và niềm tự hào từng được thể hiện khá sâu trong thơ ca kháng chiến nói chung.
            Như để minh họa thêm cho hai từ của ta, nhà thơ kể lại khí thế bừng bừng trên những con đường hướng về các nơi sẽ diễn ra các trận đánh lớn. Ở đó ta thấy những dòng người vô tận, có bộ đội, có dân công, có súng đạn, có gánh gồng, có đuốc sáng, có ánh đèn pha... Các từ tượng thanh và tượng hình như rầm rập, điệp điệp, trùng trùng được đưa vào rất đắt, diễn tả hết sức chính xác không khí tự tin, hồ hởi bao trùm cả dòng người và sức mạnh cuộn trào như thác lũ của quân ta. Sự so sánh tiếng chân đi rầm rậpnhư tiếng đất rung có tác dụng tô đậm qui mô và tầm vóc lớn lao của những sự kiện đang diễn ra. Ta tưởng như nơi đây đang xảy ra một cơn địa chấn mạnh. Cần nói thêm rằng nhờ so sánh này, tác giả còn diễn tả được rất hay về sự thống nhất, cộng hưởng giữa con người và thiên nhiên, trời đất trong một thời điểm lịch sử vô cùng oanh liệt.
            Bên cạnh những nét vẽ trải ra theo chiều rộng, trong bức tranh thơ này cũng có những nét vẽ phát triển theo chiều cao. Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan là một “nét vẽ” như thế. Ánh sao trước hết là một hình ảnh tả thực gợi bối cảnh đêm Việt Bắc ra trận, nhưng nó còn là hình ảnh thấm đẫm tính tượng trưng. Ta có thể hiểu ánh sao như ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của lý tưởng soi đường, dẫn lối cho ta hành động. Ba sự vật ánh sao, mũi súng, mũ nan hợp thành một hình tượng đẹp, khoẻ khoắn, vững chãi về mặt tạo hình, đã cho thấy tính chất cao cả của cuộc kháng chiến cũng như tinh thần lãng mạn chưa bao giờ thiếu trong đời sống chúng ta. Khi viết câu thơ này, hẳn Tố Hữu đã nhớ tới câu thơ Đầu súng trăng treo mà Chính Hữu viết trước đó vào năm 1948 trong bài Đồng chí.
            Tuy mô tả cảnh ban đêm nhưng bức tranh thơ của Tố Hữu vẫn đầy ắp các chi tiết nói về ánh sáng. Bên cạnh ánh sáng của sao trời là ánh sáng của lửa đuốc, của đèn pha, của muôn tàn lửa bay. Hai câu thơ Dân công đỏ đuốc từng đoàn - Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay vẽ ra một cảnh tượng rực rỡ và hừng hực khí thế bằng những nét bút gân guốc, mạnh mẽ. Lửa dưới đất và sao trên trời như hoà cùng giọng ca trong một dàn đại hợp xướng hùng tráng. Cách nói thậm xưng bước chân nát đá đã diễn tả rất có ấn tượng sức mạnh đạp bằng mọi gian khó của những đoàn người đi chiến dịch. Với bước chân ấy của họ, núi rừng như bừng thức. Màn sương dày thăm thẳm tưởng vùi sâu Việt Bắc trong sự lặng lẽ, u tịch bỗng bị xé rách bởi ánh đèn pha sáng quắc. Nhìn ánh đèn pha, những người kháng chiến tưởng như thấy chiến thắng đã gần kề trước mặt[4]. Sự so sánh trong câu Đèn pha bật sáng như ngày mai lên thoạt nhìn có vẻ cường điệu. Xét đến cùng, phải so sánh như thế nhà thơ mới nói hết được niềm phấn chấn tràn ngập lòng người trước sự lớn mạnh vượt bậc của quân ta lúc cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cuối cùng.
            Bốn dòng cuối của đoạn thơ nói tới những tin thắng trận dồn dập đổ về Việt Bắc từ khắp các chiến trường trong cả nước:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
            Những cụm từ vui về, vui từ, vui lên vừa tạo được không khí phấn chấn, rộn ràng, tíu tít lại vừa diễn tả được ý: Việt Bắc chính là đầu não của cuộc kháng chiến và niềm vui khắp nơi dồn tụ về đó để rồi từ đó lại toả đi trăm ngả.
            Rất đáng chú ý trong đoạn thơ này là sự xuất hiện của hàng loạt địa danh. Nền thơ kháng chiến của chúng ta có không ít bài cho thấy tài năng của các tác giả khi đưa địa danh vào thơ, chẳng hạn bài Tây Tiến của Quang Dũng, bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Cách đưa địa danh vào thơ của Tố Hữu có phần khác với một số nhà thơ khác. Nếu Quang Dũng chú ý tới những tên đất có thể gợi ấn tượng về một cái gì hung hiểm, hoang sơ, kì bí và Hoàng Cầm chú ý tới những tên đất có thể gợi lên những sắc màu truyền thống thì Tố Hữu lại quan tâm tới những địa danh lừng lẫy chiến công mà tên gọi của chúng luôn làm nức lòng người. Có thể nói ít khi những từ chỉ tên đầy tính chất hành chính lại chan chứa chất thơ và vang vọng như thế.
            Nhìn chung, đoạn thơ vừa tìm hiểu trên đậm đà tính chất sử ca và thể hiện rất rõ khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về cách mạng của Tố Hữu. Đọc nó, ta tưởng như được sống lại thực sự với không khí của một thời đã qua - cái thời của những sự tích lớn và niềm tin lớn.

1999
=========================================

[1] Thực ra, việc chia bài thơ thành các phần đối - đáp chỉ có tính chất ước lệ, căn cứ vào những gì xuất hiện trên bề mặt văn bản. Ta hoàn toàn có thể nói tới một sự phân thân của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Ở đó, anh ta vừa vào vai kẻ ở, vừa vào vai người đi. Người đi và kẻ ở, suy cho cùng, cũng chỉ là một mà thôi. Những câu hỏi, do vậy, thực chất chỉ là những câu tự hỏi, tự nhắc trong tinh thần trách nhiệm, ân nghĩa.
[2] Không có căn cứ để khẳng định rằng ngay từ đầu tác giả đã muốn tạo nên "bộ tranh" về cảnh và người Việt Bắc trong bốn mùa. Rất có thể lúc đặt bút viếtRừng xanh hoa chuối..., tác giả chưa nghĩ rằng đây là nét đặc thù của mùa đông. Nhưng rồi các câu thơ cứ nối tiếp tuôn chảy, tự liên kết với nhau thành một cấu trúc chặt chẽ. Dưới áp lực của hệ thống, tự nhiên mỗi câu lục bát (gồm hai dòng) trong đoạn thơ này đảm nhiệm một chức năng rất cụ thể, rõ ràng. Căn cứ vào văn bản, độc giả vẫn có quyền nói về sự "hữu ý" của tác giả khi dựng "cảnh mùa đông", mà lại là dựng trước. Theo lô gích, sau đông sẽ là xuân rồi đến hạ, thu. Để "bức mùa thu" khép lại đoạn thơ là rất khéo. Chính nó vừa giúp tác giả "tích hợp" được nhiều mùa thu trong một mùa thu, vừa cho phép ông quy hồi cảm xúc về thời điểm hiện tại một cách tự nhiên, nhuần nhị.
[3] Có sách chú phách là một loài cây thân gỗ ở rừng Việt Bắc, nở hoa vàng vào đầu mùa hè. Còn tác giả Tố Hữu thì chú phách là "loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên" (Xem Nhớ lại một thời, NXB Hội Nhà văn, 2000, tr. 302). Hai cách chú thích trên không hẳn loại trừ nhau, nhưng có lẽ, ấn tượng mà câu thơ của Tố Hữu gợi lên là ấn tượng về màu vàng của lá phách.
[4] Vào giai đoạn này, sự hỗ trợ của nước bạn cho cuộc kháng chiến của ta đã được tăng cường. Sự xuất hiện của những đoàn xe vận tải làm nên một nét mới cho các "bức tranh" chiến dịch.

Chí Phèo sẽ là gì nếu như không có Thị Nở?



Câu hỏi đó cứ hiện ra mỗi lần tôi đọc xong tuyệt tác này của Nam Cao.
 Thì hắn vẫn chỉ là một kẻ cố cùng liều thân. Hắn sẽ không được thức tỉnh ý muốn trở lại làm người. Hắn sẽ không có cơ hội đi đòi lương thiện. Hắn sẽ không làm được hành động đâm chém lần cuối cùng mang ý thức cá nhân rõ rệt và ý nghĩa xã hội mạnh mẽ. Và rốt cuộc hắn sẽ không được thành một Chí Phèo bất hủ lừng lững trong văn chương và trong cuộc đời. Tôi dám đoan chắc như vậy.
 Nếu như không có Thị Nở...
 Bạn cứ ngẫm mà xem. Truyện Chí Phèo có thể dừng lại ở đoạn tác giả nhắc lại cảnh Chí vừa đi vừa chửi như ở đoạn mở đầu. Đến đó đã đủ thành một truyện ngắn hẳn hoi và hay rồi. Thân phận thằng Chí nổi chìm thế nào nữa người đọc đã có thể đoán biết, đã có thể suy nghĩ ở phía ngoài trang sách, đằng sau những dòng chữ. Kết ở đó Chí Phèo sẽ cứ say bất tận, sẽ cứ chửi vô hồi, sẽ cứ rạch mặt ăn vạ, cứ đâm chém lung tung. Và rồi hắn sẽ bị chết như một công cụ trong tay các phe cánh ở cái làng Vũ Đại ấy, nơi hắn có sinh mà không có sống. Một truyện ngắn như vậy với một nhân vật như vậy kể cũng đã là một điều khao khát một đời cầm bút của không ít người.
 Nhưng, thưa các bạn, điều tôi vừa nói chỉ là sự giả thiết, chỉ là ý tưởng có thể của tôi, của bạn, hay của ai khác nữa, nhưng nhất định không phải là ý đồ của Nam Cao. Ông đau đớn nhân sinh nhiều hơn chúng ta, ông nghĩ ngợi kiếp người sâu hơn chúng ta, ông viết văn vì đời đậm hơn chúng ta. Chỗ chúng ta có thể bằng lòng dừng lại thì ông mạnh bước đi tiếp.
 Văn hào Dostoevsky có nói đại ý: suốt đời tôi, tôi chỉ làm mỗi một việc là đẩy tới tận cùng cái mà các vị chỉ dám làm một nửa. Chính lẽ đó mà truyện Chí Phèo phải có thêm Thị Nở. Cái Thị ấy là ai? Xin thưa: Thị Nở - chính là Nam Cao. Thị Nở - chính là nhà văn. Thị Nở - chính là sứ mệnh của văn chương. Người cầm bút chỉ mong làm được cái việc bình thường mà cao cả như Thị Nở đã làm cho Chí Phèo. Mượn cách nói của Nguyễn Huy Tưởng về Đan Thiềm, tôi muốn nói: cầm bút chẳng qua cùng một dạng với Thị Nở, cùng lây sự “dở hơi” của Thị.
 Trong xóm ngoài làng không ai dám gần Chí Phèo, ai cũng sợ hắn và tránh mặt hắn. Thị Nở thì không sợ Chí Phèo bởi lẽ trước hết Thị có ba cái không sợ ai phạm đến: xấu xí, nghèo đói và ngẩn ngơ. Đó là chân dung vật chất và tinh thần của Thị Nở. Hình dung đó gợi tôi nhớ đến một vẻ mặt “nhàu nát vì đau đớn” như chân dung khắc họa số kiếp văn nhân ở xứ sở này. Có phải văn nhân là người như thế: không làm ai sợ và không sợ ai? Chỉ như thế mới có thể thấu hiểu và đồng cảm được với thế nhân cùng khốn, mới nâng đỡ và vực dậy được con người. Chợt nhớ Chế Lan Viên đã có lần viết “nhà thơ cái con mẹ điên”. Chính ba cái nói trên của mình đã làm cho Thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng phải sợ, hơn thế quen rồi lại thấy hắn có vẻ hiền. Về sau, khi Chí Phèo chết, dân làng bàn tán đủ điều, riêng Thị Nở vẫn thầm nghĩ về cái hiền của hắn. Nếu không tin hắn hiền làm sao Thị dám yêu thương hắn như một tình yêu.
 Lòng yêu đó của Thị Nở đã giúp Chí Phèo dứt cơn say. Tỉnh dậy Chí Phèo thấy lại cuộc đời bình dị và ấm áp qua tiếng chim hót vui vẻ, tiếng người cười nói xôn xao. Và hắn thấy ra hắn cô độc chứ không mạnh như vẫn tưởng. Cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.
Nam Cao thật sâu sắc tâm lý. Nhà văn phải đánh thức con người đến tận miền cô đơn bé bỏng của nó. Văn học là phát hiện cho con người thấy rằng nó vốn yếu ớt, cô lẻ, nên nó mới có nhu cầu khát khao hạnh phúc, hòa hợp. Chí Phèo suýt khóc và hắn đã khóc khi được thức tỉnh về điều này. Bát cháo hành của Thị Nở vào lúc đó là đỉnh điểm hạnh phúc của Chí Phèo đồng thời cũng là khởi điểm tấn bi kịch làm người của hắn. Hắn đã được yêu nên hắn tự biết. Hắn không say được nữa rồi dù có uống lại bao nhiêu rượu.
 Thị Nở đã khơi dậy trong hắn mơ hồ cảm thức về quyền con người được lương thiện. Bát cháo hành Thị Nở đã thổi bùng đốm lửa hiền trong con người hắn thành trận lửa dữ là chính vì cái câu hỏi không có câu trả lời này. Hơi cháo hành thoang thoảng mà đủ sức mạnh át cả mùi rượu sặc sụa, mà khiến tâm linh cú tỉnh, mà buộc thằng lưu manh phải vùng lên tìm cách đòi quyền sống. Văn học phải sao là cái hơi đó. Nhà văn làm sao tỏa được cái hơi đó. Sao cho mỗi trang văn là một bát cháo hành Thị Nở cho người đọc văn.
 Cuối cùng Chí Phèo chết, thế tất là vậy. Hắn quen rạch mặt mình để ăn vạ, coi tất cả mọi người là thù địch, lần này hắn đâm chết một kẻ thù cụ thể rồi tự đâm chết mình. Dân làng Vũ Đại chỉ thấy Chí Phèo chết mà không tường tận cái chết của hắn. May ra Thị Nở hiểu. Và Thị vẫn không nghĩ về hắn khác hơn là một người hiền. Ngòi bút nhà văn nhân đạo cao cả “tẩy rửa” cho con người là ở chỗ này đây. Con người yếu đuối, bất lực và có thể độc ác nữa, nhưng một khi con người đã hướng thiện, một khi tính thiện đã trỗi dậy trong con người, thì văn học phải truyền giữ và phát huy tinh thần đó của con người, cho con người.
 Nam Cao là người luôn luôn trăn trở về sứ mệnh nghề văn, về thiên chức nhà văn. Trong truyện Đời thừa, qua miệng nhân vật Hộ, ông đã tỏ bày một khát vọng văn chương to lớn của mình như sau: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu? Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy phải ăn giải Nôben và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”.
 Tầm vóc tài năng Nam Cao có thể đạt được như vậy, biết đâu đấy, nếu như... Trong khi chưa có hoàn cảnh  viết được tác phẩm vĩ đại đó, ông viết những truyện bình thường mà không kém phần lớn lao và sâu sắc. Truyện Chí Phèo tôi có thể nói là đã ở trên con đường đi đến khát vọng to lớn ấy của Nam Cao. Và ở đây ông đã hóa thân vào Thị Nở để viết văn đúng như những điều ông tâm niệm: văn học nói đến con người vừa đau đớn vừa yêu thương.
 Trở lại câu hỏi ban đầu tôi muốn khẳng định: Thị Nở cần cho Chí Phèo như nhà văn cần cho chúng sinh.
 Nhà văn như Thị Nở!
 10/1991.
(PHẠM XUÂN NGUYÊN)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Sơn Nam - Hương Rừng Cà Mau



Ông già xay lúa

Tây cai trị xứ mình... đem lại nhiều cái hay nhưng cũng có lắm điều dở, phải không chú phó hương quản?
Chú phó hương quản ngạc nhiên, chưa dám trả lời. Ðây là lần đầu tiên mà chú nghe cậu xã Nê tuyên bố lạ lùng như vậy. Cậu xã là người thanh niên độc nhất ở U Minh làng Ðông thái này thi đậu bằng cấp tiểu học, học trường của nhà nước ở chợ. Nhiều lần, cậu xã giải thích riêng cho chú hiểu: tên Nê của cậu do chữ Tây Rờ-Nê, Rê-Nê gì đó mà ra. Chính cậu xã phổ biến cách chào hỏi mới, bắt tay “bủa xua” với ông đại hương cả. Mỗi kỳ đi hầu ông Ðốc Phủ Xứ chủ quận, cậu xã Nê không mặc áo dài, đội khăn đống như mấy ông hương chức khác. Cậu diện áo bành tô, cổ thắt “cà ra quách”. Lại còn một việc lẫy lừng kì ác, thiên hạ đồn phong phanh chớ chú không chứng kiến tận mắt: năm ngoái, lúc ông Chánh Soái đi tàu tới Cạnh Ðền mang theo sắc thần của Bảo Ðại phong cho Hoàng tử Cảnh, cậu xã Nê bắt tay “bủa xua” với ông Chánh Soái, rồi “bật” tiếng tây rôm rốp khiến quan Ðốc Phủ Sứ, mấy thầy thong thầy ký và tất cả hương chức hội tề các làng trong quận đều khâm phục...
Cậu xã Nê nhắc lại câu hỏi khi nãy:
- Phải không chú phó hương quản, Tây cai trị đem lại lắm điều dở, chú nghĩ coi.
- Ðiều gì vậy cậu. Tôi thiếu hiểu.
- Cờ bạc lộng quá. Dân mình như tự do cờ bạc suốt năm. Ở chợ Ngã Năm, ở chợ Xẽo Rôn nhà “xẹt” đông nghẹt dân nghèo.
Chú phó hương quản suy nghĩ, giải thích:
- Tại cái máu cờ bạc. Dân miệt này toàn là người tứ xứ tới làm ăn. Họ cờ bạc không cần ăn thua, cốt để khuây khỏa nỗi nhớ nhà.
- Không phải đâu! Tại họ ở không, quanh năm chỉ làm một nghề ruộng hoặc một nghề đốn củi. Thiếu tiểu công nghệ...
- Thưa cậu, tiểu công nghệ là cái gì?
- Là thuộc da, dệt chiếu, may quần áo... Làng mình không có thứ tiểu công nghệ nào để cầm chưn họ.
Vùng rừng bùn lầy, khai thác chưa xong, làm sao họ nói đến tiểu công nghệ? Chú phó hương quản mải lục soát trong trí nhớ. Làng gồm bốn ấp, tháng Tết rảnh rang, ai nấy bỏ nhà đi chơi. Ấp Ðông Bình, sát mé biển chuyên về chài lưới; thường thường mấy tay khá giả ở đó đi ghe ra chợ Rạch Giá đánh me, đánh vố. Hết tiền thì họ ngồi nhà mà đờn ca vọng cổ hoặc nói chuyện tiếu lâm. Hồi mùng ba Tết, chú phó hương quản đến đó một lần, họ kéo chú lại bắt ép uống rượu đến say mèm rồi mới chịu thả ra. Vui quá! Lại còn “ông Năm xay lúa” từ ngoài hòn Cổ Trơn vào xay lúa mướn! Thiên hạ bao vây ổng, hỏi han rối rít. Cái ông già này mới cừ khôi, đứng xay từ hừng sáng tới mười giờ đêm mà không nghỉ tay, sắc mặt luôn luôn tươi rói. Bất chấp Tết nhứt, ông ra nghề từ bữa mùng bốn, xay lúa ròng rã tới hôm nay, ai cần thì cứ gọi ông đến cho vui nhà vui cửa.
Chú phó hương quản nói:
- Ở xóm biển có người chuyên môn xay lúa mướn. Ðó là tiểu công nghệ, phải không cậu ba?
Cậu xã Nê gật gù:
- Không phải... nhưng mà có còn hơn không. Ai xay vậy?
- Dạ, ông Năm ở hòn Cổ tron mới vô.
Nghe qua, cậu xã như bị điện giựt, nhảy nhổm, sáng mắt lên:
- Chú nói sao! Hòn Cổ Tron à! Thiệt không?
- Dạ, thiệt chớ.
- Trời đất ơi! Mấy năm rồi tôi muốn biết cho rành cái... tụi người đó. Kỳ cục lắm kia. Tôi thấy tận mắt một lần mà còn nhớ, còn giận hoài. Họ ở truồng.
Chú phó hương quản ngạc nhiên:
- Sao lạ vậy cậu? Ông già này... có bận quần. Hằng năm mùa Tết ổng vô đây xay lúa mướn. Qua tháng mưa, ổng thất nghiệp trở về hòn; ổng đui hết một con mắt, nói chuyện sành sỏi, nghe ngộ lắm.
- Ðây là lần thứ nhì tôi gặp họ... Nếu không ở truồng thì họ cũng mang vô đây vài phong tục lạ lùng. Chú đốt đuốc mau. Mình đi kiếm ổng nói chuyện... Dịp may hiếm có.
Còn trắng đêm hai mươi lăm u ám quá; hai thầy trò đốt đuốc soi đường. Mùa hạn, đồng trống hoang cây cỏ héo cằn, con rạch khô cạn. Ði bộ trong làng rạch đã mát chân lại được bảo đảm nạn rắn rít.
Gió biển hiu hiu, hơi lạnh như gió bấc, muỗi bay thưa thớt từng con bên cây đèn tọa đăng, tuy vặn tim lên cao nhưng mãi lu câm vì ống khói không chùi sạch. Ông Năm nắm tay vào giàn xay, đưa tới lui. Thớt cối quay tròn, lúa phun ra kêu rồ rồ, vang đều đều, mãi rồi sanh nhàm tai, buồn ngủ, cơ hồ không có. Kế bên ông Năm, đờn dìm trổi giọng, không na ná tiếng gà mổ vào nia. Ðờn “ghi ta” hòa theo, tuy nhanh nhưng buông rõ rệt từng giọt đồng, kém dồn dập hơn giọng đờn ở bên Tây Ban Nha tuyệt vời. Bãi biển sình lấy của vịnh Xiêm La chứng tỏ đủ năng lực hấp thụ và đồng hóa những gì xa lạ!
Năm ba bạn bè đang nghe bài Tây Thi quốc sự, nhắc gương chiến đấu của nhà chiến sĩ quốc gia Phan Châu Trinh, Mấy chai “ắp xanh”, “con cọp đen” rượu rừng... lần lần cạn. Tuy bận rộn xay lúa nhưng ông Năm vẫn lắng nghe, thưởng thức. Bỗng có kẻ chạy vào như tên quân trong tuồng hát bội cấp báo:
- Thầy xã với phó hương quản tới. Nghe không! Hai chả đốt đuốc... Lặn hụp giữa ruộng nãy giờ. Tôi thấy rõ ràng.
Ai nấy ngưng đờn ca. Ông Năm vẫn xay lúa rồ rồ... Họ vừa nói vừa cười, cãi cọ qua lại một cách thân ái:
- Mấy chả gan mật cùng mình sao kìa! Hồi nào tới giờ họ chưa đặt chân tới xóm mình. Chắc có chuyện gì, mình ăn thua đậm.
- Nói bậy đi. Hễ không tới thì chê nghười ta nhát, kiêu căng. Bây giờ người ta tới thì công kích. Thầy xã này là người có âm đức. Ba của thẩy, chú của thẩy hồi đó hiền lắm.
- Hiền đâu không thấy, chớ tôi hồ nghi mấy “chả” toan xét giấy thuế thân đặng mà dằn mặt tụi mình.
- Tết mà, thẩy đâu dám. Tôi nghi thẩy làm “ăn kết” dân lạ mặt, thí dụ như ông Năm xay lúa. Mình cứ trả lời rằng đã trình diện ổng với ông chủ ấp. Chủ ấp của mình bữa nay đi vắng, dể nói dốc quá, đâu có mặt mà đôi chối. Nè ông Năm! Ngừng tay lại, nghe tôi dặn: Lát nữa, ai có hỏi, ông làm bộ như câm, như điếc. Nói chuyện nhiều, nguy lắm. Ông có “giấy lão” không?
Ông Năm nói:
- Không có giấy tờ gì hết. Tôi tàn tật hư một con mắt mà... Muốn dẫn tôi đi đâu cũng được... Theo lẽ, nhà nước phải nuôi tôi nữa kìa.
- Cha này coi vậy mà gan ta!
Ánh đuốc sáng lòe trước cửa. Ai nấy lặng im. Chú phó hương quản đập đuốc xuống đất để dụi tắt. Cậu xã Nê bước vào, trong khi ông Năm mải xay lúa rồ rồ.
Cậu xã tươi cười, khoát tay như bảo ai nấy cứ ngồi xuống, đừng đứng dậy chào.
- Ðược! Ðược! Phiền bà con quá. Tết năm nay đầy đủ không? Ðờn địch vui quá hả? - Thầy nói.
Một người đáp lại:
- Dạ, nhờ... “bà cậu” nên năm rồi cũng khá, tạm đủ tiền xây xài.
Chú phó hương quản lườm mọi người:
- Bà con ăn nói vô ý tứ quá. Tại sao nhờ... “bà cậu”? phải nhờ người này người kia chớ. Còn ông già kia sao xay lúa hoài vậy? Nghỉ một chút để người ta nói chuyện. Bữa nay cậu xã tới...
Cậu xã ngắt lời:
- Ổng xay để ổng xay. Nếu dân mình ai nấy đều siêng năng như vậy thì quý lắm.
- Dạ đó là ông già Cổ Tron mà tôi nói hồi nãy với thầy.
Cậu xã hơi phật ý vì thái độ quá sốt sắng của người cộng sự:
- Chú phó hương quản để mặc tôi. Tôi không muốn làm rầy ổng.
rồi giọng thầy ôn tồn:
- Ông ở hòn Cổ Tron hả! Làm gì sanh sống ở ngoải?
Ông Năm ngưng tay, trả lời:
- Dạ, tôi đốn câu săn đá để làm cối giã gạo, bán cho bà con trong bờ này.
- In là ông hư một con mắt?
- Dạ bẩm, tôi tàn tật hồi còn nhỏ chớ không phải vì nghề... cầm búa.
Một người nói tiếp như muốn chứng minh sự lương thiện của ông Năm:
- Thưa thầy, ổng giỏi lắm. Nghèo là tại trời... vậy thôi! Cây săn đá ngoài hòn Cổ Tron bền tới thiên niên. Cối bằng săn đá giả gạo mau trắng. nhịp chày vô nghe bon... bon như thiếng chuông đồng. Ở nhà đằng kia, còn một cây cối thứ đó.
Cậu xã gật đầu:
- Ðó là tiểu công nghệ, nghe không chú phó hương quản.
Rồi cậu ngắm nghía ông Năm. Nỗi thắc mắc của cậu vẫn chưa giải tỏa. Không lẽ dân ở hòn Cổ Tron lại siêng năng, khéo léo, hiền hậu tới mức này. Day qua mấy cây đờn, mấy chai rượu, cậu như hối hận:
- Bậy quá! Làm lỡ cuộc vui chơi của bà con anh em. Thôi “làm” một bản vọng cổ nghe coi! Lựa thứ nào văn chương hay một chút.
Vọng cổ mà văn chương hay! Họ rao sơ sơ rồi bắt đầu:
- Ác ngậm non Ðoài, ngọn gió Ðông Nam nó thổi đưa mặt nhựt hồi về nơi Tây Bắc...
Anh ca sĩ ngạc nhiên, tức tồi vì thình lình cậu xã dơ tay lên, ra dấu hiệu chận lại, thiệt không đúng “điệu”! hay là cậu hồ nghi câu hát này ẩn ý chuyện quốc sự, sấm truyền? Hồi lâu, cậu xã mới nói:
- Câu hát khó hiểu quá! Rắc rối và lại vô duyên.
Anh ca sĩ cãi lại:
- Thưa cậu, đó là tả cảnh chiều, gió thổi nhè nhẹ mặt rời sửa soạn lặn... Bài này trích trong cuốn Vọng cổ Bạc Liêu bán tại chợ Rạch Giá.
- Tôi hiểu... Bài ca lăng nhăng quá, trật sách vở khoa học. Tại sao mọc ở Ðông Nam rồi lặn ở Tây Bắc?
Anh ca sĩ nhìn qua ông Năm như cầu cứu. Cậu xã nói cố ý:
- Ông già xay lúa này cắt nghĩa thử coi. Tôi nói câu hát trật văn chương mà!
Ông Năm vừa xay lúa vừa nói chậm rãi:
- Dạ, lệ thường mặt trời mọc hướng Ðông lặn hướng Tây. Nhưng gần sa mưa hay gần Tết thì mặt trời đi xéo. Vì vậy ngày và đêm không đều, “tháng năm chưa nằm thì sáng, tháng mười chưa cười thì tối”. Từ Ðông Nam hồi về Tây Bắc, tức là bài ca vọng cổ muốn nói lúc tháng mười; ngọn gió đó là gió Tết. Mặt trời ít khi đi ngay hướng Ðông Tây, thưa cậu.
Cậu xã Nê hoảng hồn vì dường như ông già xay lúa nọ nói đúng, đúng theo cuốn sách địa lý mà cậu đã học. Nhìn nhận rằng ổng nói đúng thì e mất thể diện mình, cậu đánh trống lảng:
- Ông học điều đó ở đâu vậy? Ai dạy ông?
- Dạ, không ai dạy hết. Tôi nghiệm ở hòn Cổ Tron. Ở ngoải buồn lắm. Tối ngày, tôi coi mặt trời mọc, mặt trời lặn cho khuây khỏa. Ðiều đó, lần lần tôi hiểu được, không rõ hồi nào.
Cậu xã Nê hơi tức giận. Chú phó hương quản nãy giờ ngồi im lại nói:
- Ông biết cái gì ông ơi! Hòn Cổ Tron là nơi quê mùa, còn tệ hơn quê mùa nữa kìa! Dân hòn Cổ Tron chuyên môn ở truồng, đàn ông đàn bà gì cũng vậy, cậu xã của tôi biết rõ.
Anh em đờn ca cảm thấy áy náy vì bầu không khí hơi bất hòa. Họ muốn an ủi cái thể diện của cậu xã mà họ không hề thù oán. Sẵn câu nói này, họ đồng hè trả lời:
- Cậu xã hay quá! Ở ngoài hòn Cổ Tron có gì lạ vậy cậu, tụi tôi chưa biết. Ông Năm xay lúa mới ra hòn lúc sau này, chắc cũng chưa biết, Xin cậu nói lại cho tui tôi nghe.
Thích chí, cậu xã Nê thuật lại:
- Năm đó, hồi còn nhỏ mỗi ngày tôi đi học, từ nhà muốn tới trường thì phải quẹo ra sân banh sát mé biển chợ Rạch Giá. Bữa đó, hừng sáng, dân chài lưới la hoảng chạy về baó với ông cò Tây. Tôi tới nơi xem: rõ ràng trên bãi biển có hai người đờn ông, hai người đờn bà nằm dài lim dim con mắt, miệng chúm chím cười. Họ ở truồng đông đổng! Chập sau, thầy đội mã tà ra tới, Thẩy kêu mấy người đó. Họ nhúc nhích rồi nằm yên. có người bàn: “Chắc họ bị chìm ghe ngoài biển khơi trôi tấp vào đây, dọc đường họ cởi quần áo để thân thể nhẹ nhàng, tiện bề bơi lội. Họ ở xa lắm, không chừng ở ngoài hòn Cổ Tron”. Nghe qua họ vẫn chúm chím cười. Tiếng đồn ngày một lẹ, mấy người ở chợ kéo nhau đến nghẹt tới mé biển mà coi cho rõ hư thiệt. Ông cò Tây hoảng sợ, thầy đội mã tà cũng hoảng sợ. Làm sao giải tán được? Làm sao che giấy chuyện ở truồng đó được! Sau rột, ông cò Tây bèn sai lính mã tà qua chợ mua bốn chiếc chiếu đem xuống mé biển, phát cho mỗi người một chiếc, biểu họ quấn chung quanh mình rồi lên bờ. Họ không trả lời. Mấy người mã tà bắt buộc họ đứng chính giữa, rối căng chiếu che bốn bên, dẫn họ về bót. Họ bằng lòng đi. Cái cảnh lạ lùng quá, như công chúa ngày xưa đi tắm có tỳ nữ che rèm bốn bên.
- Hay quá vậy câu xã. Nói tiếp nữa đi.
Cậu xã nói tiếp:
- Ông cò không chịu chứa mấy ông bà ở hòn Cổ Tron này trong bót, e xui xẻo. Ổng ra lịnh giam họ bên nhà việc (nơi làm việc của chính quyền ở làng, xã) làng Vĩnh thanh Vân. Mấy ông hội tề đành giam giữ họ.
- Rồi họ chịu bận quần áo không? Có người hỏi.
- Chịu chớ sao không chịu. Hương chức làng xuất tiền công nho, may cho mỗi người một bộ vải xiêm láng. Họ cười, không nói không rằng, ra về.
Rồi cậu xã kết luận:
- Ðó, mấy người ở hòn Cổ Tron theo tôi thấy rõ ràng thì như vậy đó. Ông Năm xay lúa nghĩ sao?
Ông Nam mỉm cười, trả lời rằng không biết. Chú phó hương quản nói:
- Hồi đó, chắc ông già này có tham dự quá!
Ai nấy cười rộ. Cười để làm thỏa mãn lòng tự ái của cậu xã, hàng chấm dứt câu chuyện cho đúng lúc.
Cậu xã, chú phó hương quản đốt đuốc ra về.
o0o
Ông Năm lại tiếp tục xay lúa. Ông nói:
- Tôi không biết cái chuyện ở truồng này! Chẳng qua là thiên hạ hiểu lầm hòn Cổ Tron. Mấy người ở truồng nào đã tự xưng quê quán, danh tánh. Như cậu xã nói, họ im lìm từ hồi đầu mùa kia mà! Cậu xã nói thiệt chớ không nói dóc đậu.
- Vậy thì vụ đó là vụ gì?
- Vụ này tôi nghe nhiều lần phong phanh. Tôi hồ nghi đó là mưu mô của mấy người nào đó ở gần chợ rạch Giá. Vì thiếu quần áo – nên nhớ là năm đó đồ khổ lắm, họ liều thân làm xấu để xin quần áo của nhà nước. Nhà nước sợ họ; họ đã thành công. Dễ gì đi làm mướn một buổi sáng mà sắm được bộ quần áo, hồi năm quần bao áo bố đó!
Ai nấy khen ngợi:
- Ông Năm cắt nghĩa hay quá!
- Tôi nhắm chừng vậy thôi. Người trong cuộc họ hiểu rõ sự thật hơn tôi. Họ không nói gì thì làm sao mình biết; sự thiệt nó im lặng, không có lời nói. Bây giờ chắc họ cũng không muốn nói ra, e bị ở tù về tội gạt hương chức làng.
- Vậy mình cũng nên kêu cậu xã trở lại, nói cho cậu nghe. Cắt nghĩa như vậy chắc cậu chịu lắm mà lại còn phục tài người ở hòn Cổ Tron như ông đây.
Ông Năm lẩm bẩm:
- Ðừng kêu trở lại nửa chừng; ban đêm, cậu hồ nghi. Ðể cậu về ngủ. khuya, gió lạnh lắm. Mà chưa chắc cậu chịu nghe. Nhưng không sao. Năm mười năm nữa, chừng tóc bạc hoa râm cậu hiểu một mình, không cần ai cắt nghĩa. Muộn gì!
Sơn Nam