"CHỢT NHỚ" CỦA NGUYỄN HỒI THỦ
Em ở sát nhà tôi
Cách nhau bờ giậu thấp
Tụi mình học cùng lớp
Mẹ em bán cau, bán thuốc
Chợ Đầm xa vời vợi
Đường đi cát trắng trùng điệp nắng
mà khi về chợ vẫn hay cười.
Hương ơi
bên giếng nhà em có bụi chuối bồ hương
quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi
nhà tôi lài lý thơm về tối
tôi bỏ ra đi mười mấy tuổi
mà sao còn nhớ tóc em dài
Mỗi lần đọc bài thơ Chợt nhớ của Nguyễn Hồi Thủ, lòng lại thấy bồi hồi, xúc động. Bài thơ tuy ngắn gọn nhưng lại có sức gợi sâu xa. Nó đánh thức dậy trong ta những kỷ niêm về thời ấu thơ, những hồi ức nơi thôn dã và cả nỗi nhớ ngọt ngào, xa xăm về những rung động đầu đời. Bài thơ có tên là Chợt nhớ nhưng nỗi nhớ ở đây không phải là chút gì thoảng qua mà hết sức mãnh liệt, thiết tha.
Bốn câu thơ đầu chủ yếu thiên về giới thiệu, cung cấp thông tin. Nó hé mở cho độc giả thấy chủ thể trữ tình và “em” vốn ở thôn quê, là láng giềng của nhau: Em ở sát nhà tôi- Cách nhau bờ giậu thấp. Thôn quê nào mà chả có bờ giậu ngăn cách giữa hai nhà. Những câu thơ cũng ít nhiều gợi ra gia cảnh của “em”: Mẹ em bán cau, bán thuốc. Ngôn từ trong bốn câu thơ đầu rất mộc mạc, chẳng hạn từ “sát” trong câu đầu tiên, hoàn toàn khác với câu thơ của Nguyễn Bính: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi- Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn; hay từ “tụi mình” ở trong câu thơ thứ ba. Ngoài ra, tác giả gần như thuận đâu kể đấy, không có sự đẽo gọt nào. Điều này đều có dụng ý, nó tô đậm tình cảm mộc mạc, tự nhiên, tình bạn của hai đứa trẻ cùng lớn lên nơi thôn dã.
Nhưng đến hai câu thơ tiếp theo thì khác hẳn:
Chợ Đầm xa vời vợi
Đường đi cát trắng trùng điệp nắng
Hai từ “vời vợi” thể hiện rõ tình cảm của tác giả đối với mẹ của “em”; ở đó chất chứa sự cảm thông với sự vất vả ngàn trùng của mẹ. Nhưng theo mạch cảm hứng của bài thơ, từ “vời vợi” còn thể hiện sự thể nghiệm về chính sự xa cách của tác giả đối với chính quê hương của mình.
Câu thơ tiếp theo rất giàu hình ảnh: Đường đi cát trắng trùng điệp nắng. Đọc lên, trong âm điệu có vẻ gập ghềnh, gợi lên những bước chân nhọc nhằn, vất vả của mẹ. Vần ắng điệp lại, đồng thời, lại rơi đúng vào chỗ ngắt nhịp tạo nên cái chói gắt của ánh nắng trên những bãi cát dài, trên những bước chân bỏng rát của mẹ. Nó gợi ta nhớ tới những câu thơ khác cũng đặc tả bước chân của mẹ, của bà để nói lên sự lam lũ, khó nhọc:
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Bước thấp, bước cao bên bờ tre hun hút
Bên kia sông Đuống- Hoàng Cầm
Bà đi gánh chè xanh ba trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Đò lèn- Nguyễn Duy
Song cái đọng lại sâu sắc hơn cả trong ấn tượng của tác giả vẫn là nụ cười của mẹ:
Mà khi về chợ vẫn hay cười
Sự cảm thông của chủ thể trữ tình đối với mẹ cũng như tình cảm đôn hậu, mộc mạc của mẹ làm sáng cả những câu thơ. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại viết về mẹ của em bằng những vần thơ sâu lắng như thế.
Bài thơ đột ngột chuyển điệu:
Hương ơi
bên giếng nhà em có bụi chuối bồ hương
quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi
nhà tôi lài lý thơm về tối
tôi bỏ ra đi mười mấy tuổi
mà sao còn nhớ tóc em dài
Trong tình cảm dâng trào, tác giả gọi tên bạn gái của mình. Tiếng thốt lên từ trái tim ấy chất chứa cả một tình cảm bỏng cháy. Những câu thơ cũng vì thế tươi mát, tình tứ hẳn lên. Cảnh như có tình, như đều biểu hiện tình cảm thiết tha nhưng thầm lặng của cả hai người. Cây chuối bồ hương của nhà em thì quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi. Ngược lại: nhà tôi lài lý thơm về tối; phải chăng: Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu? Tất cả hứa hẹn sự chín muồi của tình yêu. Nhưng rồi, sự chia ly đã xảy ra: Tôi bỏ ra đi mười mấy tuổi. Tại sao lại bỏ ra đi? Mấy từ này nghe thật phũ phàng; nó ẩn chứa đằng sau những uẩn khúc của tâm hồn. Như ta đã biết, tác giả sáng tác bài thơ khi ở xứ người. Và người ta vẫn nói thơ của Nguyễn Hồi Thủ là thơ của nỗi niềm sầu xứ. Mấy từ này thể hiện nỗi hận sầu xứ chăng?
Câu thơ cuối cùng thể hiện sự đau đáu của nỗi nhớ:
mà sao còn nhớ tóc em dài
Hoá ra, trong nỗi niềm tha hương, nỗi sầu viễn xứ, cái luôn da diết trong lòng chính là một tình yêu thiết tha, thầm lặng với cô bạn hàng xóm. Tình yêu ấy gắn liền với quê hương, với tuổi thơ, với những kỷ niệm ngọt ngào, và vì thế, khi nhớ về nó tác giả bao giờ cũng xúc động sâu sắc tận đáy thẳm trái tim. Do đó, bài thơ có khả năng đánh thức những kỷ niệm, những tình cảm đẹp đẽ của chúng ta.
Lê Sử
Giảng viên khoa Ngữ văn- Đại học Vinh