Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Hiểu thêm một trong những bài ca dao hay nhất Việt Nam
từ góc độ thi pháp (ST)


Đó là bài:
Mình nói dối ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước rửa cho con mình
 Bài ca dao này có nhiều dị bản. Có bản viết câu đầu là: Mình nói với ta mình hãy còn son, có bản viết câu cuối là Ta đi gánh nước rửa cho con mình. Có bản lại thêm hai câu: Con mình vừa đẹp vừa xinh / Một nửa giống mình, nửa lại giống ta. Bản mà tôi sử dụng là bản được chọn từ cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (NXB Văn học, tái bản năm 2003). Bài ca dao này từng đượcTạp chí Thế giới trong ta của Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam chọn để tổ chức cuộc thi bình ca dao năm 2000, với lượng người tham gia khá lớn.
Bốn câu ca dao tạo nên một chỉnh thể tác phẩm. Có bố cục rõ ràng, có nhân vật, có cốt truyện, giống như một "truyện ngắn mi ni". Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Vương Trí Nhàn là người đầu tiên phát hiện điều này, và lấy đó làm minh chứng cho việc có thể tập viết truyện ngắn từ ca dao, đã viết thành một bài in trong cuốn Sổ tay truyện ngắn của ông.
Nhìn chung, các tác giả từng nghiên cứu, khai thác nội dung, nghệ thuật bài ca dao này thường sử dụng các phương pháp tiếp cận theo lối truyền thống, hoặc xem như một tác phẩm thơ trữ tình hiện đại. Vận dụng lý thuyết thi pháp văn học dân gian, có thể giải mã thêm được một số điều giúp người đọc hiểu và cảm nhận bài ca dao một cách sâu sắc hơn
Đúng là bài ca dao giống như một câu chuyện. Tác giả đồng thời là người kể chuyện - người trần thuật, ở ngôi thứ nhất, xưng "ta". Người đối thoại ở ngôi thứ hai là nhân vật cô gái, được gọi là "mình". Xin lưu ý rằng, cặp xưng hô "ta - mình" có vẻ khá quen thuộc trong ca dao - có lẽ  bởi câu  "mình về có nhớ ta chăng / ta về ta nhớ hàm răng mình cười" được nhiều người thuộc - nhưng theo thống kê tại nhóm các bài thơ thuộc đề tài đề tài tình yêu nam - nữ mà nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan tập hợp trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, thì chỉ có 6/385 bài sử dụng cặp "ta - mình" trong đối thoại, còn phần lớn là dùng cặp xưng hô "anh - em", hoặc nói theo kiểu lửng lơ, ẩn chủ ngữ - vị ngữ, hoặc độc thoại. Trong đời sống thực tế, việc sử dụng cặp từ xưng hô "ta - mình" trong quan hệ nam - nữ, là khi tình cảm riêng tư đã trở nên hết sức thân thiết, thường là dùng trong hôn nhân. Vậy nên có thể hiểu rằng, mối quan hệ giữa chàng trai và cô gái trong bài đã rất thân thiết, thuộc loại "trên mức tình cảm".
Câu mở đầu: Mình nói dối ta mình hãy còn son, đưa ra một trạng huống: chàng trai phát hiện ra trong mối thâm tình ấy có điều khuất tất. Cô gái đã nói dối chàng về tình trạng hiện tại của mình, rằng cô ấy còn son, nhưng thực ra không phải. Đây là lời khẳng định của chàng trai, nghĩa là đã có sự thẩm định sự thật. Câu mở đầu  tạo ra một sự kiện, một tình huống "có vấn đề", đòi hỏi bài ca dao phải được tiếp tục cái "văn mạch" mà nó đã tạo ra. Đồng thời cũng gợi nên trong đó một khoảng thời gian nghệ thuật kéo dài từ hiện tại đến quá khứ: điểm nhìn của chàng trai là ở hiện tại, chàng đang đứng ở hiện tại để khẳng định với cô gái về một điều cô ấy đã "nói dối chàng" trong quá khứ.
Cơ sở để chàng trai khẳng định cô gái đã nói dối mình là: Ta đi qua ngõ thấy con mình bò. Vậy là câu ca dao thứ hai đưa ra một thông tin minh định cho thông tin ở câu thứ nhất, và đưa ra một nhân vật mới, nhân vật "con mình". Một điều đáng chú ý là, trong nhóm các bài ca dao về đề tài tình yêu nam - nữ được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan tập hợp trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, đây là bài duy nhất có nhân vật "con", tham gia với tư cách là "người trong cuộc", hơn thế, lại là một nhân tố rất quan trọng, có thể quyết định sự tồn tại của chuyện tình yêu giữa "ta" và "mình". Nhưng trước hết, nhân vật "con mình" xuất hiện như một nhân chứng khẳng định rằng, cô gái đã từng "nói dối" chàng trai. Nhân vật "con mình" còn rất nhỏ, bởi nó còn ‘bò" chứ không đi, không chạy, không chơi... ngoài ngõ. Câu ca dao thứ hai còn mở ra một không gian xác định, đó là ngõ nhà cô gái. Cái ngõ vốn là hình ảnh rất quen thuộc trong ca dao, "Chiều chiều ra đứng ngõ sau / hai tay rũ xuống như tàu chuối te", "Chiều chiều ra đứng ngõ sau / trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Ngõ là cái gạch nối giữa không gian riêng của cá nhân, gia đình với không gian cộng đồng, không gian thiên nhiên, bởi vậy nó có ý nghĩa như một giới hạn. Ở cái giới hạn ấy, mọi suy nghĩ cảm xúc của con người thường được tích tụ và bộc lộ trước khi bước từ không gian này ra / vào không gian kia. Không gian của chàng trai là không gian bên ngoài cái ngõ, và trong ngõ là không gian riêng của cô gái, ở đó có cuộc sống riêng tư của cô mà chàng đang khám phá và cô đã một phần chia sẻ. Ta có thể hiểu rằng chàng trai vô tình đi qua ngõ nhà người yêu, nhưng cũng có thể hiểu rằng, chàng trai, trong nỗi thương nhớ "như đứng đống lửa, như ngồi đống than", đã đi qua ngõ để mong nhìn thấy bóng hình quen thuộc, cho thoả nỗi nhớ nhung ấy, "người buồn ra ngõ đứng trông / ngõ thì thấy ngõ nhưng không thấy người". Cái ngõ - ranh giới ấy, hàm chứa niềm khao khát được bước qua. Nhưng người mà chàng trai nhìn thấy, lại là... con của người yêu mình. Khi nói rằng, ta đi qua ngõ thấy con mình mình bò, nghĩa là chàng trai đã có cơ sở để khẳng định rằng đứa bé đó không phải là con người khác, mà là con của cô gái. Vậy là không gian - thời gian nghệ thuật bài thơ mở rộng thêm một tầng nữa, đó là khoảng không gian - thời gian mà chàng trai thực hiện việc "thẩm định" để có thể chắc chắn đưa ra lời khẳng định trên.
Vậy là thấp thoáng đâu đó một người đàn ông nữa, không hiện ra ở một câu, một chữ nào trong bài, nhưng buộc chàng trai và người đọc phải suy ngẫm tới, đó là nhân vật cha của "con mình". Nội điều đó thôi cũng buộc chủ thể và người đọc phải đặt mình vào một không gian tinh thần mới, đó là trường liên tưởng. Ở đó, ta tha hồ phán đoán, truy tìm xem người cha của đứa bé là ai, đã từng hay vẫn đang là chồng cô gái, là chủ nhân ngôi nhà sau cái ngõ kia? Vì sao cô gái lại nói dối chàng trai? Và theo logíc tâm lý thông thường, trước một sự thật hiển nhiên là cô gái đã nói dối chàng, tình yêu chân thành của chàng đã bị xúc phạm, chàng trai có thể và có quyền bỏ đi ngay lập tức. 
Nhưng dường như điều chúng ta đang suy nghĩ không còn là điều chàng trai quan tâm, nghĩa là thời điểm hiện tại của cuộc đối thoại giữa chàng trai và cô gái không chỉ còn là sự thăm dò. Bởi chàng không hỏi cô những câu mà chúng ta vừa hỏi nhau. Chàng vẫn tiếp tục mạch kể chuyện của mình:
            Con mình những trấu cùng tro.
Hình ảnh đứa bé hiện ra rõ nét hơn. Nó bò lê trong sân hoặc ra ngõ, lấm lem trong tro trấu. Sự lấm lem chắc chắn là do thiếu sự chăm sóc của người lớn ấy cho ta một phán đoán rằng, nó là thành viên trong một gia đình nghèo túng. Không gian nghệ thuật được mở về phía ngôi nhà, chắc cũng lấm lem như chủ nhân tí hon của nó. Giữa hai câu 2 và 3 là một sự thay đổi điểm nhìn trần thuật, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, để rồi "room" vào hình ảnh đứa bé lấm lem đang lê la một mình.
Và rồi một kết thúc bất ngờ xảy ra:
            Ta đi xách nước rửa cho con mình.
Ta tin rằng đã có một cuộc giằng co tâm lý xảy ra trong chàng trai, giữa việc quay lưng đi theo hướng khác và việc bước vào cái ngõ ấy. Cuộc giằng co đã kết thúc bằng việc chàng trai đã quyết định bước qua cái ranh giới vật chất giữa hai không gian là cái ngõ, bước qua cái ranh giới tinh thần giữa lòng tin yêu và tự trọng bị xúc phạm vì sự dối trá của cô (mà có thể là một dối trá đáng thương?), với sự thương cảm đứa bé nhem nhuốc đang lê la trong ngõ kia. Và một hành động cao thượng, nhân hậu đã được thực hiện: chàng trai đi xách nước rửa cho đứa bé.
Toàn bộ bài ca dao vẫn là lời kể về một chuỗi sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Trong lời kể ấy không có một từ, một ngữ nào nói về tình cảm của chàng trai với cô gái, sau những gì đã xảy ra. Nhưng vẫn toát lên sự ấm áp tình người, sự chân thành chia sẻ của chàng. Nếu như ở câu đầu ta nhận thấy có hàm ý trách móc, thì ở hai câu 3 và 4, sự trách móc ấy đã nhường chỗ cho lòng cao thượng, vị tha. Cho dù câu 6 đầu tiên đã bị biến thể, nhưng nhịp 2/2  của toàn bài cho thấy sự bình tâm, nhẹ nhàng trong cách kể chuyện của chủ thể lời nói. Bố cục toàn bài hết sức chặt chẽ, không thừa dù chỉ một từ. Cũng không có tính từ để nhấn mạnh một sự việc hay hành động nào, cho thấy tất cả diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Trong toàn bài không có dấu hiệu nào cho phép ta có thể phán đoán về tình cảm, thái độ hiện tại cô gái đối với chàng trai, mà chỉ phán đoán thông qua cách hành xử của chàng trai. Một điều cũng đáng chú ý là toàn bài có 30 từ, thì hình ảnh "con mình" được nhắc lại đến 3 lần, chiếm 6 từ. Sự lặp lại ấy khiến cho nhân vật thứ ba nổi hẳn lên, như là nhân vật trung tâm. Đó cũng là trung tâm của các ứng xử cá nhân trong câu chuyện tình cảm này. Bài ca dao kết thúc theo lối mở cho người đọc cơ hội được quyền suy đoán câu chuyện sẽ đi theo hướng nào. Và cũng được quyền hy vọng một kết thúc có hậu, bởi hình ảnh đứa bé nhọ nhem được chăm sóc đã tôn lên nét đẹp, sự cao cả trong tâm hồn chàng trai, xem như sự dối lừa kia đã có thể được thứ tha (vì một lý do nào đấy mà họ không cần hoặc không muốn nói đến nữa). Đó cũng là thông điệp trong trẻo về Tình Người thông qua tình yêu đôi lứa mà các tác giả dân gian muốn gửi gắm qua bài ca dao được xem là một trong những bài hay nhất trong kho tàng ca dao Việt Nam này./.