NGUYỄN DU KHÔNG DỊCH “KIM VÂN KIỀU
TRUYỆN” CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN RA TIẾNG VIỆT
Kim Vân Kiều truyện của Trung
Quốc được Thanh Tâm Tài Nhân viết vào đời Thanh; truyện được mang sang nước ta
từ lâu và Nguyễn Du đã mượn cốt truyện mà viết nên Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Việc này là bình
thường, nhất là khi tác phẩm viết sau lại nổi tiếng, hơn hẳn gốc ban đầu. Văn
chương thế giới đã có nhiều trường hợp tương tự. Trường hợp thường được nhắc
đến nhất là nhà soạn kịch tài danh của Pháp Corneille đã dùng Las Mocedades del Cid của Guillen de Castro, người Tây Ban
Nha để viết nên tuồng Le Cid rất nổi tiếng…
Ở nước ta Truyện
Kiều được phổ biến rộng nên Kim Vân Kiều truyện cũng được các dịch giả chú ý dịch ra
quốc ngữ; trước sau có đến khoảng 4, 5 bản dịch khác nhau: có lẽ bản dịch đầu
tiên là của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung do Phan
Bá Cẩn xuất bản năm 1925, Tân Dân tái bản năm 1928, tiếp đến là bản dịch
của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh do Viện
Văn học in ronéo năm 1962,
NXB Hải Phòng tái bản năm 1994 và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1999. Ở miền Nam , có bản dịch của Tô Nam Nguyễn
Đình Diệm được Phủ Quốc Vụ
Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất
bản năm 1971. Gần đây có Tình sử Vương Thuý Kiều (Phong Tình
Cổ Lục) do Mộng Bình Sơn khảo
dịch, NXB Văn học xuất bản năm 2000. Truyện
Kiều đối chiếu của Phạm Đan
Quế, NXB Hà Nội xuất bản năm 1991, NXB Hải Phòng tái bản năm 1999…
GIÁ TRỊ “TRUYỆN KIỀU” HƠN HẲN “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”
Tuy mượn cốt truyện Kim
Vân Kiều truyện nhưng cách
cải biên kì diệu của Nguyễn Du đã biến câu chữ tầm thường trở nên tác phẩm kiệt
xuất, được mọi người yêu thích lại được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên
thế giới. Nếu xét diễn biến của 2 truyện: từ khi Thúy Kiều gặp Kim Trọng… trải
qua 15 năm lưu lạc cho đến ngày Kim-Kiều tái hợp… cả gia đình Vương Viên ngoại
hạnh phúc đề huề, Kim Trọng, Vương Quan đỗ đạt, vinh hiển v.v… là tương tự
nhau, song sức sáng tạo của Nguyễn Du rất lớn: nhiều tình tiết rườm rà, dung
tục đã được lược bỏ, lại thêm vào nhiều đoạn kể chuyện, tả cảnh, tả tình ý vị
khiến cho truyện trở nên cân đối, hợp lí. Đặc biệt nhất là tính cách của từng
nhân vật trong Truyện
Kiều khác nhiều so với Kim Vân Kiều truyện.
Xin trích sau đây làm ví dụ một trường hợp thể hiện sự
chênh lệch khá rõ nét về trình độ của 2 tác phẩm: đoạn Thúy Kiều báo oán:
* Xử bọn
“bạc ác tinh ma”:
“… Nàng rằng: "Lồng lộng trời cao!
Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta?
Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà,
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.
Tú bà cùng Mã Giám sinh,
Các tên tội ấy đáng tình còn sao? "
Lệnh quân truyền xuống nội đao,
Thề sao, thì lại cứ sao gia hình.
Máu rơi, thịt nát, tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh, phách rời.
Cho hay muôn sự tại trời,
Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta!
Mấy người bạc ác, tinh ma,
Mình làm, mình chịu, kêu mà ai thương!
Ba quân đông mặt pháp trường,
Thanh thiên, bạch nhật, rõ ràng cho coi…”
* Xử Hoạn
Thư:
“…Hoạn thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca.
Rằng: Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông, thì cũng người ta thường tình!
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng, riêng những kính yêu,
Chồng chung, chưa dễ ai chiều
cho ai!
Trót đà gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài
nào chăng.
Khen cho: thật đã nên rằng:
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
Đã lòng tri quá thì nên
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.”
Xem đoạn thơ trích từ Truyện
Kiều của Nguyễn Du tả cảnh
báo oán khá nhẹ nhàng ở trên rồi đối chiếu với đoạn văn xuôi rườm rà và ghê rợn
sau đây do Thanh Tâm tài nhân kể trong Kim
Vân Kiều truyện của Trung
Quốc:
“…Một tiếng trống vang lên, một người cầm cờ lam gọi tên
từng phạm nhân. Biện Báo (1) dẫn
Hoạn thị, Kế thị (2), Hoạn Ưng,
Hoạn Khuyển, Bạc bà vào, tháo gông xiềng cho quỳ dưới sân.
Phu nhân nói: Bạc bà đẩy người xuống giếng, Bạc Hạnh bán
người lương thiện vào nhà xướng ca. Nay theo đúng lời thề trước của Bạc Hạnh,
lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn, còn Bạc bà thì đem chặt đầu bêu lên
cây. Đao phủ nghe lệnh dạ ran một tiếng, tức thì lôi Bạc bà ra chặt đầu, còn
Bạc Hạnh thì dùng chiếu cỏ bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi
hai người giữ, một người cầm dao (3), chặt từ chân
lên đầu thành hơn trăm đoạn. Ghê thay một con người mới đó mà trong giây lát
biến thành một đống thịt như bùn, người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn
đao phủ vào bẩm đã thi hành xong, phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ
để cho ngựa ăn.
Kế đó, gọi đến Hoạn thị. Hoạn thị run rẩy, kêu xin phu nhân
tha mạng.
Phu nhân rằng: Hoạn tiểu thư, nhà ngươi có nhiều kế sách và
cũng thật nhẫn nại, ngươi lại thích lấy điều ác làm vui. Vậy nhưng phàm việc gì
cũng nên chừa lại một lối, để về sau có thể vui khi gặp lại. Nay gặp nhau đây,
nhất định ngươi chẳng sống được nữa rồi.
Hoạn thị khấu đầu lia lịa thưa rằng: Phu nhân! tiện thiếp
thật đáng muôn chết, chỉ xin phu nhân niệm tình cho ngày trước lúc viết tờ cung
trạng, lúc chép kinh… rồi khi phu nhân bỏ đi, thiếp cũng chẳng hề tra xét.
Thiếp không phải không tôn kính phu nhân mà chẳng qua vì thế buộc chẳng thể
đứng chung, cắt đôi tình yêu chia lòng sủng ái mà xui nên tội lỗi oan gia, xin
phu nhân nghĩ lại mà rộng lòng lượng thứ cho.
Vương phu nhân cúi đầu hồi lâu rồi nói: Thực ta chỉ muốn ăn
thịt, lột da ngươi, để tiêu mối hận hai năm trước. Nhưng giờ đây, sở dĩ cho
ngươi được khỏi tội chết là nhờ lúc ta bỏ đi, ngươi chẳng đuổi theo, có ý mở
lồng thả cho chim bay đi, nhưng còn tội sống thì ngươi chẳng thể thoát được
đâu. Hoạn thị thưa: Thiếp xin nhận tội, chỉ xin Phu nhân phát lạc nhẹ
cho. Phu nhân hỏi: Ngày trước, lúc bắt ta ở Lâm Tri, thuộc hạ của ngươi là
những tên nào? Hãy nói ta nghe, tội ngươi sẽ nhẹ bớt đi.
Hoạn thị thưa: Những kẻ thi hành mưu kế tuy là Hoạn Khuyển,
Hoạn Ưng, nhưng người ra lệnh lại chính là tiện thiếp. Quân vâng lệnh tướng mà
làm. Thật là tội của thiếp; bọn chúng chẳng qua chỉ biết y lệnh mà thôi. Nếu
đem chúng ra gánh tội thay thì thiếp chẳng yên lòng.
Phu nhân rằng: Thế ra ngươi chính là kẻ dám nhận cả phần
oan cừu vào mình đó chăng? Bèn gọi đao phủ đem bọn Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển ra
chém bêu đầu để răn bọn hào nô nhà họ Hoạn. Đao phủ dạ ran, lôi tuột hai tên ra
chém đầu; chỉ trong khoảnh khắc đã dâng lên hai đầu lâu đẫm máu.
Phu nhân lại truyền tả hữu đem Kế thị ra nọc đánh 30 roi.
Quân lính nhất tề ra tay. Hoạn thị ôm chầm lấy mẹ xin chịu thay hình phạt.
Phu nhân nói: Tội ngươi ta sẽ tính, còn 30 roi này là của
mụ ta, chẳng thể tha được.
Mụ quản gia thấy vậy cũng vội quỳ xuống xin chịu đòn
thay cho chủ mẫu.
Phu nhân nói: Thôi thì ta nể lời, tha chết cho thị, hãy
nhận lấy mà đem đi.
Mụ quản gia tạ ơn rồi đỡ Kế thị ra ngoài doanh trại. Kế thị
năm ấy tuổi đã sáu mươi, thân là nhất phẩm phu nhân, chưa từng chịu cảnh gió
sương nhọc nhằn mà nay bị bắt giải từ huyện Vô Tích đến, khổ sở vô cùng, lại
thấy ba quân giết người như rạ, tuổi đã già lại sợ mất mật, tức thì lăn ra
chết. Mụ quản gia đành ngồi ngoài cửa dinh để trông nom thi thể.
Vương phu nhân thấy mụ quản gia lãnh Kế thị đi rồi, bèn
truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo lên đánh một
trăm trượng.
Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần,
chỉ chừa lại một cái khố, tóc buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một
tay để lôi giăng ra, trước và sau có hai cung nữ khác cầm roi ngựa đồng loạt ra
tay, một người đánh từ trên đánh xuống, một người đánh từ dưới đánh lên, đánh
như con chạch rơi trên đống tro, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy
dụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn. Sau khi cung nữ báo
cáo đủ một trăm roi, phu nhân truyền lệnh đem Hoạn thị ra giao cho Thúc Sinh.
Quân sĩ dạ ran. Cởi tóc Hoạn Thư mang xuống thì đã nửa sống nửa chết, mang ra
ngoài cho Thúc Sinh nhận lãnh. Thúc Sinh luôn miệng tạ ơn, nhìn đến Hoạn Thư
thấy chỉ còn thoi thóp thì than rằng: Nàng ôi, chỉ vì thủ đoạn, phương pháp lớn
lao của nàng mà nàng mà phải tự cầm dao cắt thịt của mình… Rồi bèn gọi hai tớ
gái là Xuân Hoa , Thu Nguyệt vào đỡ lấy Hoạn Thư. Thúc Sinh quay vào dinh tạ
tội Phu nhân rồi ra ngoài một mặt thu nhặt thi thể Kế thị, một mặt mang Hoạn
Thư về nhà chạy chữa đến nửa năm trời mới khỏi. Kế đó Sử Chiêu giải bọn Mã Bất
Tiến (Mã Giám sinh), Mụ Tú, Sở Khanh vào dinh.
Phu nhân hỏi: Mụ Tú, mi có nhận được ta là ai không?
Mụ Tú đáp: Thưa bà, con hát hèn mọn này không nhận ra !
Phu nhân thét bảo: Mi hãy ngẩng đầu lên nhìn xem ta là ai?
Quân sĩ nạt lớn một tiếng, túm tóc mụ kéo lật về phía sau.
Bấy giờ mụ mới nhận rõ là Vương Thúy Kiều, thì luôn miệng kêu rằng: Tội của kẻ
hèn này thật đáng muôn lần chết chém. Chỉ xin phu nhân thương cho phần nào.
Phu nhân cười bảo: Lúc này mà mi còn mơ tưởng đến sự sống
sao? Lời thề trước ngọn đèn trời ngày xưa hỏi đã tiêu tan thế nào được? Bèn
lệnh cho quân sĩ, lôi mụ Tú ra, lấy dầu bách tưới đẫm vào người, rồi dựng
ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, như ngọn đèn trời để làm tròn lời
thề ngày trước. Còn tên Mã Bất Tiến thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho thẳng căng
ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Lại
nấu một nồi tùng hương trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy chum nước
lớn để bên, đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu tùng hương
đun sôi tưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo.Quân sĩ được
lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Trong chốc lát, mụ Tú đã cuốn thành một cây sáp
lớn, phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Bất Tiến thì bị căng xác. Sở Khanh hóa thành
một thỏi sắt nguội.
Đoạn rồi phu nhân hô to: “Đốt sáp”, quân sĩ đứng lên cao
châm lửa vào chân mụ Tú. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân
mắng rằng: Mi cũng biết đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt
người khác? Mụ Tú chết ngất, không trả lời được nữa.
Kế đến Phu nhân hạ lệnh rút gân, xẻ thịt Mã Bất Tiến, lại
lệnh cho quân sĩ lột da Sở Khanh.
Nghe lệnh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét
da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Mã Bất Tiến
lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Bất Tiến
rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng xác ra biển cho cá ăn để đền tội bạc
tình.
Còn Sở Khanh bị tẩm dầu tùng hương và keo vỏ gai, bên trong
tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc
miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì da đã bị dầu tùng ăn loét ra, chẳng cần dùng đao
kiếm, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ
còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem
nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái bọt lớn. Chỉ
trong chốc lát đã rữa nát thành mủ máu, rớt thịt trơ xương mà chết...”(4) .
Người đọc nhận ra hai truyện khác xa nhau về tài năng xây
dựng tính cách, tâm lí nhân vật, nghệ thuật biểu cảm, miêu tả, tự sự…đồng thời
khác xa nhau về ý nghĩa, về tính người trong ứng xử.
Khác hẳn Truyện
Kiều của Nguyễn Du, đọc Kim Vân Kiều truyện của Tàu, người đọc mất hết cả cảm hứng
với một nàng Kiều tài sắc… mà dã man. Đâu đây thấp thoáng hình bóng những mỹ
nhân diễm lệ mà vô cùng tàn ác trong sử sách Trung Quốc: Lã Hậu, Lệ Cơ, Triệu
Phi Yến, Võ Tắc Thiên, Vạn Trân Nhi…
Kim Vân Kiều truyện mang tính cách luận đề với dấu ấn của tư tưởng Phật giáo:
từ việc bố trí các nhân vật, sắp xếp diễn biến, tình tiết, kết cấu truyện… đều
hướng vào mục đích nhằm chứng minh cho đề thuyết: ác giả-ác báo: hễ gieo nhân xấu
thì gặt quả dữ; nghiệp quả chồng chất sẽ phải trả… và trả khi nào cho hết
nghiệp chướng thì mới mong hưởng phúc nhờ vào nhân tốt đã gieo…Vậy mà ở hồi 18, Kim Vân Kiều truyện lại mô tả một nàng Kiều tàn ác đến man
rợ. Rõ là Thanh Tâm tài nhân đã rơi vào mâu thuẫn nội tại - bởi làm sao hợp lí
được khi đến hồi cuối cùng lại bố trí cảnh đoàn viên cho Thúy Kiều, một quả
phúc không dành cho kẻ dữ.
Sự mâu thuẫn, bất hợp lí này là điểm kém của Kim Vân Kiều truyện. Chỗ này Nguyễn Du đã cải biên, hóa
giải chốt mâu thuẫn thật kì diệu bằng cách để Kiều tha bổng Hoạn Thư.
Trong thơ Nguyễn Du, Kiều tùng phục lẽ phải, không vì tình riêng
mà bỏ qua chân lí. Tính cách nhân vật lại hoàn toàn nhất quán, hiện rõ là người
hiền lành lương thiện mà bị vùi dập đáng thương…
Quả là tài năng nghệ thuật Nguyễn Du đáng là bậc thầy của
Thanh Tâm tài nhân.
QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO SƯ TRUNG QUỐC ĐỔNG VĂN THÀNH
ĐÁNH GIÁ THẤP TRUYỆN
KIỀU CỦA NGUYỄN DU LÀ KHÔNG
KHÁCH QUAN
Sau khi đọc được Kim
Vân Kiều truyện của nước mình
tại thư viện Đại Liên năm 1981, GS. Đổng Văn Thành liền viết bài chiêu tuyết
cho Kim Vân Kiều truyện, in trong Minh Thanh Tiểu Thuyết Giám Thường
từ điển (5). Tuy
bài viết đã công nhận Truyện
Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới nhưng lại
cho rằngTruyện Kiều chẳng
qua chỉ là dùng thể thơ lục bát của Việt Nam để dịch lại một cuốn tiểu thuyết
của Trung Quốc mà thôi.
MINH THANH TIỂU THUYẾT GIÁM THƯỜNG TỪ ĐIỂN
Hà Mãn Tử - Lý Thời Nhân
Chiết Giang Cổ Tịch xuất bản xã xuất bản năm 1992
Tương tự như trên, trong bài “So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam ”
trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” GS. Thành cũng cho rằng: “Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề
tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng
tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm
tài nhân...” (6)
Bài viết này nhắc lại lời khen - cho rằng là của Kim Thánh
Thán - đối với Kim Vân Kiều
truyện: “…chữ nào cũng là
đá ngũ sắc vá trời cả, công của tác giả chẳng hề kém Nữ Oa” (7). Đánh giá ghê gớm như thế khiến người
đọc tưởng chừng như truyện này ngang tầm với Hồng
Lâu Mộng.
Vậy là một mặt GS. Thành khen ngợi Kim Vân Kiều truyện nước mình đến tột cùng, một mặt hết
lời chê baiTruyện Kiều Nôm của
Nguyễn Du, cho Nguyễn Du là người của giai cấp quan lại Phong kiến nên cải biên
nhiều chỗ làm cho ý nghĩa của truyện bị lệch lạc, làm che lấp đi tính “đấu
tranh giai cấp”… Chẳng hạn so sánh cảnhbáo ân báo oán của Thúy Kiều giữa hai truyện, GS.
Thành cho rằng cảnh được tả trong Kim
Vân Kiều truyện tuy có hơi
tàn khốc nhưng thể hiện hành vi chính nghĩa của người nô lệ phản kháng, còn trong Truyện Kiều: nội dung đấu tranh giai cấp sống
động này đã bị ngòi bút Nguyễn Du làm biến dạng, Nguyễn Du đã nhẹ nhàng bỏ qua
không cho Thúy Kiều bắt mẹ Hoạn Thư đồng thời lại khoan dung, tha bổng Hoạn
Thư… và sở dĩ cải biên như
thế là có sự đồng tình với
những nhân vật thuộc giai cấp quý tộc là giai cấp xuất thân của mình. Nguyễn Du
đã tìm mọi cách che đậy cho tội áp bức của giai cấp ấy, sửa chữa cuộc đấu tranh
giai cấp nghiêm túc đó thành cuộc tranh chấp thuần túy giữa vợ cả vợ lẽ ghen
tuông với nhau trong gia đình…
Bài viết dài nhưng xem ra là chủ quan, một là do GS. Thành
không biết tiếng Việt, phải đọc Truyện
Kiều qua bản dịch của GS.
Hoàng Dật Cầu - bản dịch mà dịch giả chỉ mới dám coi là “bản dịch sơ bộ”
- Quả vậy, gần đây PGS Phạm Tú Châu đã có xem xét đánh giá bản dịch này, kê ra
rất nhiều chỗ GS. Hoàng Dật Cầu dịch sai Truyện
Kiềucủa Nguyễn Du(8) và
cũng vì thế, những đoạn trích Kiều được Đổng Văn Thành mượn của GS. Hoàng
Dật Cầu dùng làm dẫn chứng chỉ là những đoạn văn vần thô cứng, chẳng còn đâu
cái duyên dáng mượt mà của thơ Nôm tiếng Việt; hai là GS. Thành chỉ nghĩ chuyện giai cấp mà quên mất tính người, khác hẳn với Nguyễn
Du.
TRUYỆN KIỀU VẪN THUẦN TÚY LÀ MỘT TRUYỆN THƠ VIỆT NAM
VỚI CÔNG SÁNG TẠO RẤT LỚN CỦA NGUYỄN DU
Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, Lô Úy Thu trong “Một số nhận xét về Kim Vân Kiều
truyện với Đoạn trường tân thanh” đăng
trên tạp chí Sông Hương số 2, 1994 đã tính toán tỉ mỉ: Kim Vân Kiều truyện có tổng số 214 trang. Nguyễn Du đã
lược bỏ 142 trang, chỉ dựa vào 72 trang để viết nên 1.313 câu trong tổng số
3.254 câu của Đoạn trường tân
thanh. Vậy 1.941 câu còn lại là do Nguyễn Du viết.
Trong bài viết gần đây nhất, PGS. Nguyễn Khắc Phi cũng viết
trên Trang điện tử Hội Nhà văn Việt Nam : “…trên thực tế, Đổng Văn Thành đã
coi Truyện Kiều của
Nguyễn Du là bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tai hại hơn
nữa, do không biết tiếng Việt, để đánh giá “bản dịch” của Nguyễn Du, để so sánh
“bản dịch” ấy với nguyên tác, Đổng tiên sinh lại hoàn toàn căn cứ vào “bản dịch
lại” Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Trung văn hiện đại của GS Hoàng Dật Cầu, một
bản dịch mà với tất cả tâm huyết, công phu, Hoàng giáo sư cũng chỉ mới dám coi
là “bản dịch sơ bộ” và tự đánh giá là “còn những chỗ cực vi diệu, khúc chiết
của nguyên thi đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật
được” (9).
Á Phi Văn Học Tùng Thư
KIM VÂN KIỀU TRUYỆN
Bản dịch Truyện
Kiều của Nguyễn Du ra chữ
Hán.
GS. Hoàng Dật Cầu - Nhân
Dân Văn Học xuất bản xã xuất
bản năm 1959
Thật vậy, một điều hiển nhiên là khó có người Trung Quốc
nào thông thạo tiếng Việt đến mức có thể thưởng thức được cái vi diệu, độc đáo
của câu chữ Việt trong thơ Nôm Nguyễn Du - nên nếu họ có cho rằng Truyện Kiềuchẳng qua chỉ là
truyện dịch tiểu thuyết Tàu ra tiếng Việt thì cũng là điều dễ hiểu bởi vì để
cảm nhận đầy đủ ý vị một tác phẩm văn học của một dân tộc thì ngoài việc thông
thạo tiếng nói, chữ viết, người đọc còn phải thấm được nền văn hóa dân tộc ấy
như máu thịt. Đổng Văn Thành phê phán gay gắt Truyện
Kiều Nôm nhưng lại là người
Trung Quốc không biết tiếng Việt thì các phê phán này chưa hẳn đúng, bởi chưa
hiểu được nghệ thuật, ý nghĩa của từng câu, chữ thì sao có thể phê bình cả tác
phẩm? Đến đây ta có thể phủ nhận ý kiến của Đổng Văn Thành và khẳng định:
Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều truyện ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt
truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt.
NGUYỄN CẨM XUYÊN
CHÚ THÍCH:
(1) Biện
Báo 卞豹 : một bộ tướng của của Từ Hải. Các bản dịch quốc ngữ của ta
trước đây đã đọc nhầm thành“Hạ Báo” vì
hai chữ “biện” 卞 và “hạ” 下chỉ hơn kém nhau một chấm nhỏ ở
trên.
(2) Kế thị : mẹ của Hoạn Thư (Hoạn phu nhân)
là vợ của Thiên quan Lại bộ.
Sau khi bị bỏ thuốc mê bắt về nhà mẹ Hoạn Thư, Kiều đã bị Kế thị cho a hoàn đánh đập tàn nhẫn. Truyện Kiềucủa Nguyễn Du tuy có
tả việc Hoạn phu nhân trừng phạt Kiều nhưng lại không kể tên và kể việc Kế thị bị trừng trị trong hồi báo ân oán.
(3) Nguyên tác viết : 一人舉剉 Nhất nhân cử tỏa (Một người cầm “tỏa”). “tỏa” 剉 là một loại dao dùng cắt cỏ chứ không phải là “cưa”
như một số dịch giả trước đây đã dịch.
(4) Trích dịch từ Thanh
tâm tài nhân, Kim Vân Kiều truyện, hồi
thứ 18: “Vương Thúy Kiều kiếm tru vô nghĩa hán; Từ Minh Sơn kim tặng hữu ân
nhân” (開放文學, 金雲翹傳 Khai phóng
văn học; Kim Vân Kiều truyện -
http://open-lit.com).
(5) MINH THANH TIỂU THUYẾT GIÁM THƯỜNG TỪ ĐIỂN; Hà Mãn Tử -
Lý Thời Nhân, Chiết Giang Cổ
Tịch xuất bản xã xuất bản năm 1992
(6) Phạm Tú Châu “So sánh Truyện
Kim Vân Kiều Trung Quốc và
Việt Nam”; 200 năm nghiên cứu
bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005.
(7)Nguyễn Khắc Phi; Mối
quan hệ giữa văn học Việt Nam
và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, NXB Giáo dục, Hà Nội,
2001, tr.178 – 189.
(8) Phạm Tú Châu; “Sóng
gió bất kỳ từ một bản dịch” ; Tạp chí Văn
học nước ngoài, số 5, 1997.
(9) GS-TS. Nguyễn Khắc Phi ; Truyện Kiều - một tác phẩm
Việt Nam ;
(http://vanvn.net/news/11/589-truyen-kieu---mot-tac-pham-viet-nam.html
ngày 07.07.2011)
Kiến thức ngày nay số 762, ngày 10/ 10/ 2011