Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012


 Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung gì ạ?


* Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung gì ạ? (ngyen thanh tam, 18 tuổi, thuy_linh-kute@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Câu hỏi của em là toàn bộ hai cuốn sách tập I và II môn ngữ văn lớp 12. Tuy nhiên, cô có thể trả lời ngắn gọn là em phải nắm vững cấu trúc của đề: một là câu tái hiện kiến thức (2 điểm), hai là câu nghị luận xã hội (3 điểm), và câu thứ ba là nghị luận văn học (5 điểm). Thế cũng có nghĩa là em phải ôn học thuộc lòng khá nhiều, nhưng nếu nắm chắc trong quá trình học những ý chính thì việc được 5 điểm không khó.
Cụ thể em nên hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập bảng các bài học. Ví dụ: chia theo thơ gồm có các bài thơ nào theo thứ tự chương trình và văn là những bài nào. Sau đó rà soát lần lượt ôn theo trình tự nhất định, tránh nhảy cóc rồi quay lại sẽ lẫn lộn.

* Cho em hỏi phương pháp ôn tập và thi đạt kết quả tốt môn Ngữ văn cả ôn thi tốt nghiệp và đại học.  Môn Văn thì nhiều dẫn chứng và có những phần giáo viên lướt qua hoặc không dạy ( như những nhân vật phụ). Vậy khi ôn thi, em có nên bỏ qua những phần đó hay không? Những phần Bộ giảm tải thì đề đại học có ra không? (Phạm Đình Bảo, 18 tuổi, pham_daithieugia@...)
 - Cô Nguyễn Kim Anh: Thứ nhất, yêu cầu của hai kỳ thi khác nhau nên không thể một công đôi việc hoàn toàn, song nếu ôn tốt cho kỳ thi tốt nghiệp thì việc ôn thi đại học sẽ nhàn hơn rất nhiều. Nếu ôn tốt nghiệp là những nhân vật chính thì ở ôn thi đại học sẽ bổ sung cả những nhân vật phụ và những chi tiết nghệ thuật đặc tả trong tác phẩm sẽ được bình sâu ở kỳ thi đại học.
Thứ hai, cần có cách để nhớ dẫn chứng. Đó không hoàn toàn là học thuộc lòng những đoạn văn dài nhưng các em buộc phải nhớ những câu hoặc cụm từ tiêu biểu. Ví dụ: khi nói về vẻ đẹp của cô Mị, tác giả chỉ nói gián tiếp "trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị". Câu này phải nhớ. Song mẹo nhớ là nên đi cùng với hình ảnh trong hình dung thì bài sẽ đọng hơn. Tuy nhiên, có lúc ngồi làm bài, nếu không biết mình nhớ có chính xác không, thì không nên đưa vào ngoặc kép. Như trường hợp trên, có học sinh viết là "đầu giường Mị" - gây hiểu nhầm - hay lỗi nhẹ hơn là "đầu phòng Mị" thì vẫn phải bỏ dấu ngoặc kép. Khi đó là văn của người viết bài, sẽ đỡ lo bị trừ điểm.
Những phần Bộ giảm tải, chắc chắn sẽ không có trong một câu hỏi chính thức của đề thi tốt nghiệp cũng như đại học. Nhưng môn Văn không thể bỏ qua kỹ năng liên tưởng, liên hệ. Nếu học sinh có được kiến thức từ những bài đã được giảm tải, chắc chắn sẽ thuyết phục giám khảo hơn nhiều. Bài văn sẽ phong phú và cho thấy người học chịu khó rộng mở, thu nhận kiến thức. Người học đối phó không thể có bài viết như vậy. Tôi đã từng đi chấm thi nhiều, tôi luôn trân trọng các bài thi có phần mở rộng, liên hệ, sáng tạo. Các đồng nghiệp khác của tôi đều như thế. Nhất là trong trường hợp chấm nhiều bài, thì bài nào có nét riêng sẽ được đánh giá cao hơn.

 Thưa cô, học sinh trung bình (dở môn Văn) nên tập trung vào phần nào trong ba phần của để thi? (thanhthuythixdua@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Dù dở thế nào thì em cũng biết mình có khả năng phân tích thơ hơn hay phân tích văn hơn. Nếu đâu là điểm chưa mạnh thì lúc này "đầu tư" vẫn kịp. Ví dụ: đã từng có những học sinh học lệch văn hoặc thơ, và nghĩ rằng sẽ chọn ở câu 5 điểm làm một trong hai thể loại này. Tuy nhiên, cách đây mấy năm đề thi cả hai câu đều là văn. Vì vậy không nên tự chặn con đường của mình.
Câu nghị luận xã hội không bó hẹp kiến thức nên học sinh cũng dễ có được điểm 1,5 đến 2 điểm miễn là biết suy luận và có hiểu biết từ cuộc sống. Ví dụ: với đề hỏi về tác dụng của việc đọc sách. Các em hoàn toàn không phải ôn tập song cần phải là người từng đọc sách, từng mê sách thì chắc chắn bài làm sẽ thuyết phục được người chấm. Cũng có trường hợp chỉ nghe thầy cô và cha mẹ nói về tác dụng của đọc sách mà em viết vào bài làm cũng vẫn có thể đạt điểm không tệ. Những câu yêu cầu kiến thức xã hội không được bỏ qua hay xem nhẹ.
Cũng cần lưu ý có câu trong đề không nói thẳng mà mượn một câu ví von, so sánh, ...thì phải có thao tác quy đổi. Ví dụ: "Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta cũng vương mùi hương." Có thể hiểu là đề yêu cầu viết về tình bạn và sự giúp đỡ, hy sinh cho tình bạn.

Thưa cô cho em hỏi, học môn văn như thế nào để có thể được 5 điểm. Đối với em kiếm điểm 5 môn này cũng không dễ? Đề thi có 3 phần, dài quá, thời gian không đủ để làm hoàn chỉnh được. Xin cô chỉ cách học và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp môn Văn ạ? (hongdao _truongthi@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Đầu tiên, cần lập ý sơ lược của các câu vào tờ giấy nháp. Sau đó, canh giờ dành cho từng câu. Cụ thể: câu 1 nên dành khoảng 20 phút, câu 2 khoảng 40 phút, còn lại 90 phút cho bài văn. Tất nhiên, không cần canh chính xác từng phút, song cũng phải lưu ý vì một đặc điểm của môn Văn, kể cả với học sinh giỏi, dễ bị để cảm xúc cuốn đi.
Nhiều năm qua, với câu 3 điểm - nghị luận xã hội, học sinh thường dồn toàn bộ cảm hứng mà quên rằng đó là câu 3 điểm. Thậm chí ra khỏi phòng thi, khoe bố mẹ làm được điểm vẫn là khoe về câu 3 điểm. Muốn đạt 5 điểm thì em nên xác định không được bỏ qua cả câu trên (2 điểm) và câu dưới (5 điểm). Kể cả câu 2 điểm, mình chỉ làm được 0,5 điểm cũng viết. Các cụ có câu "Năng nhặt chặt bị". Vì ở mỗi câu chỉ nhặt ra khoảng 60% đạt yêu cầu thì em mới yên tâm được điểm 5. Lý do còn xem chữ nghĩa, lỗi chính tả và cách diễn đạt của em thế nào nữa. Chúc thành công!

Cô giáo em thường phê bình tụi em rất dễ lạc đề môn văn (tức là đề ra một đàng làm một nẻo). Nhưng em không biết cách làm sao để không lạc đề... Còn nữa, cô em cũng nói, bài thi phải có ý rõ ràng và trùng khớp với đáp án mới có điểm, sao khó quá vậy? Tụi em không có nhiều thời gian làm bài, nghĩ ra gì lo viết hết còn không kịp giờ nữa... vậy làm sao để bài làm có ý và đủ ý hả cô? (minhman_cao@...)
 - Cô Nguyễn Kim Anh: Vì học sinh thường bỏ qua việc làm nháp, lập ý văn nên dễ sa vào miên man, thiếu định hướng. Trong một bài văn có các đơn vị kiến thức yêu cầu đầu tư thời gian như nhau. Vậy mà có nội dung nhẩn nha, lại có nội dung bị qua quýt vì thiếu thời gian. Khi phân tích thơ, học trò say sưa với một câu rồi liên hệ ý thơ đó từ nhiều bài thơ khác mà quên mất đoạn thơ cần phân tích còn rất nhiều nội dung chưa chạm đến.
Trong văn xuôi, khi phân tích nhân vật Mị, học sinh say sưa miêu tả sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc của Mị mà bỏ qua mất nỗi khổ: "sống không bằng con trâu con ngựa". Học sinh đó đã quên rằng chính việc sống khổ mà vẫn có sức sống, có khao khát thì càng tăng giá trị nhân văn cho hình tượng nhân vật.
Trên đây là những bài bị lệch nội dung do thiếu sắp xếp thời gian cho mỗi phần. Trường hợp lạc đề hẳn thì thật đáng tiếc. Chắn chắn là do em không thuộc bài, không nắm được những ý cơ bản nhất.
Đây là "mẹo": trong quá trình ôn thi, em thử ngẫm nghĩ các nhân vật trong tác phẩm thấy ai thân thân như một người quen biết thì yên tâm, còn ai hoàn toàn xa lạ, thậm chí nhầm tên, thì phải đọc lại ngay tác phẩm + vở ghi dàn ý của cô giáo và tham khảo thêm ở những cuốn sách có bài khai thác về nhân vật.
Để khỏi lẫn, cũng cần nhớ nhân vật trong giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Ví dụ nhân vật Tràng là trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhân vật Tnú là ở Tây Nguyên thời chống Mỹ, nhân vật người đàn bà trong "Chiếc thuyền ngoài xa" là thời kỳ sau chiến tranh,...

Em muốn hỏi thầy cô: làm cách nào ôn thi môn văn hiệu quả và thi đạt điểm cao? Năm nay thi văn, sử, địa em nên phân bố thời gian ôn thế nào cho hợp lý? em xin cảm ơn.(nhung dieu chua hieu, 18 tuổi, lanfthang1052003@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Muốn ôn thi môn văn hiệu quả phải đảm bảo vừa ôn khái quát hệ thống tác phẩm, trong từng tác phẩm phải nhớ được những nội dung chính nhất, hệ thống nhân vật... Ngoài ra còn phải biết hành văn lưu loát, lập luận sắc sảo, có sáng tạo.
Để ôn được các môn thi, cần phải có thời gian thích hợp. Có thể chia các ngày trong tuần theo lịch: ví dụ thứ Hai ôn Toán, thứ Ba ôn Hóa, thứ Tư ôn Ngoại ngữ, những ngày còn lại ôn lần lượt Văn-Sử-Địa. Em nên biết khi nắm được kiến thức Lịch sử cũng là hỗ trợ rất tốt cho việc làm văn. Cụ thể như nhìn nhận về hoàn cảnh sáng tác, ứng xử của nhân vật trong hoàn cảnh của tác phẩm... Tuy nhiên mỗi ngày chỉ dành 60% thời gian học cho môn theo lịch, còn 40% là theo yêu cầu của thầy cô theo thời khóa biểu của lớp. Theo quy luật ghi nhớ của não, học nhắc lại nhiều lần thì sẽ khắc sâu hơn một lần học dù thật lâu.

Có người nói, phần nghị luận văn học chỉ cần học thuộc bài thầy cô giảng là có thể có điểm. Có thật vậy không cô? 
- Cô Nguyễn Kim Anh: Đúng vậy, phải thuộc bài thầy cô giảng và viết được thành văn của mình, chứ dàn ý ở trên lớp thì chưa đủ. Có nhiều giáo viên đọc cho chép bài mẫu. Nhưng môn văn là cảm hứng. Em có thích mình đơn thuần là một con vẹt không? Đó là chưa kể làm sao có thể thuộc mấy chục bài văn mẫu?

Em xin hỏi những kinh nghiệm để hệ thống kiến thức môn Ngữ văn? (Anh khoa, 18 tuổi, nhatvy0308...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Có hai cách chia: một là theo thể loại, hai là theo thời kỳ - giai đoạn lịch sử.
Cách thứ nhất: liệt kê các tác phẩm là thơ: "Tây Tiến", "Việt Bắc", "Đất nước", "Sóng", "Đàn ghi ta của Lor-ca". Sau đó liệt kê các tác phẩm là văn xuôi (là truyện ngắn): "Vợ chồng A Phủ", "Vợ nhặt", "Rừng xà nu", "Những đứa con trong gia đình", "Chiếc thuyền ngoài xa". Về thể loại bút ký:  "Người lái đò sông Đà", "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Về văn chính luận: "Tuyên ngôn Độc lập", "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc", "Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12-2003".
Kẻ bảng thống kê hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, nội dung, nghệ thuật.
Giống như một người kiểm lại tài sản của mình, biết mình có bao nhiêu để quyết định gom góp làm việc hữu ích. Sau khi lập bảng, chắc chắn em sẽ biết được mình đang quen hay rất xa lạ với tác phẩm nào. Cô hy vọng số xa lạ ít thôi.
Cách thứ hai là theo thời kỳ - giai đoạn lịch sử. Ưu điểm của cách này là không nhầm lẫn nhân vật với thời đại. Văn học Việt Nam từ 1945-hết thế kỷ 20 có thể chia thành 4 thời kỳ:
1) Văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp: "Tây Tiến", "Việt Bắc" (Thơ); "Vợ chồng A Phủ", "Vợ nhặt" (Văn)
2) Văn học thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc: "Tiếng hát con tàu" - chương trình nâng cao (Thơ); "Người lái đò sông Đà" (Bút ký).
3) Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: "Đất nước", "Sóng" (Thơ); "Những đứa con trong gia đình", "Rừng xà nu" (Văn).
4) Văn học thời kỳ xây dựng đất nước sau 1975: "Đàn ghi ta của Lor-ca" (Thơ), "Ai đã đặt tên cho dòng sông", "Một người Hà Nội" - chương trình nâng cao, "Chiếc thuyền ngoài xa" (Văn).

 Môn Văn khi đi thi có phải học thuộc hết chương trình hay không?(Lê Thành Đạt, 18 tuổi, ngoinhaha@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Nguyên tắc ra đề là nội dung đã được học trong chương trình, vì thế học hết chương trình mới có thể vững vàng bước vào phòng thi. Song đó là với yêu cầu tối đa. Trong trường hợp học sinh không thể bao quát hết kiến thức của tác phẩm thì cũng phải nắm được kiến thức giai đoạn, kiến thức thể loại để tránh lẫn lộn. Em vẫn có thể đạt điểm 5 hoặc hơn thế nếu biết cách viết văn và nắm chắc 2/3 số tác phẩm.
Đừng nghĩ môn Văn là học thuộc, sẽ ngại. Em hãy đọc lại các tác phẩm xem mình hiểu được bao nhiêu. Nhớ được các nhân vật chính, hiểu về họ trên những nét cơ bản và nhớ được hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng cũng như nội dung của các bài thơ thì em có thể yên tâm phần nào. Môn Văn không yêu cầu chính xác từng chữ, hãy nuôi cảm xúc cho mình thì sẽ không ngại học.

* Thưa cô Kim Anh, trong quá trình làm bài Văn chúng em nên tránh những lỗi gì? (một học sinh)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Về nội dung, học sinh thường yếu kỹ năng phân tích và xử lý đề. Các em thường mắc lỗi:
  • Kể lại nội dung tác phẩm, đôi chỗ có bình luận tùy hứng
  • Lần lượt theo từng nhân vật như bài phân tích mà không biết chỗ nào chính, chỗ nào phụ. Học sinh làm theo bài học chứ không làm theo đề
  • Suy luận về diễn biến từ tâm lý đến hành động của nhân vật như ngoài đời sống. Vì những suy luận này không phải học bài. Mặt khác, do học sinh chủ quan nghĩ văn học là tấm gương soi hiện thực một cách y nguyên mà quên yếu tố nghệ thuật của văn chương.
  • Nếu đề nêu nhận định, ý kiến để làm rõ thì ý kiến, nhận định đó cần trở đi trở lại trong bài để soi chiếu, nhấn nhá và tô đậm.
Về hình thức thì các em hay mắc những lỗi sau:
•  Mở bài quá vòng vo, quá dài, học sinh quên rằng văn mở bài là loại văn nén. Câu có tính khái quát, cảm xúc cũng chưa thể diễn tả. Cần nhớ 3 nét chính là tác giả, tác phẩm, nội dung sẽ giải quyết trong bài. Nếu muốn ấn tượng từ dẫn gợi, thu hút thì cũng cần ngắn gọn.
•  Thân bài phải chia thành các đoạn văn. Mỗi đoạn văn cần rõ chủ đề, ý bào trùm.
•  Thông thường thân bài có thể bao gồm 5-7 đoạn văn. Dù chủ quan thấy cần liền mạch đến đâu cũng cần nhớ chia nội dung bài thành các đơn vị kiến thức là yêu cầu bắt buộc về hình thức.
•  Kết bài thường vội vàng và thiếu phần mở rộng, liên hệ. Đây chính là phần tạo dư âm cho bài văn. Hãy coi một bài văn là một tác phẩm của người viết để nghĩ, mình đã tạo được ấn tượng gì, nói rõ được điều gì để thầy cô chấm bài mình có thể tiếp nhận, đồng cảm với mình?

Làm thế nào để có thể đạt điểm tốt môn Văn phần nghị luận xã hội ạ? (trần thị anh thư, 18 tuổi, pethu94@...) 
- Cô Nguyễn Kim Anh: Rất đơn giản. Mọi đề nghị luận xã hội đều chung một cách giải.
1. Giải thích khái niệm mà đề nêu, nhận ra vấn đề cần nghị luận (bàn bạc).
2. Bàn bạc: phân tích và chứng minh bằng lý luận và thực tế (ở mức độ của một học sinh).
3. Nêu theo hai chiều thuận và nghịch:
- Thuận: Nếu theo như thế thì sao? Nêu gương người tốt, việc tốt.
- Nghịch: Nếu không theo thì sao? Nêu những thực trạng cần thay đổi.
Ví dụ: đề về bảo vệ môi trường
4. Giải pháp (có thể là đề xuất giải pháp với nhà trường, gia đình, thành phố, nhà nước...)
Có một kết luận ngắn tạo dư âm cho bài.


Vừa học vừa chán môn văn


Nhiều hiện tượng trong việc dạy và học môn văn thời gian qua cho thấy môn học này ngày càng mất dần sức hút với học sinh.
Một bài văn hay, viết bằng cảm xúc thực, không giống bất cứ khuôn mẫu nào lập tức được dư luận xôn xao là “văn lạ”. Một bài văn miêu tả thực trạng môi trường học đường bị cho là ý thức kém... Những điều ấy đã cho thấy thực trạng đáng buồn trong việc dạy và học văn hiện nay.

Khiên cưỡng và dung tục hóa
Một giáo viên Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, trong chương trình dạy môn văn, tác giả biên soạn có vẻ đổi mới, gắn quá khứ với hiện tại để gần gũi với học sinh (HS), nhưng có những yêu cầu hết sức khiên cưỡng, dung tục hóa và làm HS chán ngán.
Ví dụ, sách ngữ văn lớp 6, trang 134, phần luyện tập của bài Kể chuyện tưởng tượng yêu cầu: “Hãy tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, xi măng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động, xe lội nước”.
GS Phong Lê - nhà phê bình, nghiên cứu văn học, chỉ ra rằng trong tài liệu Hướng dẫn dạy văn lớp 12 dùng để bồi dưỡng giáo viên sử dụng phương pháp trắc nghiệm, bài Tây Tiến của Quang Dũng có câu hỏi như sau: “Vì sao tác giả viết: “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc?”.
Câu hỏi trắc nghiệm thì thế, còn các phương án cho học sinh chọn để trả lời hoàn toàn đúng về kỹ thuật nhưng... không có một chút gì liên quan đến cái gọi là “cảm thụ văn học”: “A. Vì có nhiều chiến sĩ bị sốt rét rụng hết tóc; B. Vì có nhiều chiến sĩ cạo trọc đầu; C. Vì muốn diễn tả vẻ đẹp oai hùng của đoàn quân”?!
Tương tự, bài Rừng Xà Nu: “Bọn giặc bắn đại bác theo lệ nào? A. Mỗi ngày một lần; B. Mỗi ngày hai lần; C. Mỗi ngày ba lần; D. Tùy hứng mỗi ngày”?! Hoặc: “Rừng Xà Nu có ý nghĩa như thế nào đối với làng? A. Che chở cho làng; B. Cung cấp gỗ cho làng; C. Cung cấp củi cho làng; D. Cung cấp nước cho làng”?!

Bỏ qua sự yêu thích của người học
Bà Nguyễn Thị Như Hương - giáo viên dạy văn Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, cho rằng: “Đổi thang nhưng không đổi thuốc chính là tình trạng của môn ngữ văn dạy trong trường phổ thông hiện nay”.
Theo bà Hương, không ai phủ nhận những tác phẩm đưa vào giảng dạy trong nhà trường hiện nay rất hay nhưng cái khó nhất mà người trực tiếp đứng lớp mới cảm nhận được, là người học có chịu chấp nhận không. Xưa nay chúng ta bỏ qua yêu cầu HS yêu thích cho nên bao nhiêu tác phẩm chúng ta cho là hay đều trượt khỏi tâm trí lớp trẻ.
Do vậy, để giới thiệu cho HS về thời kỳ văn học cổ, quá xa xưa với thời kỳ mà HS đang sống, chỉ nên chọn giới thiệu trong sách giáo khoa những tác phẩm thật đặc sắc nhưng cũng phải phù hợp với khả năng cảm nhận, thẩm thấu của người học. Mục đích chính là để người học biết được đặc trưng văn học nước nhà qua từng thời kỳ.
Một giáo viên dẫn chứng: “Học kỳ 1 của lớp 7 chúng tôi phải dạy gần chục bài thơ cổ với văn bản Hán - Việt. Giáo viên khó mà giúp HS hiểu hết được ý nghĩa của những tác phẩm này chỉ trong thời lượng một, hai tiết học.
Ví dụ, bài Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) của tác giả Hạ Tri Chương, thật sự bài thơ mang triết lý sống hết sức sâu xa của những người già thời xưa, ngay người lớn còn khó chiêm nghiệm hết ý nghĩa của nó, huống hồ là HS lớp 7”.
Chính vì vậy, GS Phong Lê đề xuất môn văn trong trường phổ thông cần đề cập tới những vấn đề chung của nhân quần, của con người, chứ không phải chỉ của một bộ phận người hoặc của một thời.
“Cách mạng, chiến tranh là chuyện lớn nhưng cũng đã trở thành lịch sử sau nhiều chục năm. Cái đó cần, nhưng phải cân đối một tỷ lệ vừa phải. Sách giáo khoa phải thay đổi bằng những nội dung mới. Nếu không sẽ tiếp tục thảm trạng học trò chán môn văn, mà đã chán thì học chỉ là đối phó”, GS Lê phân tích.

Học để đối phó
Chương trình đã vậy, cách giảng dạy của giáo viên, cách thi cử cũng là một yếu tố quan trọng không kém làm cho môn văn trở thành nặng để đối phó với HS.
Nhiều giáo viên cho rằng chỉ có yêu thích thì học trò mới có nhu cầu đọc và muốn được khám phá tác phẩm một cách thực sự. Mọi sự gượng ép chỉ khiến thầy cố thách thức trò và trò đáp lại bằng sự chống đối. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nói: “Thực tế dự giờ, tôi thấy có rất nhiều tiết văn, giáo viên cứ bắt HS đi theo đúng hướng mà mình cho là đúng, là hay”.
GS Trần Đình Sử - Tổng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn nâng cao THPT, nhận định: “Ở trường THPT phần nhiều vẫn thực hiện lối dạy bắt người học ghi nhớ, học thuộc để ứng phó nhu cầu thi cử bởi cung cách thi cử, ra đề, soạn đáp án, chấm bài, đếm ý vẫn như cũ. Có thể giáo viên ngày nay ít “đọc chép” theo nghĩa đen, nhưng họ vẫn đọc chép dưới nhiều hình thức khác”.

Không dám xa rời sách giáo khoa
PGS Nguyễn Văn Long - nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội, phát biểu: “Điều đáng ngạc nhiên là từ khi thi ĐH “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả xét tuyển - PV) đến nay, đề thi môn văn nhất thiết chỉ có thể nằm trong các văn bản ở sách giáo khoa.
Không một ai, không một trường nào lại dám đưa vào đề thi một bài văn hoặc thậm chí chỉ một đoạn thơ không có trong sách giáo khoa. Chính từ cách hiểu như thế, cách ra đề như thế, đã dẫn đến cách học thi như lâu nay.
Nghĩa là, thí sinh chỉ cần thuộc cho kỹ những đoạn phân tích, bình giảng về các tác phẩm, hay về một đoạn trong tác phẩm ấy, đã được cung cấp trong bài giảng của thầy, trong các sách văn mẫu.
Và như thế, môn văn ngày càng xa rời đời sống, không coi trọng việc phát triển năng lực của người học, còn các kỳ thi thì chủ yếu đánh giá khả năng ghi nhớ, thuộc bài, viết lại theo mẫu của thí sinh. Cách dạy học và thi như thế tất sẽ dẫn đến tình trạng chán học văn của số đông HS”.
Theo Tuệ Nguyễn - La Giang
Thanh Niên