Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung gì ạ?
* Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung
gì ạ? (ngyen thanh tam, 18 tuổi, thuy_linh-kute@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Câu hỏi của em là toàn bộ hai cuốn
sách tập I và II môn ngữ văn lớp 12. Tuy nhiên, cô có thể trả lời ngắn gọn là
em phải nắm vững cấu trúc của đề: một là câu tái hiện kiến thức (2 điểm), hai
là câu nghị luận xã hội (3 điểm), và câu thứ ba là nghị luận văn học (5 điểm).
Thế cũng có nghĩa là em phải ôn học thuộc lòng khá nhiều, nhưng nếu nắm chắc
trong quá trình học những ý chính thì việc được 5 điểm không khó.
Cụ thể em nên hệ thống hóa kiến thức bằng
cách lập bảng các bài học. Ví dụ: chia theo thơ gồm có các bài thơ nào theo thứ
tự chương trình và văn là những bài nào. Sau đó rà soát lần lượt ôn theo trình
tự nhất định, tránh nhảy cóc rồi quay lại sẽ lẫn lộn.
* Cho em hỏi phương pháp ôn tập và thi
đạt kết quả tốt môn Ngữ văn cả ôn thi tốt nghiệp và đại học. Môn Văn thì
nhiều dẫn chứng và có những phần giáo viên lướt qua hoặc không dạy ( như những
nhân vật phụ). Vậy khi ôn thi, em có nên bỏ qua những phần đó hay không? Những
phần Bộ giảm tải thì đề đại học có ra không? (Phạm Đình Bảo, 18 tuổi,
pham_daithieugia@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Thứ
nhất, yêu cầu của hai kỳ thi khác nhau nên không thể một công đôi việc hoàn
toàn, song nếu ôn tốt cho kỳ thi tốt nghiệp thì việc ôn thi đại học sẽ nhàn hơn
rất nhiều. Nếu ôn tốt nghiệp là những nhân vật chính thì ở ôn thi đại học
sẽ bổ sung cả những nhân vật phụ và những chi tiết nghệ thuật đặc tả trong tác
phẩm sẽ được bình sâu ở kỳ thi đại học.
Thứ hai, cần có cách để nhớ dẫn chứng. Đó
không hoàn toàn là học thuộc lòng những đoạn văn dài nhưng các em buộc phải nhớ
những câu hoặc cụm từ tiêu biểu. Ví dụ: khi nói về vẻ đẹp của cô Mị, tác giả
chỉ nói gián tiếp "trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị". Câu
này phải nhớ. Song mẹo nhớ là nên đi cùng với hình ảnh trong hình dung thì bài
sẽ đọng hơn. Tuy nhiên, có lúc ngồi làm bài, nếu không biết mình nhớ có chính
xác không, thì không nên đưa vào ngoặc kép. Như trường hợp trên, có học sinh
viết là "đầu giường Mị" - gây hiểu nhầm - hay lỗi nhẹ
hơn là "đầu phòng Mị" thì vẫn phải bỏ dấu ngoặc kép. Khi đó là văn
của người viết bài, sẽ đỡ lo bị trừ điểm.
Những phần Bộ giảm tải, chắc chắn sẽ
không có trong một câu hỏi chính thức của đề thi tốt nghiệp cũng như đại học.
Nhưng môn Văn không thể bỏ qua kỹ năng liên tưởng, liên hệ. Nếu học sinh có
được kiến thức từ những bài đã được giảm tải, chắc chắn sẽ thuyết phục giám
khảo hơn nhiều. Bài văn sẽ phong phú và cho thấy người học chịu khó rộng mở,
thu nhận kiến thức. Người học đối phó không thể có bài viết như vậy. Tôi đã
từng đi chấm thi nhiều, tôi luôn trân trọng các bài thi có phần mở rộng, liên
hệ, sáng tạo. Các đồng nghiệp khác của tôi đều như thế. Nhất là trong trường
hợp chấm nhiều bài, thì bài nào có nét riêng sẽ được đánh giá cao hơn.
Thưa cô, học sinh trung bình (dở môn Văn)
nên tập trung vào phần nào trong ba phần của để thi? (thanhthuythixdua@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Dù dở thế nào thì em cũng biết mình có
khả năng phân tích thơ hơn hay phân tích văn hơn. Nếu đâu là điểm chưa mạnh thì
lúc này "đầu tư" vẫn kịp. Ví dụ: đã từng có những học sinh học lệch
văn hoặc thơ, và nghĩ rằng sẽ chọn ở câu 5 điểm làm một trong hai thể loại này.
Tuy nhiên, cách đây mấy năm đề thi cả hai câu đều là văn. Vì vậy không nên tự chặn
con đường của mình.
Câu nghị luận xã hội không bó hẹp kiến
thức nên học sinh cũng dễ có được điểm 1,5 đến 2 điểm miễn là biết suy luận và
có hiểu biết từ cuộc sống. Ví dụ: với đề hỏi về tác dụng của việc đọc sách. Các
em hoàn toàn không phải ôn tập song cần phải là người từng đọc sách, từng mê
sách thì chắc chắn bài làm sẽ thuyết phục được người chấm. Cũng có trường hợp
chỉ nghe thầy cô và cha mẹ nói về tác dụng của đọc sách mà em viết vào bài làm
cũng vẫn có thể đạt điểm không tệ. Những câu yêu cầu kiến thức xã hội không
được bỏ qua hay xem nhẹ.
Cũng cần lưu ý có câu trong đề không nói
thẳng mà mượn một câu ví von, so sánh, ...thì phải có thao tác quy đổi. Ví dụ:
"Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta cũng vương mùi hương." Có thể hiểu
là đề yêu cầu viết về tình bạn và sự giúp đỡ, hy sinh cho tình bạn.
Thưa cô cho em hỏi, học môn văn như thế
nào để có thể được 5 điểm. Đối với em kiếm điểm 5 môn này cũng không dễ? Đề thi
có 3 phần, dài quá, thời gian không đủ để làm hoàn chỉnh được. Xin cô chỉ cách
học và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp môn Văn ạ? (hongdao _truongthi@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Đầu tiên, cần lập ý sơ lược của các câu
vào tờ giấy nháp. Sau đó, canh giờ dành cho từng câu. Cụ thể: câu 1 nên dành
khoảng 20 phút, câu 2 khoảng 40 phút, còn lại 90 phút cho bài văn. Tất nhiên,
không cần canh chính xác từng phút, song cũng phải lưu ý vì một đặc điểm của
môn Văn, kể cả với học sinh giỏi, dễ bị để cảm xúc cuốn đi.
Nhiều năm qua, với câu 3 điểm - nghị luận
xã hội, học sinh thường dồn toàn bộ cảm hứng mà quên rằng đó là câu 3 điểm.
Thậm chí ra khỏi phòng thi, khoe bố mẹ làm được điểm vẫn là khoe về câu 3 điểm.
Muốn đạt 5 điểm thì em nên xác định không được bỏ qua cả câu trên (2 điểm) và
câu dưới (5 điểm). Kể cả câu 2 điểm, mình chỉ làm được 0,5 điểm cũng viết. Các
cụ có câu "Năng nhặt chặt bị". Vì ở mỗi câu chỉ nhặt ra khoảng 60%
đạt yêu cầu thì em mới yên tâm được điểm 5. Lý do còn xem chữ nghĩa, lỗi chính
tả và cách diễn đạt của em thế nào nữa. Chúc thành công!
Cô giáo em thường phê bình tụi em rất dễ
lạc đề môn văn (tức là đề ra một đàng làm một nẻo). Nhưng em không biết cách
làm sao để không lạc đề... Còn nữa, cô em cũng nói, bài thi phải có ý rõ ràng
và trùng khớp với đáp án mới có điểm, sao khó quá vậy? Tụi em
không có nhiều thời gian làm bài, nghĩ ra gì lo viết hết còn không kịp giờ
nữa... vậy làm sao để bài làm có ý và đủ ý hả cô? (minhman_cao@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Vì học sinh thường bỏ qua việc làm nháp,
lập ý văn nên dễ sa vào miên man, thiếu định hướng. Trong một bài văn có
các đơn vị kiến thức yêu cầu đầu tư thời gian như nhau. Vậy mà có nội dung nhẩn
nha, lại có nội dung bị qua quýt vì thiếu thời gian. Khi phân tích thơ, học trò
say sưa với một câu rồi liên hệ ý thơ đó từ nhiều bài thơ khác mà quên mất đoạn
thơ cần phân tích còn rất nhiều nội dung chưa chạm đến.
Trong văn xuôi, khi phân tích nhân vật
Mị, học sinh say sưa miêu tả sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc của Mị
mà bỏ qua mất nỗi khổ: "sống không bằng con trâu con ngựa". Học sinh
đó đã quên rằng chính việc sống khổ mà vẫn có sức sống, có khao khát thì càng
tăng giá trị nhân văn cho hình tượng nhân vật.
Trên đây là những bài bị lệch nội
dung do thiếu sắp xếp thời gian cho mỗi phần. Trường hợp lạc đề hẳn thì thật
đáng tiếc. Chắn chắn là do em không thuộc bài, không nắm được những ý cơ bản
nhất.
Đây là "mẹo": trong quá trình
ôn thi, em thử ngẫm nghĩ các nhân vật trong tác phẩm thấy ai thân thân như một
người quen biết thì yên tâm, còn ai hoàn toàn xa lạ, thậm chí nhầm tên, thì
phải đọc lại ngay tác phẩm + vở ghi dàn ý của cô giáo và tham khảo thêm ở những
cuốn sách có bài khai thác về nhân vật.
Để khỏi lẫn, cũng cần nhớ nhân vật trong
giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Ví dụ nhân vật Tràng là trong nạn đói khủng
khiếp năm 1945, nhân vật Tnú là ở Tây Nguyên thời chống Mỹ, nhân vật người đàn
bà trong "Chiếc thuyền ngoài xa" là thời kỳ sau chiến tranh,...
Em muốn hỏi thầy cô: làm cách nào ôn thi
môn văn hiệu quả và thi đạt điểm cao? Năm nay thi văn, sử, địa em nên phân bố
thời gian ôn thế nào cho hợp lý? em xin cảm ơn.(nhung dieu chua hieu, 18 tuổi,
lanfthang1052003@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Muốn ôn thi môn văn hiệu quả phải đảm
bảo vừa ôn khái quát hệ thống tác phẩm, trong từng tác phẩm phải nhớ được những
nội dung chính nhất, hệ thống nhân vật... Ngoài ra còn phải biết hành văn
lưu loát, lập luận sắc sảo, có sáng tạo.
Để ôn được các môn thi, cần phải có thời
gian thích hợp. Có thể chia các ngày trong tuần theo lịch: ví dụ thứ Hai ôn
Toán, thứ Ba ôn Hóa, thứ Tư ôn Ngoại ngữ, những ngày còn lại ôn lần lượt
Văn-Sử-Địa. Em nên biết khi nắm được kiến thức Lịch sử cũng là hỗ trợ rất tốt
cho việc làm văn. Cụ thể như nhìn nhận về hoàn cảnh sáng tác, ứng xử của nhân
vật trong hoàn cảnh của tác phẩm... Tuy nhiên mỗi ngày chỉ dành 60% thời gian
học cho môn theo lịch, còn 40% là theo yêu cầu của thầy cô theo thời khóa biểu
của lớp. Theo quy luật ghi nhớ của não, học nhắc lại nhiều lần thì sẽ khắc sâu
hơn một lần học dù thật lâu.
Có người nói, phần nghị luận văn học chỉ
cần học thuộc bài thầy cô giảng là có thể có điểm. Có thật vậy không cô?
- Cô Nguyễn Kim Anh: Đúng vậy, phải thuộc bài thầy cô giảng và
viết được thành văn của mình, chứ dàn ý ở trên lớp thì chưa đủ. Có nhiều giáo
viên đọc cho chép bài mẫu. Nhưng môn văn là cảm hứng. Em có thích mình đơn
thuần là một con vẹt không? Đó là chưa kể làm sao có thể thuộc mấy chục bài văn
mẫu?
Em xin hỏi những kinh nghiệm để hệ thống kiến
thức môn Ngữ văn? (Anh khoa, 18 tuổi, nhatvy0308...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Có hai cách chia: một là theo thể loại,
hai là theo thời kỳ - giai đoạn lịch sử.
Cách thứ nhất: liệt kê các tác phẩm là
thơ: "Tây Tiến", "Việt Bắc", "Đất nước",
"Sóng", "Đàn ghi ta của Lor-ca". Sau đó liệt kê các tác
phẩm là văn xuôi (là truyện ngắn): "Vợ chồng A Phủ", "Vợ
nhặt", "Rừng xà nu", "Những đứa con trong gia đình",
"Chiếc thuyền ngoài xa". Về thể loại bút ký: "Người lái đò
sông Đà", "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Về văn chính luận:
"Tuyên ngôn Độc lập", "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong
văn nghệ của dân tộc", "Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống
AIDS 1-12-2003".
Kẻ bảng thống kê hoàn cảnh sáng tác, ý
nghĩa nhan đề, nội dung, nghệ thuật.
Giống như một người kiểm lại tài sản của
mình, biết mình có bao nhiêu để quyết định gom góp làm việc hữu ích. Sau khi
lập bảng, chắc chắn em sẽ biết được mình đang quen hay rất xa lạ với tác phẩm
nào. Cô hy vọng số xa lạ ít thôi.
Cách thứ hai là theo thời kỳ - giai
đoạn lịch sử. Ưu điểm của cách này là không nhầm lẫn nhân vật với thời đại. Văn
học Việt Nam
từ 1945-hết thế kỷ 20 có thể chia thành 4 thời kỳ:
1) Văn học thời kỳ kháng chiến chống
Pháp: "Tây Tiến", "Việt Bắc" (Thơ); "Vợ chồng A
Phủ", "Vợ nhặt" (Văn)
2) Văn học thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở miền Bắc: "Tiếng hát con tàu" - chương trình nâng cao (Thơ);
"Người lái đò sông Đà" (Bút ký).
3) Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ:
"Đất nước", "Sóng" (Thơ); "Những đứa con trong gia
đình", "Rừng xà nu" (Văn).
4) Văn học thời kỳ xây dựng đất nước sau
1975: "Đàn ghi ta của Lor-ca" (Thơ), "Ai đã đặt tên cho dòng
sông", "Một người Hà Nội" - chương trình nâng cao, "Chiếc
thuyền ngoài xa" (Văn).
Môn Văn khi đi thi có phải học thuộc hết
chương trình hay không?(Lê Thành Đạt, 18 tuổi, ngoinhaha@...)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Nguyên tắc ra đề là nội dung đã được học
trong chương trình, vì thế học hết chương trình mới có thể vững vàng bước vào
phòng thi. Song đó là với yêu cầu tối đa. Trong trường hợp học sinh không thể
bao quát hết kiến thức của tác phẩm thì cũng phải nắm được kiến thức giai
đoạn, kiến thức thể loại để tránh lẫn lộn. Em vẫn có thể đạt điểm 5 hoặc hơn
thế nếu biết cách viết văn và nắm chắc 2/3 số tác phẩm.
Đừng nghĩ môn Văn là học thuộc, sẽ ngại.
Em hãy đọc lại các tác phẩm xem mình hiểu được bao nhiêu. Nhớ được các nhân vật
chính, hiểu về họ trên những nét cơ bản và nhớ được hoàn cảnh sáng tác, cảm
hứng cũng như nội dung của các bài thơ thì em có thể yên tâm phần nào. Môn Văn
không yêu cầu chính xác từng chữ, hãy nuôi cảm xúc cho mình thì sẽ không ngại
học.
* Thưa cô Kim Anh, trong quá trình làm
bài Văn chúng em nên tránh những lỗi gì? (một học sinh)
- Cô Nguyễn Kim Anh: Về nội dung, học sinh thường yếu kỹ năng
phân tích và xử lý đề. Các em thường mắc lỗi:
- Kể lại nội dung tác
phẩm, đôi chỗ có bình luận tùy hứng
- Lần lượt theo từng nhân
vật như bài phân tích mà không biết chỗ nào chính, chỗ nào phụ. Học sinh
làm theo bài học chứ không làm theo đề
- Suy luận về diễn biến từ
tâm lý đến hành động của nhân vật như ngoài đời sống. Vì những suy luận
này không phải học bài. Mặt khác, do học sinh chủ quan nghĩ văn
học là tấm gương soi hiện thực một cách y nguyên mà quên yếu tố nghệ thuật
của văn chương.
- Nếu đề nêu nhận định, ý
kiến để làm rõ thì ý kiến, nhận định đó cần trở đi trở lại trong bài để
soi chiếu, nhấn nhá và tô đậm.
Về hình thức thì các em hay mắc những lỗi
sau:
• Mở bài quá vòng vo, quá dài, học
sinh quên rằng văn mở bài là loại văn nén. Câu có tính khái quát, cảm xúc
cũng chưa thể diễn tả. Cần nhớ 3 nét chính là tác
giả, tác phẩm, nội dung sẽ giải quyết trong bài. Nếu muốn ấn tượng từ dẫn gợi,
thu hút thì cũng cần ngắn gọn.
• Thân
bài phải chia thành các đoạn văn. Mỗi đoạn văn cần rõ chủ đề, ý bào trùm.
• Thông
thường thân bài có thể bao gồm 5-7 đoạn văn. Dù chủ quan thấy cần liền mạch đến
đâu cũng cần nhớ chia nội dung bài thành các đơn vị kiến thức là yêu cầu bắt
buộc về hình thức.
• Kết bài thường vội vàng và thiếu phần
mở rộng, liên hệ. Đây chính là phần tạo dư âm cho bài văn. Hãy coi một bài văn
là một tác phẩm của người viết để nghĩ, mình đã tạo được ấn tượng gì, nói rõ
được điều gì để thầy cô chấm bài mình có thể tiếp nhận, đồng cảm với mình?
Làm thế nào để có thể đạt điểm tốt môn
Văn phần nghị luận xã hội ạ? (trần thị anh thư, 18 tuổi, pethu94@...)
- Cô
Nguyễn Kim Anh: Rất đơn giản. Mọi đề nghị luận xã hội đều
chung một cách giải.
1. Giải thích khái
niệm mà đề nêu, nhận ra vấn đề cần nghị luận (bàn bạc).
2. Bàn bạc: phân
tích và chứng minh bằng lý luận và thực tế (ở mức độ của một học sinh).
3. Nêu theo hai
chiều thuận và nghịch:
- Thuận: Nếu theo
như thế thì sao? Nêu gương người tốt, việc tốt.
- Nghịch: Nếu
không theo thì sao? Nêu những thực trạng cần thay đổi.
Ví dụ: đề về bảo
vệ môi trường
4. Giải pháp (có
thể là đề xuất giải pháp với nhà trường, gia đình, thành phố, nhà nước...)
Có một kết luận
ngắn tạo dư âm cho bài.