Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012


Vợ nhặt của Kim Lân, nhìn từ tình huống
1) Xác định tình huống truyện.
Câu hỏi của chúng ta :"Toàn bộ truyện ngắn Vợ nhặt xoay quanh sự kiện nào ? hay sự kiện nào đã bao trùm chi phối toàn bộ thiên truyện này ?" Sau khi lướt qua các tình tiết chính của thiên truyện này ta dễ dàng thấy rằng hạt nhân của truyện ngắn Vợ nhặt  một cuộc hôn nhân kì lạ. Và đó chính là cái "tình thế nảy ra truyện", cái tình huống của câu chuyện.
2. Phân tích tình huống truyện
2.1. Diện mạo của tình huống
Nói hôn nhân trong Vợ nhặt kì lạ, ít nhất vì ba lẽ. Một là, sự đảo lộn về giá trị : Tràng - một gã trai nghèo khổ, thô kệch, lại là dân ngụ cư, lâu nay ế vợ, bỗng dưng "nhặt" được vợ, mà lại là vợ theo không (khác nào từ "vô giá trị" bỗng thành …"vô giá" !). Hai là, sự ngược đời : Tràng lấy vợ vào lúc không ai lại đi lấy vợ - giữa những ngày nạn đói đang lăm le cướp đi mạng sống của mỗi người. Ba là, nghịch lí : một đám cưới thiếu tất cả mà lại như đủ cả (Chỉ cần làm một so sánh nhỏ với chương "Hạnh phúc của một tang gia" trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng cũng có thể thấy ngay. Đám tang cụ Cố Tổ cực kì long trọng to tát, thừa thãi mọi hình thức, đồ lễ và nghi lễ. Chỉ thiếu duy nhất một thứ, ấy là lòng xót thương dành cho người quá cố. Mà thiếu điều này, thì xem như là thiếu tất cả. Còn cuộc hôn nhân này ? Thì thiếu tất cả. Kể cả những lễ nghi tối thiểu nhất của một đám cưới. Thế nhưng, nó lại có cái quan trọng nhất, cốt lõi nhất : sự  thương yêu gắn bó thực lòng. Mà đã có được điều này, thì những cái thiếu kia đều không còn đáng kể, thậm chí đều trở nên vô nghĩa). Những điều này quyết định đến việc tổ chức mạch chuyện và cả cấu tứ của thiên truyện nữa.
 2.2. Diễn biến của tình huống truyện
2.2.1. Diễn biến mạch truyện
Không phải ngẫu nhiên mà mạch chuyện là một chuỗi ngạc nhiên kế tiếp. Khi Tràng dẫn vợ về thì cả xóm ngụ cư ngạc nhiên. Thoạt tiên là lũ trẻ. "Lũ ranh" ấy bỗng nhiên mất hẳn đi một bạn chơi, khi có đứa chợt nhận ra quan hệ của họ là "chông vợ hài". Còn đám người lớn thì ngớ ra "không tin được dù đó là sự thật". Khi đã tỏ, họ tò mò thì ít mà ái ngại nhiều hơn :"Giời đất này còn rước cái của nợ đời về". Tiếp đó là bà cụ Tứ. Tràng lấy được vợ là điều bà đêm mong ngày tưởng, vậy mà khi sự xảy đến, bà hoàn toàn không tin nổi - không tin vào mắt mình (ngỡ mình trông gà hoá cuốc), không tin vào tai mình (quái, sao lại chào mình bằng "u"). Song, đáng nói nhất vẫn là Tràng. Là"thủ phạm" gây ra tất cả, mà vẫn không hết ngạc nhiên (chẳng những cứ đứng "tây ngây" giữa nhà tối hôm trước mà đến tận hôm sau, qua một đêm có vợ rồi nhưng "hắn cứ lơ lửng như người đi ra từ trong một giấc mơ"). Trong chuỗi ngạc nhiên ấy, ta đọc thấy những định nghĩa xót xa về người vợ : Vợ là cái của nợ đời, vợ là gánh nặng phải đèo bòng... Có thể nói, chưa có ở đâu giá trị của người vợ lại thấp kém, lại bèo bọt như hoàn cảnh này. Và cũng chưa bao giờ, hạnh phúc lại có một nghĩa lí đáng sợ như ở đây : hạnh phúc là một mạo hiểm, một nguy cơ ! Như vậy, tạo được tình huống này, tác phẩm đã tố cáo được tội ác của Phát xít Nhật, kẻ đã gây ra nạn đói khủng khiếp, không chỉ cướp đi sinh mệnh của mấy triệu người Việt Nam, mà còn đánh tụt giá người xuống hàng cỏ rác bèo bọt. Mặt khác cũng lầm toát lên được niềm tin vào bản chất Người trong con người : dù hoàn cảnh muốn biến Con Người thành Bèo Bọt, nhưng Con người vẫn không chịu làm Bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn làm Người. Nghĩa là một tình huống đem lại tầm vóc nhân văn đáng nể cho tác phẩm.
 2.2.2. Diễn biến trong tình thế
2.2.2.1. Trước hết, đó là tình huống đùa mà không đùa.
Hôn nhân là một chuyện hệ trọng và thiêng liêng vào bậc nhất của đời sống nhân sinh. Ấy thế mà ở đây, hoàn cảnh tai ác và cả con người nữa như muốn biến thành trò đùa - "Tràng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai lần thế mà thành chuyện". Nếu trước sau chỉ là một trò đùa, thì Con người đã thành Bèo bọt. May thay, các nhân vật đã bước ra khỏi trò đùa kia với tư cách Con người. Một diễn biến như thế, có thể thấy về bản chất là : Cảnh ngộ cứ lăm le Bèo bọt hoá Con người, nhưng Con người đã vượt lên cả cảnh ngộ lẫn bản thân mình.
Nhìn từ phía cô "vợ nhặt", cái đói quay quắt ném cô vào một đời sống vất vưởng. Đời sống vất vưởng nghiệt ngã đã biến cô thành một kẻ chanh chua, chao chát, cong cớn, trơ tráo. Không chỉ làm biến dạng tính cách con người, nạn đói khủng khiếp còn như một cơn lũ lớn đã cuốn phăng đi bao sinh mệnh. Chới với giữa dòng lũ, tiếng nói thường trực nhất, tất nhiên, là tiếng nói của bản năng : cần phải sống đã, cần phải bám ngay vào một cái gì có thể bám được. Và bản năng ham sống đã xui khiến cô làm tất cả những gì có thể để thoát khỏi cái chết đang đe dọa từng giờ từng phút. Thật may mắn, cô đã bám được vào một cái cọc, thoạt đầu có vẻ ơ hờ không đâu, té ra lại vững vàng đáo để. Cái cọc ấy có tên là Tràng. Đầu đuôi, chưa phải là bám vào Tràng, hay bám vào cái xe bò, mà là bám vào một cái rất không đâu, rất mong manh vô hình, ấy là... câu hò không địa chỉ của Tràng. Để làm được kì công ấy, cô đã biến một câu hò đùa vu vơ giữa chợ thành một lời hứa hẹn thật ("Muốn ăn cơm trắng mấy giò này, lại đây mà đẩy xe bò với anh nì"). "Kì công" nhất là, biến một lời rủ rê đùa thành... một lời cầu hôn chính thức ("Làm đếch gì đã có vợ. Nói thế chứ muốn về với tớ thì ra sửa soạn các thứ rồi cùng về !). Có phải bản năng đã hoàn toàn lấn át danh dự ? Nếu quả thực chỉ có thế, thì cô cũng chỉ là một thứ Bèo bọt, không hơn không kém. Nhìn kĩ, bên trong chưa hẳn đã mất hết lòng tự trọng. Nếu hoàn toàn không còn ý thức ấy, hẳn ở cô không thể có những cung cách như khi nhìn thấy căn lều rách nát của mẹ con Tràng, cô đã nén một tiếng thở dài trong ngực, không thể ngồi mớm bên giường ôm khư khư cái thúng trong lòng, không thể đêm khuya cứ ngồi bần thần bất động trong khi Tràng đã sốt ruột leo lên giường mong hưởng đêm tân hôn. Nhất là cái cung cách ứng xử vào sáng hôm sau : không phải việc lao vào dọn dẹp cùng với mẹ chồng từ sáng sớm- việc ấy nghĩ cũng bình thường !- mà là: khi nhận bát "chè khoán" từ tay bà cụ Tứ, mắt thị chợt tối lại, sau đóvà ăn một cách điềm nhiên. Thái độ và cung cách như thế chỉ có thể có ở một người có ý thức sâu về cảnh ngộ mình cùng thân phận mình. Té ra, những chao chát, chỏng lỏn, cong cớn kia chỉ là những du nhập từ ngoài vào, như một thứ vũ khí để tự vệ, để đối phó với cảnh sống vất vưởng thôi. Bản tính sâu xa đến giờ mới hiện ra, mà cơ chừng cuộc hôn nhân này mới làm hồi sinh thì phải ! Như thế, nảy nở bởi một trò đùa, nhưng bên trong con người vốn dĩ là một cái mầm nghiêm túc luôn khát sống và khát làm Người. Ta mới hiểu được vì sao, cô tự rơi vào một hoàn cảnh rất dễ bị khinh rẻ, nhưng người đọc và cả người trong truyện không thấy khinh mà chỉ thấy thương, rồi thấy quí, dù lắm lúc thấy...buồn cười.
Nhìn từ phía Tràng, tình huống này không hẳn là lưỡng lự giữa sựđùa cợt phất phơ  ý định nghiêm túc, mà ở chiều sâu, chính là phân vân giữa một bên là sự khước từ của lòng vị kỉ một bên là sự cưu mang của lòng vị tha (hay một bên là nỗi lo sợ cái chết, một bên là khát khao hạnh phúc, thì cũng thế). Sau những gì đã "gây ra" bởi hàng loạt những trò đùa tào phào, Tràng có "chợn", nghĩa là thoáng lo sợ và ân hận của kẻ trót đẩy trò đùa đi quá trớn. Nếu lúc bấy, Tràng bỏ của chạy lấy người, thì về lí, chẳng ai trách được gã trai ấy. Nhưng tình người trong gã hẳn là mất mát đi nhiều lắm. Thế thì Tràng cũng chẳng hơn thứ Bèo bọt là bao. Song, Tràng đã "Chặc, kệ !". Có vẻ như một quyết định không nghiêm túc, như  phóng lao phải theo lao vậy. Đến đấy, cả người đọc thừa thãi niềm tin nhất cũng chưa thể tin là rồi ra có thể chắc chắn. Dù ngẫm cho cùng, họ đến với nhau, bề ngoài thì ngẫu nhiên, không đâu, mà bên trong lại là tất nhiên: người này cần người kia để có một chỗ dựa mà qua thì đói kém, còn người kia cũng cần đến người này để mà có vợ, để biết đến hạnh phúc làm người (Nếu không "gặp cái nước này, người ta mới lấy đến" Tràng, thì tình trạng ế vợ trường kì của gã trai đây còn khuya mới đến hồi kết thúc !). Và cuối cùng, nằm ngoài mọi tưởng tượng và ngờ vực, hai que củi trôi dạt ấy đã chụm vào nhau, đã nhen nhóm lên thành bếp lửa. Sau cái tiếng "Chặc, kệ!" đó, mọi tầm phơ tầm phào đã lập tức khép lại, nhường chỗ hoàn toàn cho sự nghiêm trang. Hãy chú ý đến những gì Tràng làm ngay sau đó. Còn chút tiền, Tràng đã dồn vào ba việc : mua cho vợ một cái thúng, ăn với nhau một bữa cơm và mua một chai dầu. Hai việc đầu là thiết thực. Việc thứ ba xem chừng xa xỉ, cứ như một thứ chơi sang, chơi ngông. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, không có đèn thắp, có chết đâu ! Nhưng chính cái việc ngỡ như xa xỉ kia lại nói với ta rất nhiều về tấm lòng của Tràng. Thì ra, không phải lấy được vợ quá dễ dàng thì Tràng cũng rẻ rúng hạnh phúc của mình. Nếu rẻ rúng, Tràng cũng chỉ là Bèo bọt. Trái lại, Tràng rất trân trọng. "Vợ mới vợ miếc thì cũng phải sáng sủa một chút chứ chả nhẽ chưa tối đã chui ngay vào". Cách nói có cái vẻ bỗ bã của một gã trai quê, nhưng động cơ thì không thiếu cái nghiêm trang của một người giai tế tối tân hôn. Hôm nay phải là một ngày khác hẳn. Phải là một sự kiện của đời mình. Ngày mình có vợ kia mà - nhà cần phải sáng ! Mua chai dầu chính là nỗ lực để đàng hoàng ở cái mức mình có thể có được vào lúc này. Kể từ khi ấy, họ gắn bó với nhau chân thành và nghiêm trang như bất cứ đôi lứa nào trên cõi đời này. Chẳng phải đấy là hình ảnh của Tình người, của tư cách Người trong con người ? Rõ ràng, hoàn cảnh muốn biến con người thành bèo bọt nhưng con người quyết không làm bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn làm người.
2.2.2.2. Thứ hai là tình thế đám cưới ở giữa đám ma. Thậm chí, đám cưới nhỏ nhoi giữa một đám ma khổng lồ.
Là việc hai cá thể tự nguyện gắn bó với nhau, lập nên một gia đình rồi sinh con đẻ cái, đám cưới được coi như sự kiện khởi đầu một sự sống mới trong nhân gian. Còn đám ma lại là sự kiện kết thúc một chu trình sống trên cõi đời này. Tình huống Vợ nhặt, do đó, còn có thể gọi là sự sống nảy sinh giữa cái chết. Có thể Kim Lân chưa chắc đã ý thức thật đầy đủ về khía cạnh này. Nhưng ý nghĩa khách quan của tác phẩm thì toát lên điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà trong thiên truyện, ta thấy nổi lên song hành hai cuộc giao tranh: Sự sống với Cái chết  Ánh sáng với Bóng tối.
Thật oái oăm, cuộc hôn nhân hình thành một phần lớn là do Cái Chết dồn đuổi. Đôi trai gái là hiện thân của Sự Sống. Khi dắt nhau về xóm ngụ cư, họ đi trong sự bao vây của cái chết. Cái chết hiện ra với nhiều bộ mặt, nhiều biến thể : khi thì trong hình ảnh xác những người chết đói nằm la liệt trên bãi chợ, khi thì  ở bóng những người đói xanh xám dật dờ như những bóng ma đằng sau gốc đa và gốc gạo, khi lại hiện ra trong hình ảnh bầy quạ đen bu kín trên ngọn cây, chỉ chờ những người đói đổ xuống là ùa tới moi gan rỉa thịt, khi lại hiện trong hình ảnh khói của những nhà đốt đống rấm để xua mùi tử khí... Cái Chết truy đuổi rình rập quanh bước chân của họ. Thậm chí, khi đôi trai gái sắp lên giường ngủ, nó vẫn chưa chịu buông tha. Đúng lúc ấy, họ nghe thấy tiếng khóc hờ của những nhà mới có người chết tỉ tê lọt qua kẽ vách. Nhưng, sự sống không bao giờ chán nản. Sáng hôm sau, tất cả các thành viên trong gia đình ấy đã cùng lao vào một việc, một việc có thể nói là không thiết thực, bởi không có một hiệu quả kinh tế trực tiếp gì : dọn dẹp nhà cửa. Nhưng cái việc có vẻ chưa cần thiết một tí nào ấy lại nói với ta rất nhiều về thái độ sống của họ. Họ không muốn tạm bợ, mà muốn đàng hoàng. Họ đang chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài. Họ bướng bỉnh tuyên chiến với nạn đói. Ở người mẹ già nua, sự sống ngỡ như đã khô cạn đi, lại như bừng lên một sức sống mới. Bà xăm xắn lao vào công việc, hay cười, hay nói và toàn nói về tương lai, tương lai gần còn chưa hiện ra đã lại nghĩ đến những tương lai xa hơn nữa (Tràng ạ, lúc nào có tiền mua lấy đôi gà. Tao tính cái đám đất đầu bếp kia nếu làm chuồng gà thì rất tiện. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có ngay đàn gà cho mà xem). Vậy đấy, Sự sống đâu có đầu hàng Cái chết ! Trái lại, Sự sống đang kiên nhẫn vượt lên Cái chết.
Nhưng, tinh vi nhất vẫn là cuộc giao tranh thứ hai : Ánh sáng với Bóng tối. Phần thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng. Điều này hiện rõ ngay trong kết cấu. Có ngẫu nhiên không khi câu chuyện mở ra lúc trời nhá nhem tối và kết thúc vào sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao bằng con sào? Và hệ thống tình tiết dọc theo mạch chuyện cũng không hẳn là ngẫu nhiên. Trước khi đôi trai gái dắt nhau về, bao trùm lên xóm ngụ cư là một bầu không khí âm u, ảm đạm bởi tử khí vây quanh cùng bao ánh mắt lo âu. Nhưng họ về đến đâu ánh sáng theo về đến đó. Thoạt tiên là có một cái gì tươi mát thổi vào đám người ngụ cư làm cho gương mặt hốc hác u tối của họ bỗng rạng sáng lên. Rồi đêm ấy căn lều lâu nay bóng tối vẫn ngự trị của mẹ con bà cụ Tứ cũng sáng lên - bằng ngọn đèn từ chai dầu của Tràng ? Không, sâu xa hơn, là bằng nguồn sống bừng lên từ cuộc hôn nhân ấy. Sáng hôm sau, gương mặt lâu nay u ám bủng beo của bà cụ Tứ cũng sáng lên. Cảnh vật bao quanh căn lều cũng sáng sủa quang đãng... Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, chai dầu của Tràng giỏi lắm cũng chỉ xua đi được Bóng tối trong cái căn lều nhỏ bé ấy thôi. Còn Bóng tối bao trùm lên toàn bộ thế giới của câu chuyện thì ngọn đèn dầu kia làm sao xua tan nổi. Nó phải nhờ vào một nguồn sáng khác lớn lao hơn, mãnh liệt hơn. Đó là nguồn sáng của lá cờ. Câu chuyện được khép lại bằng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ hiện lên trong tâm trí của Tràng là nằm vào mạch ngầm tất yếu đó. Một kết thúc bằng Ánh sáng. Một kết thúc lạc quan.
3. Ý nghĩa tư tưởng của tình huống truyện
3.1. Quan niệm : Con người dù có thế nào vẫn cứ là CON NGƯỜI : a) Vẫn khao khát vun vén hạnh phúc, b) Quyết không làm bèo bọt mà kiên nhẫn và kiêu hãnh làm Người.
3.2. Sự sống chẳng bao giờ chán nản, lúc nào nó cũng hướng ra phía trước và vươn ra ánh sáng. Thế là, nảy sinh trên một mảnh đất mà Cái chết đang lan tràn, nhưng Sự sống quyết không chán nản. Sự sống bao giờ cũng mạnh hơn Cái chết. Đó chính là bản tính tích cực của Sự sống. Điều ấy chẳng phải là dư vị triết lí tiềm ẩn trong tình huống Vợ nhặt, chỗ sâu xa nhất trong ý nghĩa nhân văn của tác phẩm này sao ? Gọi Vợ nhặt  Bài ca Sự sống, thiết tưởng cũng không phải một đề cao quá đáng.
    Kết luận, từ những vấn đề lí thuyết và qua những phân tích thực tế vào tác phẩm có thể thấy :
- Hạt nhân thể loại của truyện ngắn là tình huống truyện.
- Tiếp cận một tác phẩm truyện ngắn mà chưa chú ý đúng mức đến tình huống truyện thì xem như chưa thực sự khám phá phần then chốt nhất, phần lõi cốt nhất của truyện ngắn.
- Vấn đề này cần được ứng dụng rộng rãi hơn vào việc nghiên cứu, giảng dạy truyện ngắn nói chung và giảng dạy truyện ngắn ở trường phổ thông nói riêng.
       Hà nội, xuân Quí Mùi,  TS. Chu Văn Sơn

TIẾP CẬN "TRAO DUYÊN" THEO CÁI NHÌN THỜI GIAN NGHỆ THUẬT


     (Nguyễn Thị Thúy Anh -Trường THPT chuyên Phan Bội Châu)
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI :
          Nguyễn Du là một trong những đỉnh cao của nền văn học Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của ông mang nhiều tâm tư  sâu sắc, quy tụ được những vấn đề xã hội và dự báo nhiều điều cho mai hậu. Việc nghiên cứu về Nguyễn Du không bao giờ kết thúc. Truyện Kiều - tác phẩm bất hủ của ông, "tập đại thành" của văn học Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và từ đó đến nay việc nghiên cứu Truyện Kiều không bao giờ đứt đoạn , nó luôn phát triển cùng nghành văn bản học và ngữ văn học. Hơn nữa Nguyễn Du và Truyện Kiều chiếm vị trí không thể thiếu trong chương trình văn học ở trường phổ thông, tính cả chương trình văn THCS và THPT Nguyễn Du và Truyện Kiềuchiếm một thời lượng lớn. Trong đó Truyện Kiều được học với tư cách tác phẩm và nhiều đoạn trích. Đoạn trích "Trao duyên" là màn đặc biệt, diễn tả sâu sắc bi kịch đầu tiên  trong cuộc đời đầy bi kịch của Kiều, đồng thời thể hiện tập trung nghệ thuật miêu tả nội tâm và tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Vì thế "Trao duyên" là một đoạn trích hay nhưng cũng rất khó tiếp cận, nó thu hút những sự tìm tòi khám phá của các nhà nghiên cứu và của giáo viên giảng dạy môn văn. Qua nhiều năm giảng dạy, tích lũy chúng tôi mạnh dạn đề xuất một hướng tiếp cận đoạn trích này.
          II. NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐÃ MỞ :
         Như đã nói ở trên, là một đoạn trích tiêu biểu cho ngòi bút của Nguyễn Du trong Truyện Kiều nên "Trao duyên" được nhiều nhà nghiên cứu phân tích và khám phá trên nhiều bình diện.
         Lê Trí Viễn với bài viết "Trao duyên" trong cuốn "Đến với thơ hay" - NXB Giáo dục -1998 đã phân tích sâu sắc ngôn ngữ nhân vật, chỉ ra cách sử dụng từ ngữ độc đáo, ý nghĩa của các từ ngữ  trong việc Kiều thuyết phục Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim nhằm làm nổi bật cái "sắc sảo mặn mà" của nhân vật, nhưng cũng chính vì thế mà bài viết chưa làm nổi bật được diễn biến tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều.
      Bài viết của Lê Bảo trong "Giảng văn văn học Việt Nam" - NXBGD-1997 - một bài viết rất công phu, khám phá sâu sắc về nhiều phương diện nghệ thuật của đoạn trích "Trao duyên" nhằm làm nổi rõ dòng tâm trạng của nhân vật như tác giả kết luận: “ý thức về thân phận của con người trong tác phẩm là kết quả của những yếu tố nghệ thuật kết hợp lại một cách nhuần thấm tự nhiên, trong đó có nhịp điệu, các thành ngữ, việc miêu tả thời gian tâm lý trong cái dòng phát triển biện chứng của những trạng huống tâm hồn" và tác giả Lê Bảo phân tích rất kỹ các yếu tố nghệ thuật như nhịp điệu, từ ngữ, thành ngữ - tác giả chú ý phân tích làm rõ thời gian tâm lý trong đoạn trích nhưng chỉ chú ý vào phần sau mà chưa chú ý dòng chảy thời gian tâm lý xuất hiện ngay từ đầu đoạn trích, chính nó tạo nên nhịp độ chung cho đọan trích cũng như quy định ngôn ngữ, hành động của nhân vật trong việc trao duyên. Hơn nữa đây là một bài viết chuyên sâu nên nếu áp dụng bài viết này vào bài giảng trong hai tiết ở lớp với trình độ của học sinh, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng giữa việc cân bằng nội dung bài giảng với lượng thời gian lên lớp.
    Ở sách giáo viên một cuốn sách có tầm định hướng cụ thể chi tiết cho giáo viên trong soạn bài, lên lớp cũng viết bài nàykhá rõ ràng, chu đáo với mục đích "làm rõ" chủ đề "bi kịch tình yêu tan vỡ", khám phá lôgích trong diễn biến tâm trạng và ngôn ngữ biểu đạt. Bài viết này chia đoạn trích làm hai phần với ba nội dung chủ yếu : nội dung thứ nhất "Mâu thuẫn làm nền cho diễn biến tâm trạng nhân vật". Nội dung thứ hai: "Thúy Kiều nhờ em thay mình trả nghĩa Kim Trọng". Nội dung thứ ba: "Tâm trạng bi kịch của Thúy Kiều”. Như vậy tác giả Nguyễn Lộc chỉ tập trung khám phá tâm trạng nhân vật ở phần thứ hai còn phần đầu của đoạn trích tác giả chỉ tập trung phân tích sức thuyết phục trong lời lẽ của Thúy Kiều khi nhờ Thúy Vân trả nghĩa Kim Trọng. bài viết này phù hợp với nội dung câu hỏi hướng dẫn học bài ở sách giáo khoa. ở sách giáo, khoa có ba câu hỏi: Câu hỏi 1 và 2 đòi hỏi học sinh tìm hiểu ý nghĩa của một số từ ngữ, thành ngữ trong việc thuyết phục Vân cuả Thúy Kiều. Câu hỏi 3 đòi hỏi phân tích tâm trạng của Thúy Kiều từ câu: "Ngày xuân em hãy còn dài " đến hết đoạn trích
       Như vậy chúng ta thấy rằng các bài viết đã có những thành công nhất định, nhưng về mặt nào đó vẫn có những hạn chế như việc tách riêng hai phần đoạn trích, để khám phá sức thuyết phục trong lời lẽ của nhân vật ở phần 1 và khám phá diễn biến tâm trạng ở phần 2. Chưa tác giả nào khám phá đoạn trích từ phía tìm hiểu dòng thời gian tâm lý. chính sự cảm nhận thời gian của nhân vật trong đoạn trích đã quy định cách thể hiện ngôn ngữ, hành động cũng như thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật.
      Vì thế để khám phá sâu sắc diễn biến tâm lý nhân vật chúng tôi đề xuất khám phá đoạn trích từ cái nhìn thời gian nghệ thuật.
       III. CƠ SỞ ĐỀ RA GIẢI PHÁP
    1. Cơ sở lý luận:
            Cùng với sự phát triển của ngành thi pháp học các học giả nước ta đã mở rộng con đường tiếp cận tác phẩm văn học, họ đã có phương tiện hữu hiệu khám phá sự phong phú đa dạng và hấp dẫn của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm và một trong những cách tiếp cận tác phẩm của thi pháp học là nghiên cứu thời gian nghệ thuật của tác giả xây dựng trong tác phẩm của mình.  Không gian, thời gian là hai phương thức tồn tại của tất cả các sự vật khách quan vì thế thời gian nghệ thuật (cùng với không gian nghệ thuật) là yếu tố quan trọng mà nhà văn sử dụng để kiến tạo thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Là phương thức tồn tại của thế giới vật chất thời gian cũng như không gian đi vào nghệ thuật cùng với cuộc sống được phản ánh như một hiện tượng của thế giới khách quan. Nhưng đồng thời thời gian còn là một yếu tố nghệ thuật được soi sáng bằng tư tưởng tình cảm, được nhào nặn và sáng tạo để giúp nhà văn mô tả nhân vật, phản ánh đời sống một cách chân thực nhất. Con người tùy theo tâm trạng, tư tưởng, tình cảm và ý thức mà cảm nhận thời gian một cách khác nhau cho nên các nhà văn tập trung xây dựng trong tác phẩm của mình một hình tượng thời gian với sự tập hợp các yếu tố thời gian cá biệt để tạo nên nhịp độ đời sống trong tác phẩm. vì thế khám phá được các biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong tác phẩm chúng ta có thể giải mã được nhiều điều mà tác giả muốn gửi gắm. Việc tìm hiểu thời gian nghệ thuật là một trong những vấn đề hiện đại và hiệu quả của nghiên cứu văn học .
 2. Cơ sở thực tiễn
          Nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những vấn đề được các nhà khoa học chú trọng từ trước đến nay, trong đó có hai công trình lớn rất có giá trị là: "Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều" của Phan Ngọc và "Thi pháp Truyện Kiều" của Trần Đình Sử; hai tác giả này đã nghiên cứu nhiều phương diện khác nhau của Truyện Kiều trong đó có sự tập trung khám phá thời gian nghệ thuật trong tác phẩm. Qua nghiên cứu, Phan Ngọc khẳng định, Truyện Kiều có “hai thời gian", "một thời gian khách quan của thế giới  và một thời gian nội  tâm trong lòng từng nhân vật”, ông còn nói "thời gian nghệ thuật này không được đo bằng kim đồng hồ mà được đo bằng xúc cảm con tim”. Ông còn chỉ ra sự cảm nhận thời gian cụ thể ở  nhân vật Thúy Kiều: "Thế giới nội tâm tách ra thành ba thời gian: sững sờ trước hiện tại, hồi tưởng tới quá khứ và lo lắng cho tương lai". Trong "Thi pháp Truyện Kiều " Trần Đình Sử dành một mục lớn để khám phá nhiều phương diện của hình tượng thời gian ông đã chỉ ra Truyện Kiều có "một dòng thời gian tâm lý" đó là sáng tạo độc đáo vượt xa truyện nôm đương thời của Nguyễn Du. Dòng thời gian tâm lý xuất hiện ở tất cả các nhân vật nhưng rõ nhất ở Thúy Kiều: "thời gian của Kiều là do hoạt động có ý thức của Kiều tạo ra trong tương quan với hoàn cảnh”. Vì thế  trước mỗi hoàn cảnh, cảnh ngộ Kiều lại có sự cảm nhận thời gian  theo một cách riêng và dòng thời gian đó bộc lộ rõ thế giới nội tâm của Kiều. Sự cảm nhận thời gian của Kiều rất phong phú và đa dạng tùy vào sự biến thái, đổi thay tâm trạng của nàng trước mọi cảnh huống.
     Như vậy chúng ta thấy các học giả đã khẳng định trong Truyện Kiều có một dòng thời gian tâm trạng, dòng thời gian đó được xây dựng trên sự cảm nhận, ý thức của nhân vật trong mối quan hệ với hoàn cảnh vì thế muốn khám phá thế giới nội tâm nhân vật ta có thể dựa vào khám phá hình tượng thời gian nghệ thuật mà tác giả xây dựng trong tác phẩm.
     Những thành tựu của ngành thi pháp học cộng với những nghiên cứu cụ thể của các giáo sư trong hai công trình trên đã trang bị cho chúng tôi phương tiện để đi vào khám phá những biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong đoạn trích "Trao duyên”. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy thế giới nội tâm của Kiều được bộc lộ rõ qua việc nhà thơ xây dựng một dòng thời gian một cách đặc biệt đó là một thời gian hiện tại dồn nén, thắt ngặt trong cảnh huống đầy bi kịch, một thời gian đồng hiện trong sự hoảng loạn của nội tâm vì tình yêu tan vỡ.
    IV. ĐỀ XUẤT HƯỚNG TRIỂN KHAI BÀI GIẢNG “TRAO DUYÊN”
    1. Lưu ý khi dạy phần tiểu dẫn:
        Bên cạnh việc xác định vị trí đoạn trích trong toàn bộ bố  cục kết cấu của tác phẩm như sách giáo khoa đã trình bày chúng tôi còn chú ý giúp học sinh xác định sự kiện trao duyên xảy ra trong giai đoạn nào của cuộc đời Kiều để xác định rõ tâm lý nhân vật lúc đó đồng thời định hướng cho học sinh thấy đoạn trích tập trung miêu tả tâm trạng nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại: Nhân vật tự suy ngẫm, tự nếm trải, giãi bày, cảm nhận trước thực tế phũ phàng nên thế giới nội tâm đó càng sâu sắc, chân thực. Từ những suy nghĩ  đó, chúng tôi thử đề xuất hệ thống câu hỏi trong phần này:
Câu hỏi : Dựa vào phần tiểu dẫn ở SGK và những hiểu biết về Truyện Kiều em hãy nêu ngắn gọn vị trí đoạn trích?
Yêu cầu: Đoạn trích nằm phần đầu tác phẩm từ câu 724 đến câu 756 sau một loạt những biến cố lớn: Kiều phải chia tay để Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, gia đình Kiều bị vu oan, Kiều phải từ bỏ tình yêu, bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em, đây là đêm cuối cùng trước ngày ra đi Kiều tâm sự và nhờ Vân trả nghĩa chàng Kim.
 Câu hỏi Những biến cố này xảy ra trong giai đoạn nào của đời Kiều? ở Kiều nảy sinh tâm lý gì?
Yêu cầu: Sự kiện này xảy ra khi Kiều chỉ mới "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê"
(khoảng 15, 16 tuổi) Kiều còn rất ngây thơ trong sáng chưa có va chạm trong cuộc đời, chưa hề có sự chuẩn bị chống đỡ những nghiệt ngã của số phận, tai họa lúc này tạo nên ở Kiều một cú sốc tâm lý lớn  với những biến thái nội tâm vô cùng phức tạp.
Câu hỏi : Truyện Kiều là tác phẩm tự sự nhưng đoạn trích lại sử dụng  ngôn ngữ độc thoại, dụng ý của tác giả ?
Yêu cầu: Để nhân vật tự độc thoại, tức là để cho nhân vật tự suy ngẫm, tự nếm trải, tự giãi bày thế giới nội tâm của mình thì thế giới nội tâm đó hiện lên một cách chân thực và sâu sắc nhất.
    Từ đó chúng ta rút ra cho học sinh thấy đoạn trích "Trao duyên"chủ yếu thể hiện diễn biến tâm trạng của nhân vật, khám phá đoạn trích tức là đi sâu khám phá diễn biến tâm lý đó. Đồng thời để thấy rõ tấm lòng cũng như tài năng của Nguyễn Du trong việc miêu tả tâm lí nhân vật ở Truyện Kiều.
2. Phân tích đoạn trích :
câu hỏi:Dựa vào sự tìm hiểu kết cấu và bố cục đoạn trích em hãy đề xuất cách phân đoạn để phân tích? 
     Theo dòng chảy tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích chúng tôi chia đoạn trích làm hai phần để tìm hiểu, phần thứ nhất từ đầu cho đến câu: "Duyên này thì giữ vật này của chung", phần thứ hai: Tiếp đó cho đến hết.
     a. Phần thứ nhất:
      Có thể nói màn "Trao duyên" diễn ra toàn bộ ở phần này, ở đây tác giả đã xây dựng một bối cảnh thời gian đặc biệt. Bối cảnh thời gian làm nổi bật diễn biến tâm trạng của nhân vật vì thế để phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều ở đây chúng tôi đề xuất những câu hỏi như sau:
Câu hỏi: Kiều tâm sự với Vân ở thời điểm nào? Thời điểm đó tác động gì đến  nhân vật?
Yêu cầu : Kiều tâm sự với Vân vào đêm cuối cùng trước ngày Kiều theo Mã Giám Sinh từ  bỏ gia đình, từ bỏ mối tình với chàng kim ra đi,đây là khoảng thời gian ngắn ngủi mà kiều còn được ở với gia đình. Sự thắt ngặt của thời gian đó tạo nên sự dồn nén  cảm xúc đậm đặc, trong mỗi tích tắc của thời gian có sự vận động của nội tâm của ý thức với những biến hóa khôn lường, bởi chỉ có một thời điểm duy nhất, một con người duy nhất có khả năng nhận lời gửi gắm cái tài sản quý giá nhất, cái hi vọng cuối cùng của Kiều. Tính chất thắt ngặt, dồn nén của bối cảnh thời gian đó đã tạo nên một cơn lốc nhỏ làm cồn lên những suy nghĩ, những thổn thức, thúc đẩy nhân vật hành động. Sau những đắn đo: “Hở môi ra cũng ngượng ngùng/ để lòng thì phụ tấm lòng với ai”  Kiều quyết định trao duyên cho em
 Câu hỏi : Việc Kiều trao duyên cho em thể hiện rõ nhất ở những câu thơ nào trong đoạn trích?
Yêu cầu: màn trao duyên diễn ra trọn vẹn ở phần thứ nhất của đoạn trích và hoạt động trao duyên cũng chỉ diễn ra ở những câu thơ đầu và cho đến câu thơ "Duyên này thì giữ vật này của chung" Những câu thơ thể hiện một sự kiện có một không hai trong cuộc đời Kiều, bộc lộ sâu sắc nỗi đau của thân phận con người, thân phận tình yêu trong xã hội xưa.
  Câu hỏi : Màn trao duyên diễn ra qua trình tự như thế nào?
  Yêu cầu : - Trong 4 câu thơ đầu ngôn từ và hành động của Kiều vô cùng đặc biệt
            * Câu thơ mở đầu có hai từ  em, cậy
            *Có sự phi lý trong thái độ trân trọng quá đáng với Thúy Vân của Kiều  ở hành động "lạy thưa "
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về lời lẽ, hành động của Kiều đối với Thúy vân trong màn trao duyên? vì sao Kiều lại hành động như thế?
Yêu cầu: Lời nói, hành động được Kiều thể hiện liên tiếp dồn dập, vội vàng. Hành động vội vàng này của Kiều trước hết bắt nguồn từ việc Kiều ý thức sâu sắc hoàn cảnh của mình trong hiện tại: Tình yêu vô cùng mãnh liệt, khát khao hạnh phúc thì vô biên mà thời gian để yêu thương thì ngắn ngủi, chật hẹp. Sóng gió cuộc đời khủng khiếp ập tới bất cứ lúc nào. Chính ý thức thời gian này đã làm cho Kiều phải hành động vội vàng.
     Kiều nói với em bằng những lời lẽ khẩn thiết nhất, cảm động nhất “Cậy em em có chịu lời''. Tất cả sự trông đợi, sự ký thác gửi cả vào từ “cậy”, nàng khẩn khoản van nài em bằng những hành động tôn kính quá mức : "lạy, thưa''...làm những điều đó Kiều muốn Vân không thể chối từ  và Kiều có thể trả nghĩa chàng Kim trong muôn một.
     Hơn nữa nhịp độ gấp gáp vội vàng trong những câu thơ còn thể hiện tinh thần tranh chấp với số mệnh của Kiều; bởi ngay trước đó Kiều đã có những kinh nghiệm xương máu về những phi lý của cuộc đời: vừa nhận lời yêu Kim Trọng “thề hoa chưa ráo chén vàng” Kim Trọng đã phải ra đi. Gia đình đang hạnh phúc “êm đềm trướng rủmàn che” cha mẹ đã : “rường cao rút ngược dây oan”, tai họa có thể ập tới bất cứ lúc nào con người không thể chống đỡ nổi. Kiều phải hành động tranh chấp với thời gian để cứu lấy tình yêu của mình và Kim Trọng.
Câu hỏi: em thử so sánh việc Kiều trao dyên với những việc làm khác của nàng trước và sau này?
Yêu cầu: Những quyết định trong cuộc đời đều được Kiều cân nhắc, suy nghĩ rất chín chắn. Khi quyết định bán mình nàng đã “để lời thệ hải minh sơn/làm con trước phải đền ơn sinh thành” sau những đắn đo, dằn vặt khủng khiếp và sau này cũng thế bao giờ kiều cũng phải suy nghĩ rất nhiều nhưng ở đây dường như Kiều không hề so đo, tính toán nàng  nghĩ đến và làm rất mau chóng. Có lẽ nàng biết mình không thể dùng dằng được nữa, thời gian không cho phép, sáng ra nàng đã phải lên đường, phải từ bỏ tất cả.
Câu hỏi: Trong bốn câu cuối của phần thứ nhất Kiều đã thuyết phục em như thế nào? (Bốn câu cuối từ:    "Ngày xuân em hãy còn dài”cho đến “ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây” )  
Yêu cầu: Để thuyết phục em , Kiều đã dùng những lời lẽ thật đặc biệt. Trong lời của nàng có một loạt thành ngữ nói lên mối quan hệ thân thiết, ruột rà như:       
        tình máu mủ/ lời nước non
Hay là những thành ngữ chỉ cái chết:
        thịt nát xương mòn/ ngậm cười chín suối
    Đó là lời lẽ có sức mạnh lay động tình cảm, lòng trắc ẩn của con người nhất là những người thân. Kiều đã nói với em bằng tất cả sự đau đớn, chua xót cho thân phận mình. Lời của Kiều như là những lời trăng trối, nàng viện dẫn cả tình máu mủ ruột rà, cả cái chết thê thảm để thuyết phục em. Kiều hiểu, để Vân nhận lời cũng rất khó khăn bởi đây là một việc làm thay đổi cả đời Vân, là gánh nặng mà Vân phải mang suốt cả cuộc đời. Nàng vô cùng thông cảm cho em nhưng nàng cũng không còn cách nào khác nghĩa chàng Kim quá nặng  mà hoàn cảnh của Kiều lúc này thì quán éo le.
    Câu hỏi :Lời lẽ, thái độ và hành động của Kiều ở đây,cho ta thấy điều gì ?
Yêu cầu: Kiều đã quyết định dứt khoát, và tìm mọi cách để thuyết phục Thuý Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim, bởi Kiều ý thức sâu sắc về hạn chót của thời gian, Kiều không thể làm gì khác để cứu tình yêu. Trong ý thức nàng đây là hành động duy nhất mà nàng có thể làm cho tình yêu, cho chàng Kim. Cho nên nàng đã dùng tất cả nỗi thống khổ của đời mình  và những lời lẽ thuyết phục nhất để thuyết phục Vân.
Câu hỏi: bên cạnh việc thuyết phục Thuý Vân, lời nói của Kiều còn thể hiện điều gì? 
Yêu cầu: Bên cạnh đó, lời của Kiều còn cho ta thấy sự cảm nhận của nàng về bi kịch số phận, bi kịch tình yêu, một cách sâu sắc. Trong từng câu, từng chữ nàng nói với em, có sự ý thức sâu sắc về thân phận của mình, đó là sự hiển diện của một "mệnh bạc" của cái chết"Thịt nát xương mòn". Nhưng đặc biệt nhất, ở đây lời của nàng thể hiện nỗi đớn đau tột cùng trước sự tan vỡ của tình yêu. Nàng nhắc lại kỷ niệm tình yêu thật tha thiết (ngay khi đang tìm cách trao duyên cho em). Nàng nhớ như in phút dây gặp gỡ, hẹn thề ''khi gặp chàng Kim, khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề "đó là phút dây đẹp nhất đời nàng. Thế mà tình yêu đó thật ngắn ngủi, những tai hoạ khủng khiếp đổ xuống bất ngờ không thể chống đỡ “sóng gió bất kì”, giữa đường đứt gánh tương tư”  tình yêu phút chốc nát tan.
Câu hỏi: để diễn tả nỗi đau này của Kiều tác giả sử dụng những phương tiện nghệ thuật nào?
   Đoạn thơ có điệp ngữ  “khi gặp, khi ngày, khi đêm”, âm điệu thơ  luyến láy, nhịp điệu thơ gấp gáp, hình ảnh thơ tương phản gay gắt đã diễn giải ý thức sâu sắc của Kiều về sự ngắn ngủi mong manh của hạnh phúc tình yêu giữa cuộc đời dâu bể. Tất cả những điều này làm nổi bật cái bi kịch oan trái của cuộc đời Kiều: Khát khao hạnh phúc thì vô biên, hiện thực đời sống tàn nhẫn, khủng khiếp đã biến hạnh phúc thành chốc lát, tất cả chỉ còn là sự xót xa nuối tiếc khôn nguôi.
   Câu hỏi: Sau những lời thuyết phục em việc làm tiếp theo của Kiều là gì?
   Yêu cầu: việc làm tiếp theo của Kiều là trao kỉ vật cho em
   Câu hỏi: cảm nhận của em khi nghe Kiều dặn dò Vân lúc trao kỷ vật?
Yêu cầu: Kiều trao kỷ vật cho em ''chiếc thoa, bức tờ mây'' những vật minh chứng cho tình yêu của Kim Kiều bây giờ nàng đưa lại cho em, thế là mọi việc đã kết thúc, Vân đã nhận lời việc đền ơn Kim Trọng đã xong. Thế mà, Kiều vẫn không thể thanh thản bởi  duyên đã trao nhưng tình thì không thể dứt nên kỷ vật đã trao mà nàng vẫn cố níu kéo bằng lời dặn “vật này của chung”. Câu thơ không hề có một từ ngữ nào miêu tả trực tiếp nội tâm nhân vật, nhưng sự dùng giằng khi trao kỷ vật của Kiều lại gợi dậy cho người đọc những cảm nhận về tâm trạng  tiếc nuối, vò xé của nàng.
     Như vậy ở phần thứ nhất trong đoạn trích này tác giả không chỉ thể hiện sự "sắc sảo" của Kiều trong việc thuyết phục Thúy Vân trả nghĩa chàng Kim. Nếu chỉ là thuyết phục Vân thì bốn câu đầu đã hoàn thành viên mãn. Ở đó có cả việc trao gửi, có người nhận lời gửi gắm, có cả hoàn cảnh éo le "giữa đường đứy gánh tương tư"buộc Kiều phải nhờ cậy nhưng ở đây Kiều giãi bày rất dài dòng,  hành động, lời nói của Kiều không chỉ chịu sự chỉ đạo của lý trí mà còn do những cảm nhận về cảnh ngộ của bản thân trong hiện tại đã tạo ra những khủng hoảng nội tâm sâu sắc. Nên những nguồn cơn trong lòng nàng trào dâng không kìm giữ nổi. Chúng ta thấy trong đoạn thơ xuất hiện hai dòng chảy: một dòng chảy của lý trí và một dòng chảy của tâm trạng.
     Mạch ngầm đầy dư ba đó biểu hiện sâu sắc cái nhìn cảm thông nhân đạo của Nguyễn Du trước bi kịch cuộc đời Kiều. Đồng thời việc khám phá được những rung động tinh vi trong tâm hồn nhân vật như thế, chứng tỏ nhà thơ là một kì tài trong việc phân tích nội tâm nhân vật.

   b.Phần thứ hai:

         Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh thấy được diễn biến tâm trạng của nhân vật từ phần thứ nhất đến phần thứ hai bằng câu hỏi có tính chất gợi ý như sau :
Câu hỏi : Nếu phần thứ nhất tâm trạng của Kiều chủ yếu được thể hiện qua sự cảm nhận cái hiện tại ngắn ngủi thì ở phần này tâm trạng của Kiều được biểu hiện qua dòng thời gian nghệ thuật như thế nào ?
Yêu cầu: ở phần thứ nhất Kiều phải dùng lý trí kìm nén cảm xúc để trao duyên cho em thì lúc này việc vì người đã xong, lý trí không còn đủ sức kìm giữ được cảm xúc Kiều rơi vào sự khủng hoảng tâm lý cực độ. Tâm trạng đó của Kiều được biểu hiện bằng  những lời nói, hành động của Kiều  trong sự cảm nhận thời gian đặc biệt đó làthời gian đồng hiện quá khứ, hiện tại, tương lai.
 Câu hỏi : Từ sự kiện trao duyên Kiều cảm nhận hiện tại của mình như thế nào?
 Yêu cầu : Khi duyên đã trao, tình yêu vĩnh viễn tan vỡ, hạnh phúc trở thành ảo vọng, hiện tại đã trở thành thời điểm phân chia, ngã ba đường của số phận để nhân vật quay nhìn vào quá khứ, soi rọi vào tương lai.  Soi rọi vào tương lai Kiều nhìn thấy hạnh phúc của Thúy Vân khi đã "nên vợ nên chồng" với chàng Kim và Kiều cũng thấy thân phận mình đã trở thành kẻ "mệnh bạc", kẻ bị "mất người" vì thế trong Kiều trào lên niềm tự thương khắc khoải, xót xa.
Câu hỏi : Đồng thời với việc nhìn thấy tương lai đó trong  Kiều có diễn biến tâm lý như thế nào? Bộc lộ tâm trạng gì ?
Yêu cầu : Từ hiện tại cay đắng ( mất tình yêu) hình dung một tương lai bất hạnh khi đối sánh số phận mình với duyên tình của Thuý Vân, Kiều quay về tìm đến với tình yêu bằng kỷ niệm của ngày gặp gỡ hẹn thề, "phím đàn với mảnh hương nguyền”nhưng tất cả đã không còn. Mọi việcđã trở thành quá khứ,  hai từ "ngày xưa" đã đẩy lùi cái kỷ niệm êm đềm ngày nào vào quá khứ  xa xôi, vời vợi (mặc dù tình yêu Kim - Kiều vừa mới ''thề hoa chưa ráo chén vàng”,những sự biến trong gia đình Vương ông xảy ra gần như đồng thời với việc Kim Trọng về Liêu Dương). Cái ngày nay phút chốc đã là cái ngày xưa cả "phím đàn", cả "lò hương " đêm thề thốt, những gì đẹp nhất, quý giá nhất đã hun hút xa xôi, chìm vào bóng tối. Kiều trở về quá khứ tưởng tìm được nơi an ủi nhưng kỷ niệm lại là nhát dao cứa mạnh vào tim, đẩy nàng tới sự hoảng loạn, nàng chạy trốn kỷ niệm tìm đến với tương lai.
Câu hỏi : Trước mắt Kiều hiện lên một tương lai như thế nào ?
Yêu cầu : Trước mắt Kiều hiện lên một tương lai thật hãi hùng, nàng nhìn thấy số phận của mình nơi mai hậu thật là thê  thảm, nàng đã là người của thế giới bên kia, linh hồn nàng vật vờ theo lá cây ngọn cỏ trở về mang theo niềm tiếc nuối khắc khoải ''hồn còn mang nặng lời thề " nhưng tình yêu bất diệt của nàng không còn chỗ trong cuộc sống hiện thực. Cũng ''lò hương ấy",''tơ phím này"nhưng người so tơ, đốt lò không còn là Kiều cũng không còn là Kim của ngày xưa. Sự trở về của Kiều chỉ còn niềm hy vọng duy nhất là sự cảm thông của người ngày xưa “rưới xin chén nước cho người thác oan”  Kiều ví mình như chàng Trương Chi thủa nào mang nặng khối tình xuống Tuyền đài chỉ có sự thấu hiểu của người ngày xưa mới có thể hoá giải nỗi oan tình, nàng khẩn cầu niềm an ủi để xoa dịu nỗi đau. Vậy mặc dù duyên đã trao, nghĩa chàng Kim đã trả
nhưng Kiều không hề thanh thản, sự tan vỡ oan khuất của tình yêu làm nàng đau đớn không cùng hồn nàng không thể về nơi siêu tịnh, nàng chỉ hy vọng mai hậu Kim Trọng cảm thông may ra nỗi oan thác này  mới được giải tỏa.
Câu hỏi: em có nhận xét gì về dòng thời gian ở đây?
Yêu cầu: Dòng thời gian ở đây không tuân theo sự chảy trôi của thời gian khách quan bên ngoài mà nó có những nhịp độ hoàn toàn khác: có sự hồi hoàn giữa thời gian hiện tại, quá khứ, tương laitrong một khoảnh khắc ngắn của cả cuộc đời. Giọng thơ cũng thay đổi, hình ảnh thơ chập chờn ma mị, thời điểm không xác định (mai sau, bao giờ) không khí linh thiêng (đốt lò hương, so tơ phím).Tất cả nói lên tâm trạng khổ đau khủng hoảng của nhân vật. Sự đối lập găy gắt giữa ước vọng và hiện thực cuộc sống đã làm cho Kiều rơi vào tột cùng bi kịch, dẫn tới sự khủng hoảng tâm lý dữ dội.
Câu hỏi: Nhận xét của em về nghệ thuật miêu tả nội tâm của nhà thơ?                          
Yêu cầu: Xây dựng dòng thời gian tâm lý này Nguyễn Du đã làm nổi bật thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn của Kiều. Một mặt nàng muốn trao duyên cho em để chàng Kim đỡ đau khổ, một mặt nàng không dứt nổi mối tình tuyệt đẹp của mình và khi không thể giữ  nổi tình yêu nàng đau đớn đến hoảng loạn. Nàng gần như mất hết ý thức về không gian, thời gian. Vì thế dòng thời gian ở đây không tuân theo thời gian khách quan mà nó có một nhịp độ riêng thẫm đẫm cảm xúc, tâm trạng. Dùng dòng thời gian đặc biệt này  nhà thơ đã mổ xẻ tâm trạng nhân vật một cách chân thực nhất, những biến đổi tinh vi của tâm hồn được lý giải thật sâu sắc, tài tình.
 Trong sự hoảng loạn khi tình yêu đã mất, Kiều chìm vào một dòng thời gian
ảo, Kiều như nửa tỉnh nửa mê đang nói chuyện cùng Vân nàng bỗng như nói chuyện với mình, nàng đối diện một thực tế đớn đau:
  Trâm gãy gương tan
 Tơ duyên ngắn ngủi
Câu hỏi : Tâm trạng của Kiều được thể hiện rõ nhất qua từ ngữ nào?
Yêu cầu: Từ “bây giờ” như một cái mốc oan nghiệt xẻ cuộc đời Kiều thành hai nửa. Một nửa trong quá khứ êm đẹp, một nửa là hiện tại bi thương. Cái giới hạn chia đời Kiều thành hai nửa đó chính là bi kịch trao duyên  mà Kiều vừa thực hiện xong. Cái“bây giờ” trở thành bản lề khép mở hai thế giới của đời Kiều: một quá khứ “êm đềm trướng rủ màn che”, một tương lai “mệnh bạc” hồn vật vờ theo lá cây ngọn cỏ vì ôm mối oan tình không dứt.
Câu hỏi: Quay lại với hiện tại, đối diện với bi kịch "bây giờ trâm gãy, bình tan” tâm trạng Kiều như thế nào?
 Yêu cầu:Tâm trạng Kiều có sự đột biến. Nỗi đau khi tình yêu bị tan vỡ thì người ngoài cuộc không thể hiểu, nàng Vân không thể chia sẻ. Lúc này, tâm trạng Kiều chìm tới đáy của sự chiêm nghiệm cá nhân, của nỗi đau cuộc đời, nàng ý thức sâu sắc thân phận của mình.         
 trâm gãy bình tan
tơ duyên ngắn ngủi
 phận bạc như vôi
 nước chảy hoa trôi
Lời nói của Kiều có một loạt những thành ngữ diễn tả cái tan vỡ, cái bất hạnh, cái nổi trôi vô định của số phận, Kiều nhắc tới điều đó  bằng sự ý thức về thân phận, về cuộc đời bi kịch của mình, bằng nhận thức sự đối lập găt gắt giữa cái hữu hạn của số phận và cái"muôn vàn" vô hạn của tình yêu, ước vọng. Hiện tại đẩy nàng xuống tận cùng bi kịch, nỗi đau này không thể chia sẻ cùng ai, kể cả nàng Vân  chỉ có chàng Kim là hiểu, chàng là người duy nhất có thể chia sẻ vì thế từ sự tự thương mình Kiều tìm đến chàng Kim và bóng hình chàng Kim xuất hiện trong sự tưởng tượng của Kiều. Đang đối mặt cùng Thuý Vân thế mà Kiều dường như vượt qua cả không gian thời gian để cùng tâm sự với chàng Kim. Lời của nàng giờ đây là những lời than chua xót về thân phận của mình và thân phận của tình yêu, đặc biệt là những lời  tạ lỗi cùng Kim Trọng:
  Kể làm sao hết muôn vàn ái ân
   Trăm nghìn gửi lạy tình quân

  

Nàng gọi tên chàng Kim  bằng  những tiếng nấc nghẹn ngào  như  trong cơ  mê sảng “Ôi Kim lang hỡi Kim lang/  Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Những gì đã lo cho chàng Kim chỉ làm nàng yên tâm trong khoảng khắc, nàng vẫn mang nặng trong lòng mình nỗi mặc cảm tội lỗi.

Câu hỏi: Cảm nhận của em về tâm trạng nhân vật ở đây?

Yêu cầu: Đoạn thơ diễn tả một cơn khủng hoảng, một trận sóng gió tơi bời trong lòng của con người tài sắc mà mệnh bạc. Nàng khổ đau, quằn quại đâu phải chỉ vì chính mình mà còn vì người nên nỗi đau càng nhân lên gấp bội...