Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

BÀI THƠ SIM TÍM - PHANXIPĂNG

Màu tím hoa sim

(Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Nàng có ba người anh
đi bộ đội
Những em nàng có em
chưa biết nói
Khi tóc nàng
xanh
xanh

* * *

Tôi người Vệ-Quốc-quân
xa gia đình
Yêu nàng như
tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi
may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất
hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng  độc đáo
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi

* * *

Tự chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi
trở lại !
Nhỡ khi mình không về
thì thương người vợ
chờ
bé bỏng
chiều quê

* * *

Nhưng không chết
người trai khói lửa
mà chết người gái nhỏ
hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
Chiếc bình hoa
ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh
vây quanh

* * *

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi ! Giây phút
cuối
Không được
nghe nhau nói
Không
được
trông
nhau
một lần

* * *

Ngày xưa nàng yêu
hoa sim tím
Áo nàng
màu tím
hoa sim
Ngày xưa
đèn khuya
bóng nhỏ
nàng vá cho chồng
tấm áo
ngày xưa! ...

* * *

Một chiều rừng mưa
ba người anh
tự chiến trường Đông Bắc
biết tin
em
gái
mất
trước
tin
em
lấy
chồng!

* * *

Gió thu về
rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng
nhìn ảnh chị
Khi gió thu về
cỏ vàng
chân mộ chí!

* * *

Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
dài trong chiều
không
hết ...
Màu tím hoa sim
tím
chiều hoang
biền biệt ...

* * *

Có ai ví như từ chiều
ca dao nào xưa xa:
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già
chưa khâu"

* * *

Ai hát vô tình hay
ác ý
với nhau
Chiều hoang tím
có chiều hoang biết
Chiều hoang tím
tím thêm
màu da diết ...
nhìn áo rách vai
tôi hát
trong màu hoa :
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh
mất
sớm ...!
Màu tím hoa sim
tím
tình tang
lệ rớm ...

* * *

Ráng vàng ma
và sừng rúc
điệu
quân hành
Vang vọng
chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm
chiều hoang
màu tím

* * *

Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu?
- Áo anh
nát chỉ
dù ... lâu!


Hữu Loan
(1949)

"Màu tím hoa sim", bài thơ do Hữu Loan sáng tác năm 1949 đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Có lẽ, áng thơ thẩm thấu vào tâm hồn mọi người một cách sâu rộng hơn từ khi được phổ nhạc rồi phát qua băng, qua đĩa, qua làn sóng phát thanh và truyền hình. Dzũng Chinh phổ ra ca khúc "Những đồi hoa sim". Phạm Duy phổ thành bài hát "Áo anh sứt chỉ đường tà". Theo chúng tôi biết, bài thơ này còn được phổ bởi vài nhạc sĩ khác - với các giai điệu, tiết tấu không kém phần đặc sắc - dù mức độ truyền tụng trong xã hội chẳng bì nổi hai ca khúc vừa nêu.

Bài thơ "Màu tím hoa sim" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Dòng sous-titre cho biết: đây là bài thơ tác giả khóc chính người vợ đầu của mình - Lê Đỗ Thị Ninh.

Lê Đỗ Thị Ninh là ai ?

Là ái nữ của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra Đông Dương thuở ấy. Do quá mến mộ tài năng Hữu Loan (học giỏi và hay thơ nức tiếng cả vùng Nga Sơn ở Thanh Hóa), phu nhân của viên tổng thanh tra là bà Đái Thị Ngọc mời Hữu Loan về nhà dạy kèm cho cô con gái cưng. Thế là ra duyên nợ. Năm đó, Hữu Loan 24 tuổi, còn cô Ninh chỉ vừa lên... tám!

Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Hữu Loan gia nhập Vệ quốc quân. Mãi chín năm sau, năm 1948, hai người mới làm lễ tuyên hôn. Đau đớn thay, hơn ba tháng sau ngày cưới, Lê Đỗ Thị Ninh ra sông giặt giũ và bị chết trôi. Sự thật là thế, chứ chẳng phải nhân vật bị giặc hãm hiếp bắn giết như một số độc giả suy đoán.
Thương vợ, xót mình, Hữu Loan viết "Màu tím hoa sim". Từng con chữ rơi rơi như những dòng lệ thảm.

Bài thơ xuất hiện, lập tức được lan truyền rộng rãi. Dẫu có nơi, có lúc, "Màu tím hoa sim" bị phê phán gay gắt là "nhuốm mùi tiểu tư sản"; song tác phẩm vẫn sống trong lòng người qua truyền miệng hoặc chép tay. Đây chính là lý do khiến bài thơ bị tam sao thất bản. Rất nhiều bản hiện lưu hành đều ít nhiều dị biệt so với nguyên tác.

Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 15/6/1997 đăng bài "Có người màu tím hoa sim..." của Lê Thọ Bình viết về thi sĩ Hữu Loan, đồng thời đăng lại bài thơ "Màu tím hoa sim". Gần tháng sau, ngày 13/7/1997, cũng trên báo này, Lê Đình Bích đính chính các sai sót trong văn bản tác phẩm căn cứ vào băng ghi âm giọng đọc của chính Hữu Loan nhân dịp thi sĩ lần đầu ghé chơi Cần Thơ cách đây gần mươi năm trước. Vì sơ xuất, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật để sót mấy câu và đã đính chính ngay trong số tiếp theo. Mới đây, thêm lần nữa Lê Đình Bích công bố nguyên bản bài thơ "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan trên tờ Kiến Thức Ngày Nay số 258 ra ngày 20/9/1997. Nếu đối chiếu với một số ấn bản trước kia, như trong tuyển "Mùa xuân tuổi trẻ tình yêu" do NXB Long An thực hiện đầu năm 1989 chẳng hạn, thì hai bản gần như một - ngoại trừ cách ngắt dòng. Tuy nhiên, để quý bạn yêu thơ có được bản gốc "Màu tím hoa sim", chúng tôi xin chuyển lên mạng toàn văn bài thơ dựa theo cách ghi của Lê Đình Bích.

Bạn thử đọc lại bài thơ quen thuộc và có phát hiện điểm gì là lạ chăng? Ví như mấy câu:

Má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối...


Nếu biết rằng Hữu Loan gốc người Thanh Hóa, thuở ấy hoạt động chính ở xứ Thanh, thì... khí lạ. Vì từ Thanh Hóa trở ra, trong từ ngữ phổ thông, thân mẫu vẫn thường được gọi là mẹ. Sao ở đây lại là má như người các tỉnh phía Nam quen xài?

Ngoài "Màu tím hoa sim", Hữu Loan còn được biết đến qua một vài bài thơ khác như "Đèo Cả", "Những làng đi qua", "Hoa lúa",.v.v. Tuy nhiên, tài hoa nhất, tâm huyết nhất của Hữu Loan vẫn cứ là bài thơ sim tím bất hủ. Chính nhà thơ xứ Thanh từng tâm sự:

"Bài thơ "Màu tím hoa sim" đã được rứt ra từ máu thịt của tôi!"